ClockThứ Ba, 19/04/2016 14:06

Kỹ năng an toàn trong môi trường nước

TTH - Hơn cả đau xót là điều có thể nói về việc 9 học sinh Trường THCS Nghĩa Hà (Quảng Ngãi) cùng bị đuối nước khi rủ nhau tắm trên một hồ nước gần sông Trà Khúc vào chiều ngày 15/4. Điều này lại một lần nữa làm các bậc phụ huynh lo lắng, nhất là khi nhiều tỉnh, thành đang vào mùa nắng nóng và kỳ nghỉ hè cũng không còn xa nữa. Sau sự ra đi của các cháu bé, vấn đề được quan tâm hàng đầu không chỉ là vai trò quản lý của gia đình, nhà trường mà còn là việc dạy kiến thức và kỹ năng ứng phó có thể xảy ra đối với học sinh ở các độ tuổi khác nhau về kỹ năng an toàn trong môi trường nước.

Cho trẻ chơi và học bơi ở Trung tâm thể dục dưới nước 1. Ảnh: DT

Gần 6.400 người chết đuối, đa phần là trẻ em trên toàn quốc là con số được thống kê bởi Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới. Theo cảnh báo của tổ chức này thì Việt Nam có khoảng 20 trẻ bị đuối nước mỗi ngày và trẻ em được xem là nhóm có nguy cơ tử vong cao (48,8%), gấp 10 lần các nước đang phát triển; 53% các trường hợp chết đuối xảy ra khi trẻ em chơi gần sông hồ không có sự bảo vệ của người lớn là số liệu Điều tra Tai nạn thương tích Quốc gia.

Thừa Thiên Huế cũng là nơi có nhiều sông, suối, ao hồ và cả một vùng biển dài, do vậy, những ẩn họa xung quanh rủi ro về môi trường nước cũng là điều mà các bậc cha mẹ và thầy cô giáo quan tâm, lo lắng. Cùng với Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình và Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế đã từng được xếp vào danh sách 10 địa phương có tỷ lệ đuối nước cao trong cả nước. Mặc dù số vụ đã giảm dần nhưng gần như năm nào trên địa bàn cũng có trưởng hợp trẻ em và cả người lớn tử vong do đuối nước.

Tổ chức các giờ học, sinh hoạt ngoại khóa về  phòng tránh thiên tai, tai nạn thương tích và ứng phó biến đổi khí hậu là điều mà ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã tổ chức thông qua chương trình vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam của Bộ giáo dục và UNESCO trong thời gian vừa qua. Hơn 2.500 học sinh trên địa bàn TP Huế, các trường tiểu học, trung học cơ sở các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà đã được dạy kỹ năng bơi lội với sự phối hợp của các tổ chức, dự án nước ngoài. Điều này đã tạo nên những tác động quan trọng đến kỹ năng của học sinh trong môi trường nước, góp phần giúp các cháu tự tin hơn, khỏe mạnh hơn, an toàn hơn và cũng phần nào đó giúp phụ huynh yên tâm hơn trước những rủi ro đến từ khía cạnh này.

Ở một phạm vi rộng hơn, UBND tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch phối hợp liên ngành phòng, chống đuối nước cho trẻ em cũng như có công văn yêu cầu các địa phương có các giải pháp đồng bộ trong việc cắm các biển cảnh báo nguy hiểm, thành lập các bộ phận cứu nạn sơ cấp cứu tại chỗ; đầu tư trang thiết bị phù hợp đảm bảo an toàn cho lực lượng cứu hộ cũng như khi xảy ra tai nạn, bên cạnh việc xây dựng các quy chế, quy định hoạt động của bộ phận cứu nạn đảm bảo công tác cứu nạn 24/24h tại các khu du lịch, dịch vụ tắm biển còn chỉ rõ vai trò, trách nhiệm của chủ tịch UBND các huyện, thành phố nếu để xảy ra tai nạn đuối nước trên địa bàn mình quản lý do không có lực lượng cứu nạn, cứu đuối và tổ chức sơ cấp cứu tại chỗ kịp thời.

Mới đây nhất, tại Kế hoạch số 51/KH-UBND ngày 8/4/2016 về Phòng chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2016-2020, trong mục tiêu chung là từng bước hạn chế tình trạng trẻ em bị mắc và tử vong do tai nạn, thương tích gây ra, đặc biệt là tai nạn đuối nước và giao thông trên địa bàn, UBND tỉnh đã đưa ra 9 mục tiêu cụ thể, trong đó giảm 6% số trẻ em bị đuối nước so với năm 2015; trên 40% trẻ em trong độ tuổi tiểu học, trung học cơ sở biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước; trên 90% trẻ em dùng áo phao khi tham gia giao thông đường thủy; 100% bể bơi, hồ bơi công cộng, bãi tắm tại các khu du lịch và 100% bến đò vận chuyển khách sang sông, bến tàu phải bảo đảm các quy định an toàn. Cũng tại Kế hoạch này, bên cạnh việc tăng cường giám sát, kiểm tra thực hiện các quy định an toàn tại các địa điểm đã nêu trên, UBND tỉnh đã yêu cầu sự vào cuộc của các cơ quan hữu quan trên nhiều phương diện, đồng thời yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, hướng dẫn viên bơi lặn, cứu đuối nước và lồng ghép nội dung phòng chống tai nạn thương tích trẻ em trong việc xây dựng gia đình văn hóa ở khu dân cư.

Ở đây, vẫn cần thiết khi nói về vai trò mấu chốt và quan trọng khác từ phía gia đình với vai trò dẫn dắt của phụ huynh trong việc làm thế nào để trẻ có ý thức cao trong việc nhận diện cũng như tạo cơ hội, điều kiện để con em được trang bị kỹ năng an toàn trong môi trường nước để tránh rủi ro ở mức thấp nhất.

Minh Hà

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trang bị kỹ năng và nâng cao ý thức phòng, chống đuối nước

Thời tiết bắt đầu bước vào những ngày nắng nóng. Đây là thời điểm mà các điểm bơi lội mở cửa trở lại, nhu cầu tắm sông, suối của người dân, nhất là các em nhỏ tăng cao. Vì vậy, cẩn trọng đuối nước luôn phải được đặt lên hàng đầu.

Trang bị kỹ năng và nâng cao ý thức phòng, chống đuối nước
Dạy bơi phòng chống đuối nước cho trẻ em

Sáng 31/10, Tổ chức Hue Help tổ chức hội nghị tổng kết đánh giá hoạt động dạy bơi an toàn nhằm phòng, chống đuối nước cho trẻ em tại Thừa Thiên Huế năm 2023.

Dạy bơi phòng chống đuối nước cho trẻ em

TIN MỚI

Return to top