ClockThứ Ba, 06/07/2021 14:00

Đổi thay từ những con đường vùng biên - kỳ 2: Phá thế độc đạo

TTH - Huyện vùng cao của Thừa Thiên Huế có thể được xem là vùng động lực kinh tế phía tây của tỉnh khi có những tuyến quốc lộ (QL) ngang qua và đặc biệt tuyến giao thông đối ngoại…

Đổi thay từ những con đường vùng biên - Kỳ 1: Kết nối, thúc đẩy kinh tế

Tuyến Quốc lộ 49 nối Huế và A Lưới - mở ra những cơ hội trong phát triển kinh tế - xã hội vùng cao

Động lực vùng kinh tế phía tây

Năm 2003, mỗi khi đi công tác ở A Lưới, QL49 tuyến Huế - A Lưới thời điểm đó còn cảnh xe ngược chiều phải nhường nhau nhưng theo những đồng nghiệp lớn tuổi, có đường đã là quý.

Trước giải phóng, đây là đường công binh mở để bộ đội di chuyển trong chiến dịch Mậu Thân 1968. Sau giải phóng, năm 1976, người dân các huyện Phú Vang, Quảng Điền, Hương Thủy đi làm kinh tế mới hình thành nên các xã Phú Vinh, Sơn Thuỷ, Hương Phong, xe ba cầu của bộ đội là phương tiện chuyên chở người dân. Do đường khó nên xe khách thường đi đường 14, vòng ra Đông Hà, rồi theo đường 9 vòng trở lại. Có khi sáng đi, chiều tối mới tới Bốt Đỏ.

Năm 1991, ngành chức năng bắt đầu thi công cắt dốc Bốt Đỏ (từ cầu Ông Dự lên), đồng thời làm các cầu Á1, Á2 (xã Hồng Hạ) và ngầm tràn Hồng Hạ để giải quyết xe ba cầu lội qua sông. Trận lụt lịch sử năm 1999 cuốn trôi hoàn toàn cầu Tà Lương. Năm 2011, tuyến đường QL49 bắt đầu thay các cầu, cống kiên cố. 4 năm sau (từ năm 2015 - 2020), QL49 Huế bước vào giai đoạn hoàn thiện con đường, mở rộng thêm 1m về 2 bên và thảm mặt đường toàn tuyến. Đường hoàn thành đã rút ngắn thời gian Huế - A Lưới chỉ còn 2 tiếng đồng hồ với người đi xe máy.

Tuyến Quốc lộ 49 (Huế - A Lưới) là một trong những con đường đẹp

Bản đồ giao thông cho thấy, A Lưới không còn khép kín và cô lập. Bên cạnh QL49, trục giao thông Đông - Tây kết nối A Lưới với QL1A, trục đường Hồ Chí Minh chạy qua địa bàn huyện đã phá thế ngõ cụt, nối liền A Lưới thông suốt với hai miền Bắc - Nam đất nước, nhất là tuyến Huế - Quảng Trị, Huế - Quảng Nam. A Lưới có 85 km đường biên giới giáp với Lào và là huyện duy nhất trong tỉnh có 2 cửa khẩu quốc tế A Đớt - Tà Vàng (tỉnh Sê Kông) và cửa khẩu Hồng Vân – Cô Tài (tỉnh SaLavan) liên thông với CHDCND Lào. Đây là các cửa ngõ phía Tây quan trọng, là lợi thế để huyện mở rộng hợp tác kinh tế, văn hóa với nước bạn Lào và các nước trong khu vực.

Ông Bùi Viết Dũng, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện A Lưới nửa đùa, nửa thật: “Từ ngày đường sá được đầu tư nhiều, người dân A Lưới mua ô tô nhiều hơn. Không có thống kê, nhưng hai năm trở lại, trung bình vài ngày lại thấy có ô tô cá nhân mới”.

Bứt phá của những tuyến đường giao thông đem lại nhiều cơ hội cho A Lưới, nhất là phát triển du lịch. Trong 5 năm (2026 – 2020), tổng lượt khách đến A Lưới đạt 212.945 lượt, trong đó có đến 54.000 lượt khách quốc tế đã mang lại tổng doanh thu ngành du lịch, dịch vụ ước đạt 40 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 100 lao động – những con số không nhỏ với một huyện vùng cao.

Sự phát triển của hệ thống giao thông kéo theo đặc sản và thương hiệu nông nghiệp của A Lưới vang tiếng gần xa. Năm 2020, Tập đoàn Quế Lâm ký kết hợp tác với huyện A Lưới để sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Hai hướng đi thế mạnh của huyện vùng cao là nông nghiệp và du lịch được tiếp thêm sức mạnh thông qua sự kết nối, phát triển những con đường.

Để xứng “đô thị vùng cao”

Sự thay đổi từ hạ tầng giao thông mang lại những cơ hội để A Lưới ngày càng chuyển mình. Tuy nhiên, không bao giờ là đủ trong xu hướng thế giới luôn vận động. Thừa Thiên Huế đang nỗ lực xây dựng và phát triển thành thành phố trực thuộc Trung ương và thực hiện các mục tiêu theo tinh thần Nghị Quyết 54 của Bộ Chính trị, A Lưới cũng nằm trong mối gắn kết chung.

Vai trò của trục giao thông Đông - Tây (QL49), trục đường Hồ Chí Minh đi qua hay đường biên giới giáp với nước bạn Lào là điều đã khẳng định. Song, phải khai thác được hiệu quả lợi thế có 2 cửa khẩu. Hiện, cửa khẩu Hồng Vân – Cô Tài phía Lào đã thi công xong mặt đường đến mốc đại biên giới 645; phía giao thông ở cửa khẩu A Đớt – Tà Vàng vẫn đang thi công. Mục đích quan trọng là quốc phòng - an ninh được đảm bảo, nhưng nhìn nhận khách quan giao thông đối ngoại vẫn chưa phát huy hết tiềm lực, chưa có những hoạt động giao thương mang tầm quy mô, thường xuyên và mang lại giá trị cao.

Giao thông đối ngoại không chỉ với nước bạn Lào mà với các địa phương cũng rất quan trọng. A Lưới có đường đi Quảng Nam, đến Quảng Trị và nước bạn Lào, nhưng dường như còn thiếu một con đường đúng nghĩa để sang huyện bạn trong tỉnh là Nam Đông, trong khi dễ dàng nhận thấy đầu tư cho tuyến đường này cũng là chiến lược, có mối gắn kết phát triển khi sẽ gần với Đà Nẵng hơn. Trên thực tế, đường Quốc phòng 74 nối A Lưới – Nam Đông đã hoàn thành cầu trên tuyến, mặt đường, nhưng do thiếu vốn nên vẫn chưa làm nền đường. Đối với đường 71 nối A Lưới – Phong Điền, dù đã thông tuyến, nhưng chủ yếu là đường cấp phối đi các nhà máy thủy điện đầu tư để vận chuyển trang thiết bị và thi công công trình. Nói điều này để thấy, trong chiến lược đầu tư hạ tầng giao thông, cần xem lại những cung đường kết nối trong tổng thể.

Khó khăn nhất trong xây dựng hạ tầng giao thông ở A Lưới là địa hình dốc, mùa bão lụt sạt lở làm hư hỏng nhanh các con đường. Kinh phí duy tu giao thông nông thôn hiện nay chưa có một định mức và phân bổ trong ngân sách cấp xã (Chương trình 135 có duy tu nhưng cũng rất nhỏ), đây là bài toán các địa phương của huyện cần tính toán kỹ để có lời giải hợp lý.

Đường giao thông miền núi để đầu tư kiên cố kinh phí có thể gấp 1,5 - 2 lần mới đảm bảo bền lâu, nhất là phải đủ các cầu cống, khẩu độ lớn. Bài học từ những mùa mưa cho thấy, ngay cả đường Hồ Chí Minh, dù đã được tính toán trước đó nhưng do cống nhỏ, cũng bị 5 điểm tràn đường. Nếu xem nhẹ hệ thống cầu, cống, không thiết kế hệ thống rãnh dọc để thu nước, chỉ cần bị tắc 1 điểm sẽ ùn ứ nước làm đứt đường, chia cắt giao thông và hư hỏng đường. Mà, để tìm kinh phí duy tu như đã nói là không hề dễ.

Chuyện đầu tư vốn đã khó, giữ đường cũng cần đặc biệt quan tâm. Huyện nghèo luôn khó khăn về kinh phí, mà kinh nghiệm thế giới đã chỉ ra 1 đồng duy tu hiệu quả bằng 8 đồng đầu tư mới.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới

Đây là cảm nhận không chỉ riêng chúng tôi vừa trở lại xã Phong Sơn - địa phương cuối cùng của huyện Phong Điền vừa được tỉnh công nhận xã nông thôn mới (NTM).

Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới
Nữ công an xã vùng biên gương mẫu

Gương mẫu, tận tụy và đầy trách nhiệm trong công việc, Thiếu tá Hồ Thị Kim Anh (sinh năm 1986, Phó Trưởng Công an xã Hồng Kim, huyện A Lưới) luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Nhiều năm liền, Thiếu tá Kim Anh đều đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, được Bộ Công an, Giám đốc Công an tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh tặng nhiều bằng khen, giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Nữ công an xã vùng biên gương mẫu
Cô giáo nhiệt huyết ở vùng biên

Sinh năm 1994, tuổi đời, tuổi nghề còn trẻ nhưng cô giáo Hồ Thị Dói, người đồng bào Pa Cô, giáo viên Trường mầm non Hương Lâm, xã Lâm Đớt, huyện A Lưới, luôn được đồng nghiệp và học sinh hết lòng yêu mến.

Cô giáo nhiệt huyết ở vùng biên
Đổi thay từ các dự án chương trình mục tiêu quốc gia

Thông qua việc thực hiện các dự án (DA) với nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), bộ mặt nông thôn vùng miền núi đã có nhiều khởi sắc. Tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi “giảm sâu”, nhiều mô hình kinh tế mở ra hướng đến sản xuất bền vững.

Đổi thay từ các dự án chương trình mục tiêu quốc gia
Return to top