ClockThứ Bảy, 08/10/2016 12:49

Một chiều kích văn hóa Huế

TTH - Từ Sài Gòn, bạn điện về Huế day dứt: “Tau đang lội bì bõm ở Sài Gòn đây. Người ta nhăn nhó còn tau vừa lội vừa da diết nhớ Huế. Càng xa càng thấy nhớ, thương người Huế mình nhiều hơn”. “Lụt thì chỗ mô chẳng lụt, mắc chi thương người Huế?”. Bạn trầm ngâm “Đi xa, nhận ra người Huế mình giá trị lắm!”.

Câu chuyện với bạn còn kéo dài quanh chuyện lụt Huế, lụt Sài Gòn rồi cuối cùng cũng quay về người Huế mình “hiền lành, tốt bụng, có lối sống quý lắm trong thời buổi kim tiền này”. Tôi bèn kể cho bạn nghe câu chuyện về người chạy đò ở bến sông thuộc địa phận xã Hương Hồ (Hương Trà). Hôm vừa rồi, tôi cùng người bạn lớn tuổi - trước đây vốn sống ở vạn đò - đi chơi trên sông Hương. Thuyền ngang qua cầu Xước Dũ, người bạn thấy có chiếc ghe nhỏ đang neo cạnh một chiếc thuyền lớn, trên ghe có 4 bịch lớn đựng dầu, ông chủ thuyền là người bán dầu trên sông. Người bạn của tôi bỗng nhớ về thời thơ ấu của mình, ông muốn mượn chiếc ghe bơi một vòng trên khúc sông quen thuộc. Ghé sát vào thuyền lớn, chỉ vừa nói ý định mượn ghe, người chủ thuyền không hỏi thêm điều gì, ông lặng lẽ tháo ngay sợi dây buộc, ném sang ghe nhỏ rồi bình thản nằm xuống đọc báo. Người bạn lớn tuổi của tôi “bơi trên vùng ký ức tuổi thơ” cho chán chê rồi quay lại trả ghe. Người chủ cũng không nhiều lời, ông đón sợi dây từ tay bạn tôi rồi neo chiếc ghe nhỏ vào thuyền lớn.

Tôi cứ tự hỏi mình mãi, sao ông ấy không sợ chúng tôi chèo ghe đi mất, hay chí ít cũng “cho thuê”, sao lại bình thản giao tài sản của mình cho người mới gặp lần đầu mượn. Buổi sáng ấy, nhìn dòng nước sông Hương đỏ ngầu sau những trận mưa lớn, tôi bỗng thấy sao quá thân thiết giữa khúc sông này và nhận ra ý nghĩa thẳm sâu của chấm đỏ nho nhỏ trong những bức tranh vẽ đò trên sông Hương của người bạn lớn tuổi, “đó là bếp lửa, là niềm tin”, ông ấy nhỏ nhẹ nói. 

Hằng ngày, những tin không vui về cướp của, giết người, tranh mua tranh bán dẫn đến án mạng, lừa đảo… đã làm dày lên trong chúng ta một sự cẩn thận, đề phòng. Những nghi kỵ cứ lởn vởn thành rào cản khiến cách hành xử của chúng ta trở nên lạnh lùng… Bạn bè tôi về Huế chơi ngày càng nhiều hơn, họ khen cảnh Huế đẹp, thơ mộng, không khí trong lành, cây xanh, cỏ xanh… nhưng họ ấn tượng nhất là con người Huế và ẩm thực Huế.  Họ bảo người Huế hiền và dễ thương quá đi, ẩm thực Huế vừa ngon vừa rẻ. Đặc biệt, Huế không có “ẩm thực chửi”, cái “món” quá ngao ngán, một “nét riêng” mà chuyên gia ẩm thực người Mỹ Athony Bourdain đã đưa vào trong phim của mình. Và liệu có gây ra sự ngộ nhận về một nét tính cách trong ẩm thực của người Việt là chỉ biết “ăn” chứ không phải là thưởng thức.

Trong một lần được hầu chuyện cố Giáo sư Trần Văn Khê, khi nói về sự phát triển của Huế, ông ấy có nói đại ý rằng, xây dựng một thành phố văn hóa phải mất hàng mấy trăm năm, hàng ngàn năm trong khi xây dựng một thành phố hiện đại chỉ trong vòng khoảng chục năm hoặc vài chục năm. Huế là thành phố văn hóa, Huế có những giá trị mà không thành phố nào có được, chúng ta phải tự hào về Huế, đừng nhìn những thành phố phát triển nóng, quá nóng mà “sốt ruột” tại sao Huế không phát triển nhanh như vậy. Những giá trị văn hóa luôn đóng vai trò quyết định trong hành trình phát triển bền vững của một thành phố, của một quốc gia.

Cũng không hẳn là cuộc sống ở Huế chỉ tuyền một màu hồng, nhưng nếu bạn muốn tìm thì Huế sẽ cho bạn trở về với cổ tích của tình người, tình sông nước, cỏ cây...

XUÂN AN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tạo nếp sống văn hóa từ Ngày Chủ nhật xanh

Góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan, tạo nếp sống văn hóa là thành quả đáng tự hào của cán bộ, đảng viên và Nhân dân huyện Nam Đông khi triển khai Đề án Ngày Chủ nhật xanh “hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm xanh - sạnh - sáng”.

Tạo nếp sống văn hóa từ Ngày Chủ nhật xanh
Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế

Hội thi tuyên truyền lưu động kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2024) do Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức sau khi đi qua nhiều tỉnh, thành đã đến Huế trình diễn vào tối 21/4 tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh, 41A Hùng Vương, TP. Huế.

Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế
Văn hóa đọc thay đổi theo kỷ nguyên số

Văn hóa đọc không còn như trước đây, không phải cứ cầm sách mới là đọc sách. Trò chuyện với Thừa Thiên Huế Cuối tuần, bà Hoàng Thị Kim Oanh, Giám đốc Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế cho rằng, trong thời đại công nghệ số, độc giả có thể đọc ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào chỉ cần có điện thoại, máy tính… kết nối internet.

Văn hóa đọc thay đổi theo kỷ nguyên số
Hy vọng cho đá cầu Huế

Khởi đầu thành công ở giải đấu đầu tiên, đá cầu Thừa Thiên Huế tiếp tục hy vọng sẽ có được những thành tích cao trong năm 2024 này. Đặc biệt hơn khi Thừa Thiên Huế vinh dự được chọn làm đơn vị đăng cai tổ chức Giải vô địch Đá cầu châu Á 2024.

Hy vọng cho đá cầu Huế
Return to top