ClockThứ Năm, 03/10/2019 07:00

Chuẩn bị thông hầm nghìn tỷ

TTH - Sau thời gian thi công, hầm Hải Vân 2 và hầm Mũi Trâu thuộc các công trình trọng điểm quốc gia đi qua địa bàn tỉnh đã cơ bản hoàn thiện.

Hầm Hải Vân 2 những ngày sắp thông tuyếnTiến độ thi công dự án Mở rộng hầm Hải Vân 2 đạt 88% khối lượng

Giám sát công tác khoan mũi khoan cuối cùng để thông hầm Hải Vân 2

Mũi khoan cuối cùng

Cuối tháng 9/2019, mũi khoan cuối cùng hạng mục hầm Hải Vân 2 (thuộc Dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân do Công ty CP Đầu tư Đèo Cả làm chủ đầu tư) hoàn thành, đánh dấu chặng đường 32 tháng thi công.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng với đường ống hầm dài hơn 6,2km. Dự kiến, hoàn thành và đưa vào khai thác toàn tuyến vào cuối năm 2020.

Theo Ban Quản lý dự án (QLDA) hầm đường bộ Hải Vân, đến thời điểm này, đối với hầm lánh nạn từ phía Bắc đã hoàn thành đào mở rộng và gia cố 3.136/ 3.136m; đổ bê tông vỏ hầm đạt 2.193/ 3.136m; đổ bê tông vòm ngược được 73/73m.

Đối với hầm lánh nạn từ phía Nam, dự kiến vào tháng 3/2020 sẽ hoàn thành công việc đổ bê tông vỏ hầm. Phần cầu và đường dẫn vào hầm Hải Vân 2 cũng đang được thực hiện với khối lượng đạt hơn 60%.

Hầm Mũi Trâu nằm trên tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan (nối Thừa Thiên Huế với Đà Nẵng) đang bước vào hoàn thiện những hạng mục cuối cùng để thông xe vào cuối năm 2019.

Hầm Mũi Trâu là một trong những hầm đường bộ hiện đại nhất nước ta hiện nay với tổng giá trị xây lắp khoảng 1.500 tỷ đồng. Công trình gồm 2 ống hầm chạy song song (mỗi ống dài 1,3km) được khởi công tháng 10/2015 do liên danh hai đơn vị là Công ty CP Sông Đà 10 và Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải đảm nhiệm thi công. Đến nay, công trình hầm Mũi Trâu hoàn thiện những hạng mục phụ trợ cuối cùng.

Dự kiến đến tháng 3/2020 công tác đổ bê tông vỏ hầm Hải Vân 2 sẽ hoàn thành

Ông Hồ Ngọc An, Điều hành Dự án gói thầu XL13 (hầm Mũi Trâu) Ban Quản lý DA đường Hồ Chí Minh cho biết, hiện hạng mục công trình hầm Mũi Trâu đang thi công hệ thống phòng cháy chữa cháy trong hầm. Ngoài hệ thống dẫn nước, mỗi ống hầm còn được bố trí 1.300 đầu báo cháy, cảm biến nhiệt để báo cháy khi có sự cố.

Song song là hệ thống điện chiếu sáng và thông gió cơ bản đã thi công xong. Hệ thống thông gió của hầm được bố trí với 24 máy quạt phản lực công suất 33Kw chia cho 2 ống hầm. Trong hầm được trang bị cảm biến đo gió, các cảm biến này làm việc nhằm điều chỉnh tốc độ quay của cánh quạt. Hầm Mũi Trâu còn được trang bị hệ thống chiếu sáng được bố trí đầy đủ các loại đèn công suất lớn, cân bằng ánh sáng trong và ngoài hầm.

Đẩy nhanh tiến độ

Ông Nguyễn Tấn Đông, Phó Chủ tịch Công ty CP Đầu tư Đèo Cả, Giám đốc Ban QLDA hầm Hải Vân đánh giá, hiện tất cả các gói thầu thi công đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật và chất lượng công trình dự án theo đúng thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật được duyệt và các quy định hiện hành của Nhà nước về đầu tư xây dựng công trình. Ngoài ra, tiến độ thi công các gói thầu cũng đáp ứng được yêu cầu theo tiến độ tổng thể đã được Bộ GTVT chấp thuận.

Ông Đông khẳng định, với đội ngũ cán bộ công nhân viên, kỹ sư giàu kinh nghiệm cùng hệ thống trang thiết bị kỹ thuật chuyên dụng, hiện đại nên ngay từ khi triển khai dự án mở rộng hầm Hải Vân 2, các đơn vị chức năng đã lên kế hoạch, phương án thi công hiệu quả, chủ động nguồn thiết bị, vật tư dự phòng để kịp thời xử lý các vấn đề kỹ thuật phát sinh, kiểm soát chặt tiến độ và chất lượng dự án.

Theo Ban QLDA hầm đường bộ Hải Vân, hiện lưu lượng xe đi qua hầm Hải Vân 1 đang tăng nhanh (10 đến 15 nghìn lượt xe/ngày đêm qua hầm) nên thường xuyên xảy ra ùn tắc. Các đơn vị đã nỗ lực thi công vượt tiến độ nhiều tháng và đã thực hiện mũi khoan cuối cùng để đào thông hầm, đánh dấu mốc quan trọng hoàn thành cơ bản công tác xây lắp dự án vào quý I năm 2020, trước khi triển khai hạng mục thiết bị, hoàn thiện đồng bộ dự án hầm Hải Vân 2 để đưa vào khai thác sử dụng.

Ông Nguyễn Minh Khánh, Phó Trưởng phòng Điều hành DA 4, Ban Quản lý DA đường Hồ Chí Minh chia sẻ, trong quá trình thi công ống hầm 2 (hầm Mũi Trâu), Ban QLDA  cũng như đơn vị thi công đã có những sáng kiến nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án.

“Đối với ống hầm 1, thi công hai mũi bắc - nam rồi hợp long. Để đẩy nhanh tiến độ, hầm 2 khi triển khai thi công các đơn vị thi công đã sử dụng 3 ngách (2 ngách đi bộ và 1 ngách cơ giới) thông nhau giữa hai ống hầm và mỗi ngách bố trí 2 mũi khoan “đánh” ra hai bên. Với việc thi công sáng tạo này đã rút ngắn thời gian thi công hầm 2 bằng ½ thời gian thi công hầm bên cạnh”, ông An nói.

Quá trình thi công cũng gặp những khó khăn do lớp địa chất bất thường như những túi bùn, túi nước, địa chất yếu làm chậm tiến độ, các đơn vị thi công phải khắc phục. Đào hầm theo NATM là phương pháp tân tiến của Áo, đào đến đâu, lắp đặt thiết bị chống đỡ, dựng vì phù hợp đến đó.

Hiện, một số điểm trên tuyến xuất đường La Sơn - Túy Loan cũng xuất hiện sạt trượt, đơn vị tư vấn đã thiết kế các giải pháp khắc phục và được Bộ GTVT chấp thuận. Tuy nhiên, có một số vị trí địa chất phức tạp chưa thể thiết kế phương án gia cố triệt để ngay được nên sẽ phải theo dõi tiếp trong quá trình khai thác sau đó sẽ thiết kế bền vững.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhà thầu xin trả lại hạng mục chưa thi công vì không có mặt bằng

Nhà thầu thi công gói thầu số 28 thuộc Dự án Chương trình Phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) - DA thành phần Thừa Thiên Huế (gọi tắt DA đô thị xanh), xin trả lại các hạng mục chưa thi công và hỗ trợ một phần chi phí do thời gian giải phóng mặt bằng (GPMB) kéo dài làm thay đổi kế hoạch vật tư thiết bị, giá thành lúc dự thầu.

Nhà thầu xin trả lại hạng mục chưa thi công vì không có mặt bằng
Return to top