ClockThứ Sáu, 29/04/2016 10:24

Ký ức tháng tư

TTH - Cứ vào tháng Tư hàng năm lại gợi nhớ những ký ức không bao giờ quên về những ngày tháng hào hùng trong lịch sử dân tộc. Thấm thoát 41 năm đã trôi qua, nhưng trong tôi không bao giờ phai nhạt những kỷ niệm khó quên.

Trước đây, do ba tôi tập kết ra Bắc, gia đình tôi ở Hà Nội. Mỗi khi nhắc đến quê hương ở miền Nam, ba tôi đều dành những tình cảm nhớ nhung, ước muốn sẽ có ngày trở về. Tôi còn nhớ, sau Tết 1975, Đài tiếng nói Việt Nam và báo chí liên tục phát tin chiến thắng của quân dân ta trên chiến trường miền Nam. Các tấm áp phích, bản đồ tô đậm dấu đỏ những vùng được giải phóng ngày càng được mở rộng. Đến ngày 10/3 khi giải phóng Buôn Mê Thuột thì tin chiến thắng được phát đi ngày càng dồn dập. Gia đình tôi và tất cả mọi người dân trên miền Bắc vui mừng và hồi hộp theo dõi tin tức thời sự từng ngày. Tôi còn nhớ như in vào buổi trưa 30/4, khi Đài tiếng nói Việt Nam phát bản tin đặc biệt thông báo quân ta đã giải phóng Sài Gòn thì cả biển người ở Hà Nội đổ ra đường. Cờ đỏ sao vàng, cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng tung bay rực rỡ trên mọi nẻo đường,trên các tòa nhà, không biết họ đã chuẩn bị từ bao giờ mà nhiều đến thế. Từng đoàn xe tải chở các đội múa lân náo nhiệt tiếng trống, kèn, phèng la chạy khắp các đường phố. Đi đến đâu cũng được từng đoàn người đứng bên đường vẫy cờ, hoa và tung hô: Giải phóng, Chiến thắng, Hoan hô Sài gòn giải phóng… Không khí chiến thắng, khí thế tự hào tràn ngập từng nhà,từng đường phố. Có thể nói bao nhiêu năm lớn lên trên đất Bắc chưa bao giờ tôi được chứng kiến không khí rạo rực đến vậy.

 Chiều hôm đó, bác trưởng khu tập thể đưa loa thông báo cho mọi gia đình ăn cơm sớm để xem vô tuyến về giải phóng miền Nam. Thời đó, không có nhiều ti vi (TV) như bây giờ. Cả khu tập thể chỉ có 1 TV đặt ở hội trường để tất cả mọi người được xem. Chương trình truyền hình TW (chỉ mới có duy nhất 1 đài này) phát 4 buổi một tuần từ 19 giờ đến 21g30, chậm nhất là 22g thì kết thúc. Tối hôm đó, không ai bảo ai đều có mặt đầy đủ trước giờ để xem thời sự. Người nào cũng háo hức góp vui bằng những câu chuyện và nhận định về chiến sự đã diễn ra. Cả khu tập thể chỉ có gia đình tôi và bác Thăng là người miền Nam tập kết nên mọi người chú ý hơn cả. Riêng với gia đình tôi còn đặc biệt hơn, đó là ba tôi cũng đã được điều đi để làm nhiệm vụ tiếp quản vùng giải phóng từ đầu năm 1975. Ai cũng hỏi thăm bây giờ ông đang ở đâu, có vào được Sài Gòn không. Lúc đó làm gì liên lạc thường xuyên như bây giờ để trả lời bà con, nhưng anh em tôi rất tự hào vì gia đình mình cũng có người thân tham gia giải phóng miền Nam. Thường thì chương trình TV buổi tối phát thời sự khoảng 30 phút rồi chiếu phim, nhưng tối đó gần như dành toàn bộ cho thông báo tin tức về giải phóng miền Nam. Đài truyền hình phát dài hơn thường lệ và chủ yếu là phát thanh viên thông báo các tin tức thời sự với một vài hình ảnh được chụp chứ không có hình ảnh bằng camera quay phim như bây giờ. Xem xong mọi người bình luận rất sôi nổi, đầy tự hào, coi xe tăng và quân đội Việt Nam là nhất thế giới và cũng chưa ai muốn về nhà ngủ như thường ngày. Lớp trẻ chúng tôi lại rủ nhau chạy ra đường, về hướng bờ hồ (hồ Hoàn Kiếm) hòa vào dòng người cuồn cuộn không dứt như đi diễu hành để mừng chiến thắng. Đêm đó cả Hà Nội không ngủ. Những âm thanh, những tiếng hô vang chào mừng nổi lên từng đợt, từng đợt. Cờ, hoa, khẩu hiệu ngập tràn cùng với âm thanh của đàn Acordeon, đàn ghi ta, kèn amonica và cả âm thanh trống ếch của học sinh. Nắp xoong nồi cũng được huy động tối đa để tạo âm thanh náo nhiệt sôi động. Ai có gì gõ được đều đưa ra để góp vui cùng mọi người. Cảm giác như lúc đó mọi người gần nhau hơn, thân thiện hơn như người thân trong cùng một gia đình.

Ngày 1/5, không khí của chiến thắng, không khí ngày Quốc tế Lao động tiếp diễn ngập tràn. Với gia đình tôi không chỉ vui mừng, mà còn có cảm giác lâng lâng, tưởng tượng đến một ngày không xa sẽ được trở về quê hương. Nơi mà tôi chỉ được nghe ba tôi kể lại với tấm lòng thương nhớ, một miền quê đẹp, một gia đình như bao gia đình khác đã phải chia lìa hơn 20 năm đằng đẵng. Ngày hôm đó mẹ tôi ra cửa hàng thực phẩm mua gần hết tiêu chuẩn tem phiếu của tháng để làm liên hoan. Nói là liên hoan nhưng thực ra chỉ có ít món cá rán, thịt kho đậu phụ, giá xào và rau cải luộc. Thế cũng là sang lắm so với thường ngày rồi. Mẹ và cả mấy anh em vừa ăn vừa tưởng tượng suy đoán ba tôi đang ở đâu, có bình yên không, có gặp được bà con không. Niềm vui và lo lắng đan xen. Chỉ đến khi ba tôi gửi bức điện tín với vài dòng gửi ra sau đó một vài ngày chúng tôi mới có niềm vui trọn vẹn.

Thời gian qua đi so với lịch sử chưa phải là dài, nhưng có lẽ đây là cột mốc đáng ghi nhớ nhất của gia đình tôi và của cả dân tộc Việt nam. Ghi lại vài dòng để đừng bao giờ quên…

NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hành trình đến với Trường Sa

Trong những ngày đầu tháng tư lịch sử, tôi vinh dự được cùng Đoàn tỉnh Thừa Thiên Huế gồm 25 thành viên do ông Nguyễn Nam Tiến - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh làm Trưởng đoàn tham gia Đoàn công tác số 5 đi thăm quần đảo Trường Sa theo Kế hoạch của Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam từ ngày 3/4 đến 11/4/2024.

Hành trình đến với Trường Sa
Chầm chậm tháng Ba

Tháng Ba, đôi khi mình muốn ngồi thật lâu dưới một tán cây. Những dải nắng trùng trình rọi qua vòm lá rậm, rắc mật lên bờm hoa mê mướt tím, đậu lại trên đôi cánh bầy sẻ đang mổ vào hư vô. Màu xanh ngợp đầy của lá tràn vào lồng ngực tháng Ba, như thôi thúc người ta hoài vọng về một quãng đồng mùa con gái, một cánh rừng rộng đến mộng mị, hay ấp ủ chiêm bao trong mảnh vườn tuổi nhỏ. Lứa gió đầu xuân hãy còn hây hẩy, nhu mì, nhón tay mở những cánh cửa tỉnh thức, thả bầy ý nghĩ đi rong. Giữa quãng vắng tưởng như bất động, mình ngồi đợi những xa xôi quay về.

Chầm chậm tháng Ba
Ký ức rồng xanh

Ấn tượng về rồng sớm nhất trong tôi mà đến nay còn lưu giữ, là con rồng ở đình làng; ngôi đình được xây dựng lại. Sợ chiến tranh tàn phá, xã mang sắc bằng, kèo cột cất giấu trong làng. Tôn tạo lại đình tuy nhỏ hơn song vẫn mang dáng vóc ngày xưa. Tôi nhớ câu thơ truyền trong dân gian mà mấy cụ đọc lại về ngôi đình bị hư hại bởi đạn bom, trước lúc nó được tháo dỡ đem cất: “Đình làng nay không rồng bay phượng múa/ Đứng trụi trần như bốt gác đầu thôn…”.

Ký ức rồng xanh
Ký ức mặn nồng & rực đỏ

Té ra cái vùng Ngũ Điền từng rất khổ, rất xa, rất khó khăn nhiều bề quê tôi có khá đông người làm nghề viết, cả văn và báo. Trong đó có anh bạn trẻ, phóng viên Đài Phát thanh Truyền hình Thừa Thiên Huế, giờ “trở chứng”, toàn viết trên trang facebook của mình về kỷ niệm, tập hợp lại, in tới mấy cuốn sách hót hòn họt. Toàn thời đói khổ mà vui.

Ký ức mặn nồng  rực đỏ
Return to top