ClockThứ Bảy, 27/11/2021 07:45

Ứng dụng khoa học công nghệ, tăng chất lượng sản phẩm nông nghiệp

TTH - Việc xây dựng, đảm bảo an toàn cho các chuỗi giá trị đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Thời đại 4.0, xây dựng chuỗi giá trị không đơn thuần theo cách truyền thống. Áp dụng khoa học công nghệ đang là hướng đi phù hợp với xu thế. Xung quanh vấn đề này, Thừa Thiên Huế Cuối tuần có cuộc trao đổi với TS. Hồ Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN).

Tôn vinh sản phẩm công nghiệp nông thônTạo sức cạnh tranh cho sản phẩm công nghiệp nông thônThành lập cửa hàng kết nối và tiêu thụ nông sản

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hồ Thắng

Với xu thế hiện nay, ông đánh giá như thế nào về vai trò của KH&CN trong quá trình xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp? Hàm lượng KH&CN được áp dụng vào việc xây dựng chuỗi giá trị tại Thừa Thiên Huế ra sao?

Tôi nghĩ rằng KH&CN chính là đòn bẩy để xây dựng chuỗi giá trị. Nhiều địa phương trên cả nước đã triển khai thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Một trong những giải pháp quan trọng để đạt được mục tiêu đó là đẩy mạnh xây dựng chuỗi giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp.

Thừa Thiên Huế đang tập trung xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp phục vụ chế biến xuất khẩu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và mở rộng quy mô sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ, an toàn, truy xuất nguồn gốc, HACCP,…

Nước ớt Vinh Xuân (Phú Vang) chủ yếu vẫn làm theo cách thủ công

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến vào chuỗi sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phổ biến kiến thức, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi.

Qua triển khai, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều mô hình tiêu biểu như: Công ty CP Đầu tư phát triển Công Thành, HTX Nông nghiệp Quảng Thọ, Hộ kinh doanh nhà vườn Vinh Hưng, Hộ kinh doanh nông sản sạch Hải Farm, Công ty TNHH MTV SEAFOOD, Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại và dịch vụ Hichagol… với nhiều sản phẩm như dưa lưới, rau má, dược liệu, nước mắm, atiso đỏ,…

Nhiều sản phẩm nông nghiệp bị “tắc đường”, một trong những lý do đó là chưa hình thành nên chuỗi giá trị. Vậy đâu là rào cản để xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp hiện nay, thưa ông?

Ngoài ảnh hưởng của dịch bệnh, một trong những nguyên nhân khác là do sản xuất nông nghiệp vẫn mang tính nhỏ lẻ, manh mún, khó hình thành những khu sản xuất tập trung để áp dụng khoa học - kỹ thuật cũng như kiểm soát các vấn đề liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm. Chính vì vậy, cần đẩy mạnh việc hình thành các mô hình chuỗi giá trị theo các hình thức như: Hợp tác xã/tổ hợp tác liên kết với doanh nghiệp; doanh nghiệp sản xuất liên kết với doanh nghiệp phân phối; doanh nghiệp thực hiện toàn bộ các khâu trong chuỗi... Muốn vậy, các địa phương cần sớm quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, làm cơ sở cho việc hình thành các chuỗi giá trị.

Thừa Thiên Huế có những sản phẩm nông nghiệp mà không nơi nào có được như thanh trà Thủy Biều, cá đặc sản Tam Giang - Cầu Hai… Vậy tại sao những sản phẩm ấy chưa vươn ra được thị trường lớn?

Đúng như vậy! Dù có nhiều quan tâm, chú trọng việc phát triển thương hiệu cho sản phẩm như, thanh trà Huế, một số hải sản,… tuy nhiên do thời tiết thay đổi, diện tích canh tác bị ảnh hưởng,… nên chất lượng thanh trà Huế mặc dù ngon nhưng chất lượng chưa ổn định và đồng đều, còn đặc sản vùng Tam Giang - Cầu Hai chưa xây dựng thương hiệu để quảng bá, khai thác còn manh mún,… nên giá trị của sản phẩm chưa đạt như mong muốn và tiềm năng hiện có, việc đầu tư nuôi trồng chưa được liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị,…

Xây dựng thương hiệu là hướng đi cần thiết đối với sản phẩm nông sản, vấn đề này được thực hiện tại các địa phương ra sao?

Chúng tôi đã tham mưu UBND tỉnh, tổ chức triển khai các hoạt động nhằm hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm trên địa bàn tỉnh, trọng tâm là sản phẩm đặc sản, sản phẩm chủ lực của tỉnh, đặc biệt sau khi Nghị quyết số 22/2020/NQ-HĐND được ban hành, việc hỗ trợ đăng ký thương hiệu được tăng cường, đặc biệt là các sản phẩm đặc sản, sản phẩm chủ lực, sản phẩm khởi nghiệp, hỗ trợ xây dựng bộ nhận diện thương hiệu cho một số sản phẩm nhằm quảng bá,…

Trong muôn vàn các mặt hàng cùng chủng loại, để một sản phẩm được nhiều người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn là một hành trình đầy gian nan, thử thách… Thời gian qua, tỉnh luôn hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp áp dụng công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường cũng như đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Việc sản xuất ra nhiều dòng sản phẩm chất lượng tốt đã khó khăn, nhưng để tạo dựng được thương hiệu, đáp ứng được những quy chuẩn vô cùng khắt khe của thị trường trong và ngoài nước là cả một vấn đề nan giải.

Người ta nhắc nhiều đến sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm hữu cơ, VietGAP, đó có phải là dòng sản phẩm chất lượng?

Với mặt bằng chung hiện nay, đó là dòng sản phẩm chất lượng và có hàm lượng áp dụng KH&CN rất cao. Song, thách thức lớn là giá thành sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vì thông thường các sản phẩm này giá thành cao so với mặt bằng chung hiện nay. Mặt khác, việc phân biệt đâu là sản phẩm sạch, an toàn là cũng khó đối với người tiêu dùng nên việc tiêu thụ sản phẩm này là một thách thức cần tính đến, tôi nghĩ cần có thể tăng cường công tác truyền thông, nói chung nông dân là những người truyền thông tốt; họ có thể đưa ra các ví dụ xác thực về công việc của họ.

Có ý kiến cho rằng, nông dân đang thiếu tư duy, kiến thức sản xuất, việc chuyển giao công nghệ dường như chưa có bước tiến nào đáng kể? Để KH&CN phát huy vai trò đòn bẩy, những giải pháp nào sẽ là căn cơ trong thời gian tới?

Chúng tôi không nghĩ vậy. Đảng và Nhà nước luôn xây dựng và thực thi nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, trong đó có Chương trình xây dựng các mô hình ứng dụng KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi. Chương trình lựa chọn được những công nghệ tiên tiến, phù hợp, xây dựng được những mô hình ứng dụng KH&CN có hiệu quả hướng vào giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội có tầm quan trọng đối với địa phương, như nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, có tiềm năng về thị trường và phát huy lợi thế của từng vùng, từ đó nâng cao năng lực tư duy của người dân.

KH&CN được xác định là nhân tố quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả sản phẩm; góp phần phát triển bền vững trên tất cả các mặt kinh tế - xã hội và môi trường.

Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, KH&CN phải đi trước một bước để tìm ra những cách làm hay, những mô hình hiệu quả, nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và nâng cao thu nhập của người dân. Theo đó, Sở KH&CN đã phối hợp với các sở, ngành liên quan nghiên cứu vận dụng các cơ chế, chính sách của Nhà nước để tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh triển khai có hiệu quả hoạt động ứng dụng KH&CN phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Hiện, Sở KH&CN đã hỗ trợ triển khai nghiên cứu giải pháp phát triển các liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Hầu hết các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đều chứng minh được hiệu quả kinh tế, chất lượng, giải phóng sức lao động, để hướng đến một nền nông nghiệp hiện đại.

Xin cảm ơn ông!

LÊ THỌ (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lan tỏa văn hóa tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ trong giáo dục

Ngày 26/4, Cục Sở hữu Trí tuệ (SHTT), Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng Tập đoàn Giáo dục EQuest và Trường đại học Phú Xuân tổ chức lễ chào mừng Ngày SHTT thế giới với chủ đề “SHTT và các mục tiêu phát triển bền vững: Xây dựng tương lai chung bằng đổi mới và sáng tạo”. Tham dự sự kiện có ông Lưu Hoàng Long, Cục trưởng Cục SHTT. Về phía tỉnh có ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh. Sự kiện còn thu hút gần 60 đại biểu quốc tế.

Lan tỏa văn hóa tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ trong giáo dục
Đầu tư nguồn lực và nhân lực phát triển khoa học công nghệ

Không phải đợi đến lúc thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị mà từ trước đó, Thừa Thiên Huế đã đặt mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ (KH&CN). Cơ sở để hiện thực hóa kỳ vọng này là vì Thừa Thiên Huế có đội ngũ trí thức hùng hậu, có cơ sở hạ tầng, thiết chế về khoa học công nghệ, cơ sở thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Đầu tư nguồn lực và nhân lực phát triển khoa học công nghệ

TIN MỚI

Return to top