ClockThứ Năm, 28/05/2015 08:12

Một đời kiếm tìm

TTH - Tôi chỉ mới biết Trần Duy Phiên từ hồi làm Tạp chí Sông Hương vài chục năm trước, qua một số truyện ngắn anh gửi đăng. Và chỉ với mấy truyện ngắn, những cảnh tác giả tả nhân vật bị bầy kiến và mối tấn công gây ấn tượng sâu sắc, không chỉ riêng tôi, mà hầu hết anh chị em làm “Sông Hương” đều kính nể Trần Duy Phiên. Hồi đó, tôi cũng chỉ biết anh quê ở Huế, “vì sao đó” phiêu bạt lên sống ở Kontum, nhưng quý trọng văn tài của anh, mỗi dịp anh trở về quê nhà, chúng tôi đều tìm đến nhau.

Lần này, nhà văn Trần Duy Phiên trở lại Huế và bất ngờ giới thiệu với bạn đọc tập thơ “Kinh Phù Hoa” (NXB Hội Nhà văn, 2015) - tập thơ đầu tay và có thể là tập thơ duy nhất trong đời cầm bút hơn nửa thế kỷ của anh. Tập thơ gồm 55 bài, trong đó, bài viết “cũ” nhất là từ năm 1966, bài mới nhất là năm 2011; nên cũng có thể gọi đây là tuyển thơ Trần Duy Phiên. Cho dù thế mạnh của Trần Duy Phiên là văn xuôi, nhưng “Kinh Phù Hoa” vẫn được người đọc tán thưởng, trước hết là với những độc giả đầu tiên ở Huế, những người bạn đồng hành và quen biết Trần Duy Phiên trong cuộc đấu tranh vì độc lập và tự do của Tổ quốc từ nửa thế kỷ trước - những Bửu Ý, Vĩnh Phối, Nguyễn Xuân Hoa, Bửu Nam, Lê Thị Nhân, Phan Hữu Lượng, Trần Hoài, Ngô Yên Thi… đã đến chia vui với tác giả trong buổi ra mắt tập thơ tại 44 Trương Định (TP Huế), một địa chỉ “lịch sử”, gắn với quãng đời tuổi trẻ sôi động của Trần Duy Phiên thời còn ở Huế.

Trần Duy Phiên là người sáng lập Nhóm Văn nghệ mới (1961-1963), ngay khi còn là sinh viên Đại học sư phạm Huế, trước năm 1975 đã cộng tác với các Tạp chí Việt, Đối diện, Trình Bày, Ý Thức. Tốt nghiệp đại học, anh lên dạy học ở Kontum và gắn bó với vùng đất cao nguyên này 40 năm (1967-2008). Điều “khác người” là anh chỉ dạy học 9 năm (1967-1976), thời gian còn lại làm nhiều nghề, như trồng rau, đi rừng khai thác vỏ bờ lời, kế toán nông trường, nuôi heo, nấu rượu, sản xuất bánh phồng tôm, thợ gò hàn, chủ nhiệm hợp tác xã cơ khí… Đã đành, đó là những công việc để kiếm sống, nhưng với nghiệp cầm bút mà nhiều người cho rằng Trần Duy Phiên đeo đẳng, gắn bó còn hơn với nghề dạy học, thì những bước đường Trần Duy Phiên trải qua là một cuộc kiếm tìm không mệt mỏi - tìm lẽ sống, tìm vốn sống nuôi dưỡng cây bút của mình.

Sau 1975, Trần Duy Phiên buông bút đến 8 năm (thực ra anh vẫn viết lai rai – một tiểu thuyết, chừng 10 truyện ngắn và vài chục bài thơ - nhưng chỉ để bạn bè xem, rồi đốt!). Đến năm 1985, Trần Duy Phiên viết lại và đăng trên nhiều báo chí trong nước và cả ở nước ngoài. Năm 1990, Trần Duy Phiên là hội viên sáng lập Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Gia Lai – Kontum, Ủy viên Ban chấp hành, phụ trách khối văn học, nhưng sau khi Hội giải tán do tách tỉnh, Trần Duy Phiên không tham gia tổ chức văn học nào nữa; nói cách khác, anh là một “cây bút tự do”!

Thực ra, với người viết, điều đó không thật quan trọng, mà chính là những tác phẩm anh để lại cho đời. Kể từ năm 1961, dù có thời gian tạm ngưng nghỉ, Trần Duy Phiên đã có trên nửa thế kỷ cầm bút. Cho đến nay, anh đã cho xuất bản 8 tác phẩm: Truyện dài “Đốt lửa sau mây” – Tạp chí Việt, 1969; Tập truyện ngắn “Trước khi mặt trời mọc” – NXB Đối diện, 1972; Tiểu thuyết “Trăm năm còn lại” – NXB Đồng Nai, 1997; Tập truyện “Ngược dòng phù hoa” – NXB Đồng Nai, 1997; Tập truyện “Kiến và Người” – NXB Tân Thư, 1998; Tập truyện “Chim trong thành quách cũ” – NXB Trẻ, 2003; Tập truyện “Ngõ đạo miền hoang dã”, NXB Văn học, 2008 và tập sách thứ 8 là “Kinh Phù Hoa”.

Cũng như trong cuộc đời, về mặt sáng tác, Trần Duy Phiên là một người kiếm tìm không ngưng nghỉ, trong văn xuôi và cả trong thơ. Trong tập “Kinh Phù Hoa”, ngay bài thơ có nhan đề cùng tên tập sách viết năm 1967, lúc tác giả mới 25 tuổi, tuy với hình thức giản dị và “cổ điển”, chúng ta đã thấy một Trần Duy Phiên luôn trăn trở tìm tòi, không thỏa mãn với thực tại:

“Anh đi tìm tình yêu / Nhấp nhô hàng dịch vụ / Em đi tìm tinh tú / Le lói mấy đóm tàn…Tao ngộ ta chung dòng / Tương phùng ta chung gánh / Tưởng như đã sủng hạnh / Tưởng như đã tâm đồng … Rồi một ánh chớp đông / Ta tan đàn rẽ nghé/ Rồi một trận mưa nguồn / Ta phiêu linh cô lẻ…”

Cho đến bài thơ “Đi giữa phố núi” sáng tác năm 2007, trước khi Trần Duy Phiên rời vùng đất cao nguyên về TP. Hồ Chí Minh, thì tác phẩm đã mang âm hưởng một tráng ca của một người đã ngấm mọi sự hơn thua ở đời:

“… Về xuôi / Ừ ta sẽ đi đây / Những hạt mưa chợt thành nước mắt…”

Trần Duy Phiên sinh năm 1942, đã ở tuổi thọ nay không còn hiếm, nhưng tưởng đã đến lúc “tổng kết” một sự nghiệp. Với một bề dày sáng tạo có nhiều thành tựu, nhiều tìm tòi như Trần Duy Phiên, tôi chợt nghĩ: Huế, quê hương của tác giả, rất nên có một hội thảo, ít ra là một cuộc tọa đàm về những tác phẩm của Trần Duy Phiên. Và NXB Thuận Hóa, sao lại không có thể in một Tuyển tập Trần Duy Phiên? Tôi nghĩ, đây sẽ là một cuốn sách có sức nặng cả về “lượng” và giá trị văn chương…

Bài, ảnh: Nguyễn Khắc Phê
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

30 nghệ sĩ nhiếp ảnh giao lưu, sáng tác ảnh về Huế

Sự kiện nằm trong hoạt động của cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam năm 2024, do Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức, khai mạc chiều 10/5 tại TP. Huế.

30 nghệ sĩ nhiếp ảnh giao lưu, sáng tác ảnh về Huế
Phổ biến nội dung quy chế hoạt động tổ chức biểu diễn ca Huế

Bên cạnh phổ biến những quy chế mới liên quan hoạt động tổ chức biểu diễn ca Huế, Sở Văn hóa và Thể thao đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn các chủ thuyền trên sông Hương có phục vụ ca Huế lắp đặt hệ thống camera giám sát.

Phổ biến nội dung quy chế hoạt động tổ chức biểu diễn ca Huế
Nhà thiết kế Đoan Trang vinh dự đoạt giải Ba tại Liên hoan Quốc tế Thêu và Trang sức lần II – 2024

Nhận lời mời của Tổng lãnh sự quán nước Cộng hòa Uzbekistan tham dự Lễ hội thêu và trang sức bằng vàng quốc tế diễn ra từ ngày 3 - 5/5 tại TP.Bukhara, nghệ nhân, nhà thiết kế, Giám đốc Công ty TNHH TM & DV Thêu may Đoan Trang (2/56 Bạch Đằng, phường Gia Hội, TP. Huế)-bà Nguyễn Thị Đoan Trang vinh dự là đại diện Việt Nam đoạt Giải Ba.

Nhà thiết kế Đoan Trang vinh dự đoạt giải Ba tại Liên hoan Quốc tế Thêu và Trang sức lần II – 2024
Chương trình kỷ niệm 15 năm Vịnh Lăng Cô được công nhận là vịnh đẹp thế giới:
Chưa thể phục vụ khách môn dù lượn

Đó là thông tin được Ban Tổ chức chương trình kỷ niệm 15 năm Vịnh Lăng Cô được công nhận là vịnh đẹp thế giới chia sẻ vào chiều 9/5.

Chưa thể phục vụ khách môn dù lượn
Khát vọng làm mới những ca khúc về Huế

Có mặt đều đặn và đạt nhiều giải cao trong các cuộc thi âm nhạc và xuất hiện thường xuyên trong các chương trình nghệ thuật ở Huế, ca sĩ Phan Huy Thành đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng khán, thính giả. Đặc biệt, những ca khúc viết về Huế được Phan Huy Thành biểu diễn mang màu sắc tươi trẻ, như: Cơm hến, Trai Huế, Nón… thật sự mang đến làn gió mới góp phần lan tỏa và thăng hoa hình ảnh cảnh vật và con người xứ Huế đến với người nghe.

Khát vọng làm mới những ca khúc về Huế
Return to top