ClockThứ Sáu, 29/01/2021 07:00

Tôm nuôi vào vụ tết

TTH - Vượt qua dịch bệnh, thiên tai, người nuôi tôm thẻ chân trắng đang có vụ đông thuận lợi, chuẩn bị đón thị trường tết.

Đón tết ở… hồ tôm

Vệ sinh hồ nuôi, đảm bảo an toàn cho tôm trước khi thu hoạch

Thu tôm xuyên tết

Sau khó khăn đầu vụ do thiên tai, thời điểm này, vựa tôm nuôi ven biển Phong Hải, Điền Hòa (Phong Điền), Quảng Ngạn (Quảng Điền), Vinh An, Vinh Xuân (Phú Vang)… đang vào kỳ thu hoạch. 

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh thông tin: Sau bão lũ, khi xuất hiện dấu hiệu mầm bệnh trên tôm nuôi, đơn vị ngay lập tức cử cán bộ về các vùng để nắm tình hình, đánh giá nguyên nhân. “Rất may là dịch bệnh không xảy ra trên diện rộng, người nuôi tôm áp dụng các biện pháp kỹ thuật kịp thời nên tôm sinh trưởng tốt”, ông Hưng nói.

Ông Hồ Lành (xã Điền Hòa) vừa thu hoạch vụ tôm với sản lượng hơn 10 tấn, kích cỡ tôm đạt 50 con/kg và mức giá 220 nghìn đồng/kg.Vụ này ông lãi 500 triệu đồng. Số tiền này không chỉ giúp gia đình ông sẽ có những ngày tết ấm mà còn để tái đầu tư những mùa vụ tiếp theo.

“Người nuôi tôm chúng tôi luôn kỳ vọng vào vụ đông, nhưng năm nay bão liên tiếp nên khi thả giống gặp nhiều khó khăn. Có thời điểm tôm bị thiếu ô xy, độ pH trong nước thay đổi đột ngột, tôm chết rải rác khiến ai cũng lo. Bây giờ, qua nhiều khó khăn, thắng lợi vụ tôm này là thành quả của những ngày “vượt” bão", ông Lành chia sẻ.

Hiện nay, giai đoạn thu hoạch tôm đã bắt đầu và sẽ kéo dài đến sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, sản lượng tôm của đa số hộ nuôi đều đạt trên 10 tấn/hồ (khoảng 3.000m2). Tùy theo kích cỡ tôm mà mang lại lãi từ 500 triệu-1 tỷ đồng/hồ.

“Để nuôi tôm, tôi phải thuê thêm 5 lao động với mức lương 5-7 triệu đồng/tháng. Trong hợp đồng với lao động họ sẽ hưởng thêm từ 5-7% thu nhập từ lãi suất của vụ nuôi. Vụ hè năm 2020 nuôi tôm khó khăn, không lãi là bao nên người lao động mất thu nhập phụ. Vụ đông này, tôi lãi 1 tỷ đồng và còn một số hồ nuôi ra tết mới thu hoạch nên các lao động ngoài được trả lương đầy đủ còn được thưởng thêm. Chủ hồ lãi, lao động thu nhập sẽ cao và có cái tết đủ đầy hơn”, ông Nguyễn Thành (xã Phong Hải) cho biết.

Tuân thủ quy trình

Nhu cầu tiêu thụ cao trước, trong và sau dịp tết nguyên đán giúp người nuôi tôm có lợi. Nếu như các vụ thu hoạch khác trong năm, con tôm bị “kẹt” thế tiêu thụ thì thời điểm này, người nuôi tôm không lo lắng quá nhiều về đầu ra của sản phẩm.

Theo bà Trần Thị Bé (thương lái thu mua tôm vùng Ngũ Điền), hiện nay tôm của người dân thu hoạch chừng nào sẽ được thu mua chừng ấy. Ngoài việc nhập các chợ đầu mối các tỉnh phía Bắc, tôm còn được thông qua một số kênh phân phối xuất sang Trung Quốc.

“Đây là thời điểm giá tôm cao nhất trong năm. Với mức giá dao động từ 180-220 nghìn đồng/kg (tùy kích cỡ) thì hầu như người nuôi nào cũng có lãi. Cứ vào mùa này, những chiếc xe đông lạnh của tôi lại chạy hết công suất”, bà Bé chia sẻ.

Mặc dù con tôm đang tạo ra thu nhập cao khi được mùa cho nhiều hộ dân vùng ven biển, song việc phụ thuộc quá nhiều thương lái khiến người nuôi bị động. Không ít hộ nuôi bây giờ dù tôm đã đạt trọng lượng thu hoạch nhưng vẫn “ngâm” để tăng kích cỡ, bán được giá cao hơn. Đây là con dao hai lưỡi, thất thu có thể xảy đến bất cứ khi nào nếu giá cả trượt dốc hoặc xảy ra sự cố về kỹ thuật. Điều này đã xảy ra vào vụ đông năm ngoái. Nhiều người nuôi chờ giá, song sau tết nguyên đán, cung vượt cầu, giá tôm giảm sâu khiến họ không lời lãi là bao.

“Hiện nay, thời tiết đang khá thuận nên một số hộ thay vì thu hoạch lại đang cố chăm sóc, kích thích sự tăng trọng của tôm để đạt sản lượng lớn hơn, qua đó thu nhập sẽ cao hơn”, anh Nguyễn Nhất (xã Vinh An) nói.

Trong nuôi trồng thủy sản nói chung và tôm chân trắng nói riêng, ngoài quy trình kỹ thuật, nuôi đúng theo khung lịch thời vụ là điều rất quan trọng. Hàng năm, cơ quan chức năng đều ban hành các văn bản về khung lịch thời vụ cho các đối tượng nuôi, việc làm này nhằm giúp người dân chủ động ứng phó với các điều kiện thời tiết và yếu tố thị trường. “Găm hàng chờ giá” hoặc kích thích tăng trưởng cho vật nuôi sẽ vô tình tạo nên rủi ro không đáng có.

Ông Trương Văn Giang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo: Đối với tôm chân trắng, nếu để xảy ra dịch bệnh thì ngoài yếu tố khách quan, quy trình, kỹ thuật nuôi đã gặp vấn đề ở khâu nào đó. Bởi yếu tố được giá nên người dân xem vụ đông là vụ chính trong năm. Tuy nhiên, bây giờ người nuôi nên tuân thủ đúng theo quy trình. Nuôi tôm chân trắng phải bỏ ra số tiền lớn nên việc hoàn vốn là rất quan trọng. Tôm đến thời kỳ nên thu hoạch còn chưa đạt kích cỡ thì phải có những biện pháp kỹ thuật và tăng cường chăm sóc.

Bài, ảnh: L.Thọ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Châu Á-Thái Bình Dương thiệt hại kinh tế 65 tỷ USD do các thảm họa tự nhiên

Aon, công ty dịch vụ chuyên nghiệp hàng đầu thế giới, vừa công bố Báo cáo Khí hậu và Thảm họa năm 2024, trong đó xác định các xu hướng thiên tai và khí hậu trên toàn cầu và ở châu Á-Thái Bình Dương, giúp các doanh nghiệp đưa ra quyết định tốt hơn nhằm quản lý sự biến động và tăng cường khả năng phục hồi.

Châu Á-Thái Bình Dương thiệt hại kinh tế 65 tỷ USD do các thảm họa tự nhiên
Ứng phó nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm

Các biện pháp phòng, chống được triển khai đồng bộ, có hiệu quả nên đến thời điểm này, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC) chưa xảy ra. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm, tái bùng phát dịch bệnh GSGC.

Ứng phó nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm
Một công đôi việc

Thời tiết đang chuyển mùa với nóng, lạnh, nồm ẩm đan xen nên nguy cơ mắc bệnh và lây lan dịch bệnh trên vật nuôi là rất cao. Theo thông tin mới nhất, dịch cúm gia cầm H5N1 đang xuất hiện tại một số tỉnh thành phía Bắc và phía Nam; cùng với một số dịch bệnh khác trên đàn vật nuôi vẫn đang tiềm ẩn.

Một công đôi việc

TIN MỚI

Return to top