ClockThứ Hai, 27/01/2020 06:20

Làng thượng thọ Nghĩa Lộ

TTH - Nghĩa Lộ - một ngôi làng nhỏ của xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền. Làng chỉ có hơn 175 hộ nhưng có đến 35 người trên 80 tuổi. Bình quân cứ 5 nhà, có một người thượng thọ...

Quét dọn nhà cửa là công việc hàng ngày của cụ Nguyễn Hẻo

Cụ Nguyễn Hẻo năm nay hơn 103 tuổi, đã nhận được Thiếp mừng thọ 100 tuổi của nguyên Chủ tịch nước Trần Đại Quang cách đây hơn 3 năm. Cụ có 7 người con; người con đầu năm nay cũng đã vào tuổi thượng thượng thọ.

Thời trai trẻ, sức khỏe của cụ khó ai bì kịp. Mùa xuống ruộng, cả 3 con trâu bừa vẫn không kịp đất để cụ ban đất. Cụ nói, thời trước khổ lắm. Vừa làm đồng, vừa sợ giặc giã, lẩn trốn khắp nơi. Giờ tuy không còn sức khỏe như xưa nhưng cụ vẫn minh mẫn, đi lại bình thường, mọi sinh hoạt hàng ngày không phiền đến con cháu.

Điều kỳ lạ là đôi mắt cụ còn rất sáng, cụ vẫn xem bóng đá không cần đeo kính. Đến nay, cụ đã có hơn 30 người cháu nội ngoại và 10 người cháu thuộc hàng chắt, chiu. Các thế hệ con cháu của cụ đều có cuộc sống ổn định, hiếu thảo với ông bà cha mẹ.

Ông Tải, người con trai thứ đang sống cùng với cụ cho biết, bây giờ cụ vẫn ăn cơm ngày 3 bữa. Con cháu ăn gì, cụ ăn đó, không cầu kỳ. Ngoài xem tivi, cụ còn siêng quét dọn nhà cửa, sang thăm chuyện trò với hàng xóm, xem đó như niềm vui tuổi già....

Chăm sóc hàng rào xanh trước nhà là một trong những niềm vui của cụ Trương Thị Chanh

Khác với cụ Hẻo đông con đông cháu, cụ Trương Thị Chanh năm nay 93 tuổi ở cách đó mấy nhà chỉ có một người con trai. Cụ cho biết, mới sinh con được 3 tháng, chồng cụ đã lên đường theo cách mạng. Cụ sống suốt gần 30 năm ròng rã nuôi con, đợi chồng. Đêm khuya năm 1966, ông về thăm nhà và bị lộ. Tuy chồng thoát được nhưng cụ bị lính nghĩa quân bắt tra trấn, đánh đập, đổ xà phòng vào miệng... bắt khai nơi hoạt động của chồng, nhưng cụ không hé miệng nửa lời. Vết thương những lần tra trấn đó giờ vẫn đau nhức mỗi khi trời trở.

Chồng cụ Chanh là ông Lê Trung Dũng. Sau khi hòa bình thống nhất, ông Dũng giữ chức Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền. Về sau, do thị lực giảm, ông làm Chủ tịch Hội Người mù huyện và qua đời vào năm 2003. Mặc dù còn có ngôi nhà ở phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà được cấp từ thời ông đương chức nhưng cụ Chanh vẫn gắn bó với ngôi nhà cũ ở làng Nghĩa Lộ với nhiều kỷ niệm này. Ông Lê Yên, người con trai duy nhất về ở với cụ. Ông Yên cho biết: Tuy đã cao tuổi nhưng cụ Chanh vẫn khỏe khoắn, siêng năng, từ trong nhà ra đến hàng rào xanh trước sân luôn được cụ quét dọn, chăm tỉa ngăn nắp...

Nằm trong vùng thấp trũng châu thổ sông Bồ, xung quanh có hệ thống đê bao bọc, trong kháng chiến chống Mỹ, thôn Nghĩa Lộ là địa bàn hoạt động của nhiều cán bộ cách mạng. Ông Nguyễn Văn Trung – Bí thư Chi bộ thôn cho biết, chính quyền chế độ cũ xếp Nghĩa Lộ vào địa bàn trọng điểm trong chiến dịch tố cộng và diệt cộng. Tuy nhiên, người dân vẫn che giấu, hỗ trợ lương thực cho cán bộ cách mạng. “Một ngôi làng nhỏ như thế này từng bị kẻ thù dội hơn 10 trái bom có sức công phá lớn. Có nhà chết gần cả nhà như gia đình ông Trần Bí ở xóm trước nhưng lòng dân vẫn hướng về cách mạng”, ông Nguyễn Văn Trung nói.

Về làng Nghĩa Lộ, không khó để bắt gặp những người cao tuổi (trong ảnh, bà Đặng Thị Nga đã trên 80  tuổi vẫn khỏe mạnh)

Theo sử làng, vào đầu thế kỷ XV, sau khi tiến chiếm thành Đồ Bàn, dẹp tan cuộc chiến tranh lấn chiếm vùng Hóa Châu thuộc nước Đại Việt của vua Chiêm, trên đường trở về, vua Lê Thánh Tông đã ban chiếu cho quan quân chọn đất lập làng, nhằm tăng cường tiềm lực an ninh, quốc phòng nơi đây. Theo đó, ngài thủy tổ họ Trương được phong chức Cẩm y vệ Đô chỉ huy sứ ty đã tổ chức việc khai khẩn lập nên làng Nghĩa Lộ vào năm 1472. Tham gia thành lập làng còn có thủy tổ của một số dòng họ khác. Các ngài đều là quan tước của các triều Lê, Mạc, chúa Nguyễn có sức khỏe hơn người.

Về làng Nghĩa Lộ hôm nay, không khó để bắt gặp những người cao tuổi đang vui vầy với con cháu. Trong làng ngoài cụ Hẻo bước qua bách niên, còn có đến 8 cụ tuổi trên 90; trong đó, có nhiều cụ tuổi ngấp nghé con số 100 như cụ Xây sinh năm 1922; cụ Đột sinh năm 1927...

Đình làng Nghĩa Lộ được dân làng đóng góp xây dựng khang trang

Điều đáng trân trọng là con cháu các cụ rất hiếu thảo. Trong làng không ai tuổi già mà phải sống trong hiu quạnh. Anh Nguyễn Như Huân có mẹ già năm nay tuổi gần 90 tâm sự: “Mẹ mình giờ vẫn khỏe khoắn, phụ giúp việc nhà cho con cháu. Nhưng mình vẫn rất lo nên dù có bận gì đi nữa thì buổi tối cũng phải có mặt ở nhà, sợ bà tuổi già đêm hôm trái gió trở trời thì tội”…

Tự hào trong làng có nhiều người sống thọ, ông Trương Đình Dự-Trưởng thôn Nghĩa Lộ cho hay: Nhiều người về đây đều nhận định, làng có môi trường trong lành. Lương thực, thực phẩm sử dụng hàng ngày của dân làng chủ yếu là tự cung tự cấp. Đặc biệt, nhà nào cũng có một vườn rau sạch. Ngoài ra, việc rèn luyện sức khỏe như đi bộ, bóng chuyền, bóng đá, đua ghe và các phong trào thể dục thể thao khác đều được dân làng tích cực tham gia...

“So với nhiều địa phương khác, kinh tế làng Nghĩa Lộ không giàu bằng nhưng khá giả thì đồng đều, song tinh thần đoàn kết của dân làng là rất đáng được ghi nhận”, ấy là nhận xét của ông Thái Văn Danh-Bí thư Đảng ủy xã Quảng Phú. Đoàn kết ở đây là đoàn kết từ trong từng gia đình và đoàn kết cả cộng đồng trong thôn. Nhờ vậy, làng đã huy động được sức mạnh tổng hợp trong đóng góp xây dựng nông thôn mới, từ việc xây dựng nhà ở đến đường giao thông, nhà văn hóa cộng đồng và nhiều hạ tầng thiết yếu khác. Qua đó, bộ mặt của làng được khang trang, sạch đẹp, tạo được môi trường đáng sống, rất đáng được nhân rộng.

Bài: Đặng Thành

Ảnh: Đại Nhân

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khởi công xây nhà cho hộ nghèo ở Quảng Điền

Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Quảng Điền phối hợp Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế và Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Quảng Phú tổ chức khởi công nhà tình thương cho bà Nguyễn Thị Mong ở thôn Phú Lễ, xã Quảng Phú.

Khởi công xây nhà cho hộ nghèo ở Quảng Điền
Return to top