ClockThứ Năm, 23/02/2023 07:15

Tăng giá trị thương mại cho thủy sản vùng đầm phá

Đổi đời nhờ nuôi trồng thủy sảnHướng đến nuôi thủy đặc sản bền vữngNâng cao giá trị thủy sản đầm phá Tam Giang - Cầu Hai

Giá trị bản địa

Trong các loại thủy sản, cá là loài mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Khi nói đến các loài cá đặc hữu của vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai không thể không nhắc đến những loài cá như: ong, nâu, mú, dìa, kình, bống, đối và tôm thiên nhiên... Đây là đặc sản của vùng đầm phá được nhiều người biết đến bởi độ tươi ngon, cho thịt thơm, ngọt, bổ dưỡng.

Ương nuôi con giống từ cá tự nhiên để thả nuôi trên vùng đầm phá

Nhờ sự giao thoa giữa nước ngọt và nước mặn tại khu vực các cửa biển, giúp vùng nước nơi đây thích hợp với sự phát triển của các loại cá giá trị cao. Tận dụng đặc điểm này, nhiều năm qua, không chỉ dựa vào khai thác, đánh bắt tự nhiên, mà người dân vùng đầm phá đã tham gia ươm nuôi dưới sự hỗ trợ, hướng dẫn về khoa học kỹ thuật, quy trình, con giống, thức ăn của ngành nông nghiệp và khoa học công nghệ. Mặc dù nuôi trồng, nhưng nguồn giống chủ yếu được người dân đánh bắt tự nhiên nên chất lượng cá sau khi thu hoạch vượt trội hơn so với khai thác trực tiếp từ thiên nhiên.

Theo nhiều người nuôi ở các vùng nuôi ven phá Cầu Hai của huyện Phú Lộc, để nuôi được cá, người dân rất kỹ lưỡng trong khâu chọn giống. Đến mùa cá sinh sản, họ thường chèo thuyền dọc cửa biển để bắt cá giống, rồi chủ động ươm tại các lồng để lựa chọn những con giống khỏe mạnh.

Không chỉ Phú Lộc, hệ đầm phá Tam Giang đang tạo sinh kế cho người dân ở các địa phương như, Quảng Điền, Phú Vang, Phong Điền... nhờ vào nuôi trồng thủy sản. Điển hình như ở chợ Sớm (chợ nổi trên phá) tại thôn Ngư Mỹ Thạnh (xã Quảng Lợi, Quảng Điền), chợ Nịu (Quảng Thái, Quảng Điền), Hương Phong (TP. Huế), An Truyền (Phú An, Phú Vang), Vinh Hà (Phú Vang)... là nơi cung cấp các loại cá đầm phá chất lượng cho người dân trong vùng và tỏa đi các vùng khác trong, ngoài tỉnh.

Phần lớn các địa phương đều có vùng nuôi trồng thủy sản trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Trong đó, huyện Phú Vang có diện tích nuôi lớn nhất, chiếm hơn 57%; huyện Phú Lộc chiếm hơn 21%; còn lại là TX. Hương Trà, huyện Phong Điền, Quảng Điền có tỷ lệ nuôi với diện tích từ 0,4% đến 14,5%. Hiện nay, mô hình nuôi xen ghép cá - tôm bán chuyên canh và thâm canh cho hiệu quả khá cao. Nhất là ở các vùng nuôi của xã Vinh Thanh, Vinh An, Vinh Phú (Phú Vang); Lộc Bình, Vinh Hưng, Vinh Hiền, Giang Hải (Phú Lộc)...

Chọn đối tượng nuôi để phát triển thương hiệu

Thời gian qua, trong nhiều mô hình nuôi cá được lấy từ giống thiên nhiên đem lại hiệu quả cao, ở huyện Phú Lộc có mô hình nuôi cá vẩu được nhiều hộ tham gia. Qua quá trình nuôi, cá vẩu đem lại giá trị kinh tế cao, chất lượng thịt ngon. Để tạo lợi thế cạnh tranh, gia tăng giá trị sản phẩm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương từ con nuôi này, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Phú Lộc đã thực hiện dự án KHCN "Tạo lập, bảo hộ và quảng bá nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm cá vẩu Cầu Hai, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế". Đến nay, nhiều hộ nuôi đăng ký tham gia nhãn hiệu này và thương hiệu cá vẩu Cầu Hai đang dần được nhiều thị trường đón nhận. 

Hiện nay, có nhiều nhóm cá người dân đang vừa khai thác vừa nuôi trồng. Tuy nhiên, so sánh về hiệu quả kinh tế lại chưa cao, còn mang tính manh mún, tự phát. Bên cạnh đó, do tác động của thời tiết, khí hậu, môi trường nước bất ổn, cũng như hạ tầng nuôi trồng xuống cấp, cách tổ chức quản lý, quy hoạch khai thác, bảo tồn và phát triển ở đầm phá... còn nhiều tồn tại, hạn chế, gây thách thức không nhỏ cho người nuôi, nhà quản lý và chính quyền. Do vậy, chính quyền các địa phương phối hợp với Sở KH&CN tìm đơn vị tư vấn để chọn ra sản phẩm cụ thể, phù hợp với thực tế. Trong đó, chú trọng phát triển các loại giống có năng suất cao, ứng dụng KHCN vào sản xuất. Đầu tư ứng dụng KHCN vào chuỗi sản phẩm nông nghiệp, bao gồm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, máy móc hiện đại cho tất cả các khâu từ giống đến canh tác, thu hoạch, bảo quản, chế biến, tiêu thụ.

Song song đó, ngành thủy sản cần phối hợp với các địa phương rà soát điều chỉnh và bổ sung quy hoạch chi tiết nuôi trồng thủy sản của từng địa phương cũng như lập các dự án nuôi trồng thủy sản để cụ thể hóa định hướng quy hoạch và giúp các hộ nuôi trồng thủy sản bám sát quy hoạch, quy trình nuôi, tránh thiệt hại, thua lỗ, đảm bảo đem lại hiệu quả kinh tế.

Nếu muốn một nhóm sản phẩm có tính hàng hóa, bên cạnh chủ động được nguồn giống, ổn định sản lượng còn cần tìm được đầu mối tiêu thụ truyền thống, ổn định đầu ra cho sản phẩm. Vì thế, để phát triển chuỗi giá trị và nâng cao khả năng thương mại hóa các sản phẩm từ cá, việc xây dựng và quảng bá nhãn hiệu cho từng sản phẩm, nhóm sản phẩm thủy sản đặc trưng cần được thực hiện và có sự tham gia tích cực của người nuôi. Để từ đó, không chỉ trở thành "vựa cá tôm đặc sản" ở Việt Nam, đầm phá Tam Giang - Cầu Hai còn được biết đến là nơi trải nghiệm, phát triển các dịch vụ du lịch dựa trên các mô hình khai thác nuôi trồng các loài thủy sản, đem lại đời sống ngày càng cao cho cư dân hưởng lợi vùng đầm phá.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thúc đẩy liên kết phát triển dược liệu bền vững

Đó là chủ đề tại hội thảo khoa học do Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức vào ngày 22/11, với sự tham gia của các sở, ban, ngành liên quan, nhà khoa học, doanh nghiệp, chính quyền địa phương để cùng nhau bàn luận các giải pháp, tháo gỡ vướng mắc trong phát triển dược liệu, nhất là vấn đề liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ dược liệu.

Thúc đẩy liên kết phát triển dược liệu bền vững
Thương mại của Trung Quốc với APEC đạt kỷ lục mới trong 10 tháng đầu năm 2024

Ghi nhận trong 10 tháng đầu năm 2024, thương mại của Trung Quốc đạt được với các nền kinh tế thành viên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) chạm mốc cao kỷ lục, vượt 21 nghìn tỷ NDT (2,91 nghìn tỷ USD). Kết quả này đã nhấn mạnh sự hội nhập kinh tế sâu rộng và kết nối thương mại mạnh mẽ giữa các bên.

Thương mại của Trung Quốc với APEC đạt kỷ lục mới trong 10 tháng đầu năm 2024
Làm giàu từ nuôi trồng thủy sản

Từ một hộ nông dân vốn nhiều khó khăn, nay ông Trương Ngọc Nhật ở xã Phú Gia, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi huyện Phú Vang đã vươn lên làm giàu chính đáng trên đất quê hương.

Làm giàu từ nuôi trồng thủy sản

TIN MỚI

Return to top