ClockThứ Ba, 12/06/2012 10:56

Mở rộng hệ thống cấp nước toàn tỉnh

TTH - Để đảm bảo mục tiêu đến năm 2020, 90% dân số toàn tỉnh được sử dụng nước an toàn, Công ty TNHH NNMTV Xây dựng và Cấp nước Thừa Thiên Huế (Huewaco) triển khai xây dựng, nâng cấp, sửa chữa nhiều nhà máy nước (NMN) trên địa bàn.

Hàng loạt NMN được xây và nâng cấp

Mở đầu cho dự án cấp nước Thừa Thiên Huế, giai đoạn 2011-2015 thuộc Chương trình phát triển ngành nước Việt Nam, Huewaco đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước cho thị trấn Phú Lộc và 5 xã phụ cận, với tổng mức đầu tư gần 67 tỷ đồng. Hệ thống cấp nước thị trấn Phú Lộc và 5 xã phụ cận được đầu tư xây dựng gồm 2 nhà máy độc lập: NMN Lộc Trì, có công suất thiết kế 2.000m3/ngày đêm và NMN Lộc An, công suất thiết kế 8.000m3/ngày đêm. Đến nay, hai NMN này cơ bản hoàn thành. Dự kiến sẽ cấp nước cho người dân thị trấn Phú Lộc, các xã Lộc Bổn, Lộc Sơn... vào đầu tháng 7 tới.
 

Thi công tuyến ống NMN Lộc Trì và Laguna

 
 
Sau nhiều nỗ lực, đến nay, NMN tại thôn Cù Dù, xã Lộc Vĩnh (Phú Lộc) được đầu tư xây dựng gần như hoàn chỉnh. Theo đó, Huewaco sẽ thực hiện đúng cam kết với CT TNHH Laguna Việt Nam, chủ đầu tư dự án khu du lịch Laguna, ngày 1-6, sẽ cung cấp nước sạch phục vụ nhu cầu cho du khách và CB-CNV tại đây. Sau đó, nâng cấp, mở rộng nhà máy để cung cấp nước cho khu vực Chân Mây và các xã xung quanh như Lộc Vĩnh, Lộc Tiến...
 
Nếu điều kiện thuận lợi, trong năm này, Huewaco còn tiến hành khởi công xây dựng NMN Điền Môn theo công nghệ mới nhất của Nhật Bản. Đây là dự án được Nhật Bản hỗ trợ hoàn toàn kinh phí nên hiện đang gặp một số khó khăn trong việc đàm phàn, đi đến thống nhất một số điều khoản chung. Song, theo ông Trương Công Nam, Giám đốc Huewaco, khi tìm được tiếng nói chung, chắc chắn việc khởi công sẽ tiến hành thuận lợi. Cũng trong năm 2012, Huewaco nghiên cứu xây dựng NMN Phong Điền, nhằm cung cấp nước cho Nhà máy Xi măng Đồng Lâm và các hộ dân sống xung quanh khu vực này. Đến nay, phần khảo sát đã hoàn thành, chỉ đợi tỉnh bố trí vốn và phía Công ty CP Xi măng Đồng Lâm hợp tác cho thu trước tiền sử dụng nước để đầu tư.
 
Cùng với việc đầu tư xây mới các NM, Huewaco cũng triển khai kế hoạch nâng cấp, cải tạo, sửa chữa nhiều NMN như Dã Viên, Vạn Niên, Tứ Hạ. Đối với NMN Tứ Hạ đã hoàn thành việc nâng công suất từ 12.000m3/ngày đêm lên 15.000m3/ngày đêm; NMN Dã Viên từ 15.000m3 lên 30.000m3/ngày đêm. Tăng áp hàng loạt trạm bơm như Thuận An, Điền Môn, Điền Hải, Phong Thu, Quảng Vinh, Quảng Ngạn, Hương Hồ... Nhờ đó, khắc phục được tình trạng nước yếu và cắt nước cục bộ xảy ra ở một số vùng trên địa bàn.
 
Khó tiếp cận vốn vay
 
 Đầu tư xây mới và cải tạo, nâng công suất các NMN là điều kiện cần để đạt mục tiêu đến năm 2020, 90% dân số toàn tỉnh được tiếp cận nước sạch, an toàn, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu Kết luận 48 của Bộ Chính trị, sớm đưa Thừa Thiên Huế trở thành TP trực thuộc Trung ương. Nỗ lực của Huewaco đã rõ, song, có một thực tế hiện nay là do thiếu vốn nên việc triển khai các dự án xây dựng các NMM mới gặp không ít khó khăn. Ông Trương Công Nam cho biết, trong tổng số gần 67 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư cho toàn dự án xây dựng hệ thống cấp nước thị trấn Phú Lộc và 5 xã phụ cận, thì ngoài vốn ngân sách cấp 4,5 tỷ đồng, vốn vay Tổ chức JICA (Nhật Bản) 28,9 tỷ đồng, thì số tiền vay của Ngân hàng Phát triển Việt Nam 23 tỷ đồng đến nay vẫn chưa được giải ngân, dù đơn vị đã hoàn tất các thủ tục cần thiết. Để triển khai dự án, Huewaco đã đầu tư hơn 40 tỷ đồng, song, vẫn còn nhiều hạng mục chưa được triển khai do thiếu vốn, gây ảnh hưởng không nhỏ trong kế hoạch cấp nước cho người dân.
Việc triển khai dự án cấp nước cho khu du lịch Laguna cũng gặp không ít trở ngại do Huewaco không tiếp cận được nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Dù chỉ vay 9/36 tỷ đồng trên toàn bộ dự án, song, đến nay, mặc dù dự án đã gần hoàn tất, nhưng phía ngân hàng vẫn chưa có bất kỳ động thái nào về việc giải ngân vốn. Để thực hiện đúng tiến độ, Huewaco phải “giật gấu, vá vai” để đầu tư.
 
Đầu tư xây dựng NMN Phong Điền cũng nằm trong kế hoạch của dự án cấp nước Thừa Thiên Huế, giai đoạn 2011-2015, với công suất 8.000m3/ngày đêm và mở rộng nâng công suất lên 21.000m3/ngày đêm vào năm 2020, đảm bảo cung cấp nước sạch cho khoảng 37.300 nhân khẩu và bổ sung cho vùng cấp nước NMN Tứ Hạ khoảng 2.000m3/ngày đêm, cung cấp nước cho Khu công nghiệp Phong Điền và Nhà máy xi măng Đồng Lâm. Theo đó, tổng mức đầu tư cho dự án hơn 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, Huewaco vẫn chưa được bố trí vốn ngân sách, riêng vốn vay tổ chức tín dụng trong nước đang còn là chuyện xa vời.
 
Tại Quyết định 2214/QĐ-UBND, ngày 27/10/2011 của UBND tỉnh về việc phê duyệt dự án cấp nước Thừa Thiên Huế, giai đoạn 2011-2015, tổng mức đầu tư cho toàn dự án gần 2.160 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay ODA của Ngân hàng Phát triên châu Á là 1.687 tỷ đồng, còn lại là vốn trong nước, bao gồm cả vốn ngân sách và vốn vay các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, việc tiếp cận nguồn vốn vay đang gặp nhiều trở ngại, e rằng việc triển khai dự án đúng kế hoạch khó khả thi.

Bài, ảnh: Tâm Huệ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nâng cấp hậu cần nghề cá, phát triển ngành thủy sản bền vững

Các dự án (DA) nâng cấp hậu cần nghề cá, chỉnh trị cửa biển đã và đang triển khai góp phần quan trọng vào giảm thiểu bồi lắng, xâm thực cửa biển, đảm bảo giao thông đường thủy, nâng cao hiệu suất khai thác của cảng cá và khu neo đậu, tránh trú bão ở các địa phương.

Nâng cấp hậu cần nghề cá, phát triển ngành thủy sản bền vững
Ưu tiên nguồn lực chỉnh trang vỉa hè

Thành phố Huế đã và đang hoàn thiện hạ tầng đô thị Huế bắt đầu từ những dự án (DA) chỉnh trang vỉa hè, hạ lề các tuyến đường ở khu vực trung tâm nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và du khách.

Ưu tiên nguồn lực chỉnh trang vỉa hè
Return to top