ClockThứ Tư, 13/06/2012 05:46

Thủy điện A Lưới: Đã cán đích

TTH - Đầu năm 2007, chúng tôi có dịp vượt Trường Sơn lên thăm thượng nguồn dòng A Sáp, con sông bắt nguồn từ độ cao 1.200m và tàng ẩn trong lòng một nguồn năng lượng dồi dào đang chờ được khai thác. Và rồi, đến những ngày đầu năm 2007 ấy, các chuyên gia Việt Nam chuẩn bị biến dòng năng lượng vô hình kia trở thành nguồn điện năng phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH bằng việc khởi công dự án thủy điện A Lưới...

Vượt khó để cán đích

 

Chiếc xe hai cầu gầm gào chở chúng tôi leo đèo vượt dốc, có những con dốc dựng đứng, anh em phải xuống lội bộ để giảm tải cho xe vượt dốc an toàn. Núi rừng Trường Sơn đang được đánh thức. Các kỹ sư, công nhân, xe ủi, máy đào... tất bật với công việc phát tuyến mở đường phục vụ thi công tuyến đập chính cho công trình thủy điện A Lưới- Công trình trọng điểm của khu vực miền Trung với công suất lắp đặt 170MW(2x85MW), điện lượng hàng năm 649,7 triệu kWh, tổng mức đầu tư 3.223 tỷ đồng do Công ty CP Thủy điện Miền Trung (EVNCHP) làm chủ dự án. Từ trên đỉnh Trường Sơn nhìn xuống, dòng A Sáp ngoằn ngoèo uốn lượn ẩn hiện qua các sườn núi trông đẹp như tranh vẽ. Những con người bé xíu. Những cỗ xe, máy nhỏ tựa những hộp diêm như lọt thỏm giữa màu xanh ngút ngàn rừng núi... Chợt tưởng tượng đến một tuyến đập dài mấy trăm mét với hàng trăm ngàn mét khối bê tông vắt qua giữa 2 sườn núi; một nhà máy với hệ thống nhà xưởng và vô số những thiết bị khổng lồ; một tuyến hầm xuyên núi dài tới 12 cây số với độ cao chênh lệch 500m dẫn nước từ A Lưới về Hồng Hạ - nơi đặt nhà máy - để vận hành tua bin phát điện; một hệ thống đường dây để đưa điện năng nhập vào lưới điện quốc gia... Đó là cả một núi công việc mà không biết nhà đầu tư và những kỹ sư, những công nhân nơi đây có đủ dũng khí để trụ vững, vượt qua và về đích đúng hẹn?...

 

Các chuyên gia đang theo dõi, giám sát các thông số không tải của tổ máy số 1 (Ảnh: chp.vn)

 

Vậy mà, thấm thoắt 5 năm đã trôi qua. Vượt lên những cơn mưa rừng nghiệt ngã; vượt lên những cơn lũ vùng cao vẫn thường hung hãn sập về một cách “bất hạn định”; và vượt lên những khó khăn của cơn bão suy thoái, của lạm phát và biến động giá cũng như chính sách thắt chặt tín dụng... - những khó khăn mà có lúc tưởng chừng không thể nào vượt nổi. Song, với quyết tâm của nhà đầu tư, sự quan tâm của Chính phủ và các Bộ ngành liên quan, sự chỉ đạo sát sao của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, sự giúp đỡ tận tình của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và huyện A Lưới, sự hỗ trợ kịp thời của VDB Huế và Agribank Sài Gòn...Công ty CP Thủy điện Miền Trung đã đưa thủy điện A Lưới cán đích.

 

Công trường tuyến đập chính trong những ngày thi công (Ảnh: DT)

 

Ngày 21/5/2012, tổ máy số 1 của thủy điện A Lưới đã phát những kW điện đầu tiên. Tiếp đó, từ đầu tháng 6 đến nay, tổ máy số 2 cũng được tiến hành chạy các bước thử nghiệm. Và kể từ ngày mai, 14/6/2012, cả 2 tổ máy của nhà máy thủy điện A Lưới sẽ chính thức hòa vào lưới điện Quốc gia. Điện năng phát ra được truyền tải bằng đường dây 220 kV hai mạch về trạm biến áp 220 kV Huế - Đông Hà. Cung cấp bổ sung nguồn điện lượng hàng năm khoảng 650 triệu kWh kể từ mùa khô năm 2012. Không chỉ có vậy, việc đưa thủy điện A Lưới vào vận hành còn góp phần bổ sung thêm lưu lượng nước cho sông Bồ vào mùa khô, phục vụ công tác tưới tiêu, đẩy mặn, phát triển nuôi trồng thủy sản của địa phương, đồng thời gia tăng điện lượng cho nhà máy thủy điện Hương Điền. Ngoài ra, với 820 ha mặt nước của hồ chứa, dự án thủy điện A Lưới còn hứa hẹn sẽ góp phần cân bằng điều kiện khí hậu, tăng độ ẩm cho đất cho thảm thực vật phát triển tốt hơn, tạo điều kiện để phát triển du lịch sinh thái ở khu vực phía tây, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế- xã hội của Thừa Thiên Huế nói chung và của A Lưới nói riêng...

 

Cam kết an toàn

 

Cho đến bây giờ, dư luận vẫn đang xôn xao với sự cố “thấm nước” xảy ra cách đây chưa lâu tại đập thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam). Vậy nên, cùng với niềm vui khi thủy điện A Lưới phát điện thì tính an toàn của công trình đối với vùng hạ du là vấn đề được nhiều người quan tâm.

 

Chuyên gia đang kiểm tra Tổ máy số 2 trước khi chính thức phát điện (Ảnh: chp.vn)

 

Đặt vấn đề trên với ông Trương Công Giới, Tổng Giám đốc EVNCHP, đồng thời là một chuyên gia trong lĩnh vực thủy lợi - thủy điện, ông Giới khẳng định: “Đập chính của thủy điện A Lưới là công trình cấp 3, kết cấu bằng bê tông cốt thép. Công trình được thi công và nghiệm thu theo đúng quy định của Nhà nước về quản ký chất lượng công trình xây dựng và đã được cơ quan tư vấn kiểm định xây dựng độc lập cấp chứng nhận đảm bảo an toàn chịu lực. Từ khi bắt đầu tích nước đến nay chủ đầu tư đã thực hiện việc quan trắc công trình theo đúng quy định. Kết quả quan trắc đều nằm trong tiêu chuẩn cho phép. Vì vậy chúng tôi tự tin cam kết, đập dâng thủy điện A Lưới luôn đảm bảo an toàn vận hành với tần suất lũ thiết kế.”

 

Tổng Giám đốc EVNCHP cũng giải thích thêm, công trình thủy điện A Lưới là công trình thủy điện kiểu đường dẫn và lấy nước ở đuôi hồ. Lưu lượng xả về hạ du lưu vực sông Bồ chính là lưu lượng chảy qua nhà máy thủy điện cao nhất không vượt quá 43m3/s tại mọi thời điểm trong năm. Lưu lượng này được đổ vào hồ chứa của thuỷ điện Hương Điền, góp phần làm tăng thêm sản lượng điện cho nhà máy này. Và với lưu lượng bổ sung cao nhất 43m3/s có thể nói nó ảnh hưởng không đáng kể đến việc ngập lụt vùng hạ sông Bồ vào mùa lũ.

 

Song song với quá trình triển khai xây dựng dự án, vấn đề nguồn nhân lực cho việc quản lý, vận hành một cách hiệu quả và an toàn thủy điện A Lưới cũng đã được EVNCHP quan tâm triển khai từ sớm. Ông Trương Công Giới cho hay, việc tuyển dụng lực lượng quản lý và vận hành đã được EVNCHP thực hiện từ các năm 2008 và 2009. Lực lượng này sau đó được gửi đi đào tạo tại các nhà máy thủy điện như Đa Nhim, Hàm Thuận - Đa Mi, Đại Ninh, A Vương về kiến thức vận hành và bảo dưỡng nhà máy thủy điện. Quá trình lắp đặt thiết bị cho nhà máy, chủ đầu tư cũng yêu cầu chuyên gia của nhà sản xuất thiết bị hướng dẫn các nhân viên vận hành về quy trình vận hành và bảo dưỡng thiết bị nhà máy thủy điện A Lưới một cách kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, họ còn được các chuyên gia của Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia đào tạo nghiệp vụ vận hành nhà máy trong hệ thống điện quốc gia, được Phòng Cảnh sát PCCC Công an Thừa Thiên Huế đào tạo về nghiệp vụ phòng chống cháy nổ... Những lý do trên cho phép ông Giới tin tưởng, lực lượng quản lý vận hành nhà máy của đơn vị ông hoàn toàn đảm nhận được nhiệm vụ một cách an toàn, hiệu quả.

 

Diên Thống

Thủy điện A Lưới - những cột mốc đáng nhớ

 

• 30/6/2007: Phát lệnh khởi công.

 

• 26/4/2009: Phát lệnh chặn dòng.

 

• 11-10-2011: Tổ máy số 1 đã được lắp đặt chính xác vào vị trí, đánh dấu một mốc tiến độ quan trọng của dự án và là điều kiện quan trọng cho việc phát điện .

 

• 14/9/2011 đóng cống dẫn dòng, dòng sông A Sáp chính thức chuyển thành hồ thủy điện A Lưới, dòng chảy chuyển qua đường hầm phục vụ cho việc quay máy phát điện.

 

• 3 giờ 43 phút ngày 10/5/2012, chạy thử không tải Tổ máy 1.

 

• 17 giờ 08 phút ngày 12/5/2012 dòng điện A Lưới chính thức hòa vào lưới điện Quốc gia. Đến nay sản lượng điện Tổ máy 1 nhà máy thủy điện A Lưới đã cung cấp khoảng 51 triệu KWh.

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Công bố quyết định kiểm toán các dự án xây dựng cầu và đường ven biển

Ngày 2/5, Kiểm toán Nhà nước phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh tổ chức công bố quyết định kiểm toán Dự án (DA) thành phần 2: Cầu Nhật Lệ 3 (DA đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3, tỉnh Quảng Bình) và đường 2 đầu cầu (DA Tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế và cầu qua cửa Thuận An).

Công bố quyết định kiểm toán các dự án xây dựng cầu và đường ven biển
Nâng cấp hậu cần nghề cá, phát triển ngành thủy sản bền vững

Các dự án (DA) nâng cấp hậu cần nghề cá, chỉnh trị cửa biển đã và đang triển khai góp phần quan trọng vào giảm thiểu bồi lắng, xâm thực cửa biển, đảm bảo giao thông đường thủy, nâng cao hiệu suất khai thác của cảng cá và khu neo đậu, tránh trú bão ở các địa phương.

Nâng cấp hậu cần nghề cá, phát triển ngành thủy sản bền vững
Ưu tiên nguồn lực chỉnh trang vỉa hè

Thành phố Huế đã và đang hoàn thiện hạ tầng đô thị Huế bắt đầu từ những dự án (DA) chỉnh trang vỉa hè, hạ lề các tuyến đường ở khu vực trung tâm nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và du khách.

Ưu tiên nguồn lực chỉnh trang vỉa hè

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top