ClockThứ Ba, 21/12/2010 14:29

Làm công tác xã hội bằng tất cả tấm lòng

TTH - Mười năm trong nghề, luật sư Lê Thị Trà My từng sát cánh, chia sẻ với rất nhiều số phận, nhiều mảnh đời kém may mắn... Bất hạnh của họ hầu như đều xuất phát từ nguyên nhân “đói kém” về nhận thức, kiến thức pháp luật.
Luật sư Lê Thị Trà My

Tôi thực sự bị Trà My gây ấn tượng khi chị là luật sư do cơ quan tòa án chỉ định (theo quy định của pháp luật đối với bị cáo bị truy tố theo khung hình phạt có mức án tử hình) bào chữa cho Lê Anh Đức ở xã CưEwi, huyện Krông Ana (Đắc Lắc) ra Huế trọ tại 3/36 Nguyễn Cư Trinh, phường Thuận Hòa để ôn thi đại học, phạm tội: “Giết người”, “Cướp tài sản”, “Trộm cắp tài sản”. Đức bị Tòa án nhân dân tỉnh phạt tử hình về tội “Giết người”... tổng hợp hình phạt chung cả ba tội Đức phải chấp hành là tử hình. Nhưng sau đó, Đức được giảm xuống mức án tù chung thân.

Việc Lê Anh Đức được pháp luật khoan hồng có “dấu ấn” của luật sư Lê Thị Trà My. Chị đã rất hạnh phúc khi người thanh niên lầm lỗi này có cơ hội sửa chữa lỗi lầm. Chị tâm sự: “Mặc dù đồng tình với luận tội của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, hành vi phạm tội của Lê Anh Đức là đặc biệt nghiêm trọng, cần phải áp dụng hình phạt nghiêm khắc nhất, song, tâm tư tôi nặng trĩu dằn vặt và trăn trở. Bị cáo mới 19 tuổi, lần đầu tiên phạm tội. Mục đích ban đầu của Đức là trộm cắp tài sản. Do nạn nhân bất ngờ trở về, phát hiện, không chấp nhận sự cầu xin của Đức, nên bi kịch xảy ra. Quá trình tiếp xúc với Đức, tôi cảm nhận được trong cậu ta là ân hận tột cùng.
Người thanh niên này dù mắc phải lỗi lầm rất nghiêm trọng nhưng nếu có cơ hội, tin rằng sẽ thành tâm sửa chữa”. Chị lặn lội vào Đắc Lắc để xác minh tại chính quyền địa phương về thành phần gia đình của bị cáo. Ông bà nội Đức là người có công với đất nước, bà ngoại là liệt sĩ, bố và chị gái của cậu ta bị tật nguyền do chất độc màu da cam, trong học tập Đức đạt những thành tích xuất sắc, với tâm nguyện, bằng sự khoan hồng, pháp luật sẽ cho Đức một cơ hội để sửa chữa. Chứng kiến cảnh người cha bị chất độc da cam ngồi trong chiếc xe lăn, mặt đẫm nước mắt hạnh phúc khi đứa con trai lầm lỗi được pháp luật “khai sinh” lần thứ hai, tôi mới hiểu niềm hạnh phúc của luật sư, khi tâm nguyện của chị trở thành hiện thực.
Không chỉ tích cực và đem hết tâm huyết để thực hiện nghĩa vụ của luật sư đối với xã hội qua các vụ án do Tòa án chỉ định hoặc Trung tâm Trợ giúp pháp lý của Nhà nước tỉnh Thừa Thiên Huế cử tham gia (mỗi năm từ 19 đến 29 vụ án các loại và hoàn toàn miễn phí cho các đối tượng mà chị bào chữa, bảo vệ...), chị còn tham gia rất nhiều công tác xã hội khác. Chị là cộng tác viên của Trung tâm Trợ giúp pháp lý từ năm 2003 đến nay; cộng tác viên chương trình cải cách hành chính, mục tư vấn pháp luật từ năm 2007, thành viên hội đồng tư vấn thuộc Ủy ban Dân số, gia đình và trẻ em tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2004, hội viên Hội Bảo vệ quyền trẻ em, thành viên tổ công tác thực hiện Đề án 30 thuộc UBND tỉnh- là chuyên gia về bổ trợ tư pháp, con người...
Công việc của một luật sư đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức để nghiên cứu hồ sơ vụ án, nghiên cứu văn bản pháp luật, chuẩn bị luận cứ bào chữa...Vậy nhưng, Trà My sẵn lòng dành rất nhiều “vàng bạc” của mình để làm công tác xã hội. Chị tâm sự: “Đối tượng mà công tác xã hội hướng tới thường là trẻ em hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ, không nơi nương tựa, lang thang đường phố, gia đình chính sách, người nghèo, nạn nhân của bạo lực gia đình... Họ đã chịu nhiều thiệt thòi, bất hạnh, rất cần sự chia sẻ của cộng đồng, xã hội. Không nghĩ mình làm được điều gì to tát, chỉ mang chút ít tấm lòng đóng góp phần nào vào sự chia sẻ đó. Còn nhớ, trong những buổi làm công tác tư vấn cộng đồng tại phường Phú Hậu, Phú Bình, Vỹ Dạ... nơi tập trung nhiều dân vạn đò, tái định cư, tôi không thể không cảm thấy nhói lòng khi còn nhiều cánh tay trẻ em hồn nhiên dong lên để thú nhận mình đi ăn xin. Mong muốn được vui chơi, học hành, yêu thương, chăm sóc... của các em thật đơn giản, nhưng vẫn chỉ là mong muốn, khi các em không may có số phận bất hạnh, kém may mắn. Có thể không giải quyết được gì nhiều, nhưng công việc của những người như chúng tôi phần nào giúp cho các em niềm tin khi có người lắng nghe, giải đáp những điều các em hỏi, sẻ chia, nói chuyện với các em như một người bạn, về những điều có ích. Từ những buổi tư vấn cộng đồng này, chúng tôi giải thích cho các cháu và cha mẹ các cháu về quyền trẻ em, để cha mẹ các cháu hiểu về mặt luật pháp, nghĩa vụ của cha mẹ đối với con cái mình, hướng dẫn cho họ những vướng mắc về pháp lý”. Như một trường hợp lớn lên trong Trung tâm Nuôi dạy trẻ mồ côi ở 108 Chi Lăng - Huế. Cháu này là trẻ em bị bỏ rơi, được nhận nuôi, không có giấy khai sinh. Cháu đi học bằng giấy khai sinh của một người khác. Tốt nghiệp phổ thông trung học rồi, nhưng cháu không đủ điều kiện thi vào đại học vì không có chứng minh nhân dân. Không những “trợ giúp” cho cháu về mặt pháp lý, Luật sư Trà My trực tiếp tiến hành các thủ tục pháp lý, để cháu chính thức được “khai sinh”, chứng nhận sự có mặt của mình. Sau đó cháu đã đủ điều kiện để thi vào đại học.
Chia sẻ và trợ giúp về pháp lý cho những số phận, những mảnh đời kém may mắn, là tâm huyết của luật sư Lê Thị Trà My. Chị đã làm những điều đó bằng tất cả tấm lòng.
Bài, ảnh: Quỳnh Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để sông Hương mãi xanh

Không vui và lấy làm tiếc là cảm giác của không chỉ tôi mà cả nhiều người trên phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu và cầu gỗ lim vào mỗi sáng khi nhìn thấy cảnh tượng hoa đăng giấy nổi bập bềnh bên bờ sông Hương - dòng sông thơ mộng và đẹp nổi tiếng của Huế.

Để sông Hương mãi xanh
Chuyện tử tế bên cầu Ga Huế

Chiều muộn, một người đàn ông lớn tuổi, tóc hoa râm ngồi cặm cụi băng bó hai chiếc chân đế bằng sắt của tấm pano vừa được lắp trên cầu ga Huế. Ông bảo làm thế để tránh thương tích cho người nếu không may va phải, nhất là những ngày này Huế đón người dân, du khách nơi khác về rất đông.

Chuyện tử tế bên cầu Ga Huế
Nên tổ chức đua thuyền trước công viên Trịnh Công Sơn

Lâu nay lễ hội đua thuyền cuả tỉnh và TP.Huế trong các ngày lễ được tổ chức qui mô lớn trên sông Hương đoạn trước Phu Văn Lâu. Theo tôi tổ chức đua thuyền trên khúc sông trước công viên Trịnh Công Sơn thì hợp lí hơn.

Nên tổ chức đua thuyền trước công viên Trịnh Công Sơn
Đừng tạo mối nguy cho người tham gia giao thông

Tại một số tuyến đường, tình trạng cây xanh không được cắt tỉa mọc lấn ra đường che lấp đèn tín hiệu giao thông. Điều này không những gây mất mỹ quan, mà còn tiềm ẩn nhiều mối nguy đối với người tham gia giao thông.

Đừng tạo mối nguy cho người tham gia giao thông
Return to top