Theo dự kiến, toàn bộ hệ thống nhà rường trên phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu phải di dời trước ngày 30/5 để trả mặt bằng phục vụ dự án chỉnh trang công viên 2 bờ sông Hương
Việc đề nghị tháo dỡ này vừa được Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Huế gửi văn bản đến Công ty cổ phần đào tạo và dịch vụ du lịch Huế (Huetourist) - đơn vị thuê hợp đồng kinh doanh. Mặc dù cho biết sẽ chấp thuận nhưng doanh nghiệp vẫn cảm thấy tâm tư, lo lắng.
Phố đi bộ Huế dài gần 800m nằm cạnh bờ sông Hương, đoạn giữa cầu Phú Xuân và cầu Trường Tiền, song song với trục đường trung tâm Lê Lợi được đưa vào hoạt động từ tháng 2/2015. Trải qua hơn 3 năm hoạt động, những ngôi nhà rường ấy được đánh giá phù hợp với tuyến phố đi bộ dành cho người dân, du khách, vừa rất hài hòa với cảnh quan sông Hương cũng như các không gian bảo tàng, nhà trưng bày...
Ở những nhà rường này (1 gian 2 chái và 3 gian 2 chái) được Ban quản lý Phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu phân ra thành nhiều lô để cho các đơn vị kinh doanh, chủ hộ kinh doanh thuê bày bán các mặt hàng chủ yếu là hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống Huế, đặc sản và ẩm thực Huế như trúc chỉ, pháp lam, lồng đèn, mè xửng, tôm chua… Chính không gian này tạo nên điểm nhấn cũng như điểm đến du lịch được rất nhiều người ưa thích, đặc biệt về đêm.
Tuy nhiên, theo văn bản được Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Huế gửi cho Huetourist việc thu hồi mặt bằng tại tuyến phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu vào cuối tháng 4 một phần do hợp đồng hết hạn. Nhưng quan trọng, để phục vụ cho chủ trương thực hiện dự án chỉnh trang công viên 2 bờ sông Hương, do vậy việc cho thuê tiếp sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện dự án. Vì thế, yêu cầu công ty di dời các tài sản đã tạo dựng tại tuyến phố đi bộ và bàn giao mặt bằng trước ngày 30/5.
Trước những thông tin đó, ông Trần Quang Hào, Giám đốc Huetourist, kiêm Trưởng ban Quản lý Phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu cho biết, không chỉ riêng cá nhân mình mà nhiều hộ kinh doanh thuê không gian nhà rường để kinh doanh tỏ ra lo lắng và tâm tư. Ông Hào kể rằng, phải mất nhiều năm mới xin được giấy phép và xây dựng thành phố đi bộ với kinh phí đầu tư vào đó cũng khá lớn. Hiện nay trên phố đi bộ có 13 nhà rường được phân thành gần 100 lô cho thuê kinh doanh. Mỗi nhà rường như thế có giá từ 500 triệu – 1 tỷ đồng.
Ông Hào cho hay, cũng đã có văn bản gửi lên UBND tỉnh, Sở Kế hoạch - Đầu tư và UBND TP. Huế để xin phương án di chuyển nhà rường. Trong văn bản, ông Hào chấp hành quyết định nhưng cũng “tha thiết” xin được di chuyển hệ thống nhà rường đến một nơi hợp lý để tiếp tục tổ chức, cung cấp dịch vụ ẩm thực, vui chơi giải trí cho người dân lẫn du khách. “Còn nếu được sau khi dự án triển khai xong chúng tôi mong muốn được quay trở lại đó để tiếp tục hoạt động nếu con đường đó vẫn được giữ nguyên là phố đi bộ”, ông Hào nói.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Huế cho hay, đơn vị chỉ được giao nhiệm vụ quản lý phố đi bộ. Còn về dự án do Trung tâm Công viên cây xanh Huế thực hiện. Khi đã thực hiện xong, việc có hoạt động phố đi bộ nữa hay không thì UBND TP. Huế vẫn chưa có ý kiến.
Bài, ảnh: PHAN THÀNH