ClockThứ Ba, 19/01/2021 11:06

Mùi Huế

TTH - Anh bảo, sống ở Huế 11 năm nhưng chưa bao giờ ăn bún hến, cơm hến vì “bụng dạ không tốt”. Thế mà lần này trở lại, sáng ra đã giục bạn chở đến quán cơm hến, ăn một lúc hai tô. Không phải vì mê món này là bởi nhớ “mùi Huế”. Và “mùi Huế” như cách nói của anh là muốn tìm nhanh nhất là ăn bún hến, cơm hến.

Yêu Huế từ những món ăn

Tôi gặp anh từ năm 2009, khi công ty anh triển khai dự án nhà ở xã hội gần như là đầu tiên trên địa bàn TP. Huế. Lúc gặp anh, rồi nhìn phía dự án hạ tầng ngổn ngang tôi không dám chắc dự án thành công khi mà nó quá mới, và có vẻ như chưa phù hợp lắm với số đông người Huế. Ấy vậy mà sau 10 năm, dự án của anh thành công ngoài mong đợi. Từ sau dự án đó, một số nhà đầu tư khác cũng “nhảy” vào lĩnh vực này và đều thành công, ít nhất là về mặt thị trường. Bởi gần như căn hộ chung cư thu nhập thấp có chừng nào là bán hết chừng đó và nhu cầu hiện vẫn còn rất nhiều, song chủ trương của Nhà nước chưa đồng ý phát triển thêm dự án mới.

 Khi dự án nhà thu nhập thấp của anh hoàn thành các giai đoạn, bán hết cho khách hàng, anh cũng rời Huế để đảm nhận vị trí khác ở thành phố khác. Thế nên, cơ hội trở lại Huế của anh cũng ngày càng thưa hơn trước. Nhưng cứ mỗi lần trở lại bao giờ anh cũng tìm bằng được “mùi Huế” qua những món ăn. Ngoài cơm hến, anh còn ghiền bánh canh cá lóc, bún mắm nêm và cả mấy món chè Huế mà dân nhậu như anh bình thường rất ít khi ngó tới. Rồi đến những quán cà phê cóc, quán bia vỉa hè... những nơi khi còn làm giám đốc dự án anh chưa từng ghé qua nay lại muốn đến để hiểu và cảm nhận đầy đủ “mùi Huế”...

Tội gọi đó là “hội chứng cuồng Huế” khi list những địa chỉ cần đến của anh quá nhiều so với thời hạn hai ngày cuối tuần ở Huế. Thế nên, tôi gợi ý anh chỉ cần đi một hai địa điểm, bởi muốn rõ “mùi Huế” không chỉ là đi mà phải cảm và nghe. Và còn vì, tôi cũng mong bạn mình có thêm những lần đến Huế với những dự án mới nữa.

Tôi biết có rất nhiều nhà đầu tư khác, như anh đã đến Huế và dừng chân. Có thể dừng chân không lâu nhưng Huế đã đủ là một phần thanh xuân không thể tách rời của họ. Cũng có những nhà đầu tư là người Huế xa quê, lại muốn quay về góp chút công sức cho quê hương. Như đạo diễn Trần Nguyễn Bảo Nhân, với bộ phim “Gái già lắm chiêu”. Anh bảo nếu quay ở Sài Gòn, sẽ không mất quá nhiều thời gian, công sức, kinh phí cho việc vận chuyển thiết bị, máy móc, ăn ở cho đoàn làm phim... Song anh vẫn chọn Huế vì đó là quê hương của anh. Anh muốn “làm gì đó” cho Huế. Và việc “làm gì đó” của anh qua “Gái già lắm chiêu 3” sắp tới là 5 đã góp phần đưa hình ảnh Huế ra công chúng một cách hoàn hảo, công phu nhất.

 Tôi cũng gặp và biết một vài nhà đầu tư khác, dù chưa thể về Huế định cư nhưng đã làm nhiều việc có ích cho Huế, cả những người gốc Huế và không phải gốc Huế vẫn âm thầm lặng lẽ cống hiến để cho Huế ngày càng đẹp hơn, đáng sống hơn.

 Thế nên, những người sống trên đất Huế như tôi, như bạn, chúng ta cùng chung tay làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, giữ cho Huế luôn xanh, sạch để những không chỉ những người xa Huế muốn quay về mà cả những người đang sống trên đất Huế sẽ không muốn rời xa... và để “mùi Huế” không chỉ là mùi mắm ruốc mà phải là mùi của thanh tao, của hạnh phúc và đủ đầy!

HỒNG TÂM

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hoàn thiện hạ tầng cho thành phố xe đạp

Theo lãnh đạo TP. Huế, định hướng phát triển giao thông xe đạp nhằm tạo dựng môi trường thuận lợi, an toàn, chuyển đổi phương thức đi lại trong thành phố theo hướng xanh, sinh thái và bền vững. Hướng tới xây dựng Huế trở thành một trong những thành phố xe đạp đầu tiên của Việt Nam.

Hoàn thiện hạ tầng cho thành phố xe đạp
Hiệu ứng qua các phong trào

Với mục tiêu xây dựng thành phố “Văn minh - Thân thiện - An toàn - Giàu bản sắc”, “Thành phố không ma túy, trộm cướp, trẻ em thất học”, Thành ủy Huế đã và đang triển khai có hiệu quả các cuộc vận động và phong trào thi đua yêu nước, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững và tạo diện mạo đô thị Huế ngày càng khởi sắc, sáng - xanh - sạch - đẹp.

Hiệu ứng qua các phong trào
Return to top