ClockThứ Hai, 08/03/2021 09:00

Mùi phố thị

Hoa cải vàng cứ chao trong gió

Tôi mê mùi bùn của cánh đồng trước nhà. Cả tuổi thơ tôi quẩn quanh ở đó, bắt ốc, bắt nhái và nhổ những bụi cỏ mạch lẫn trong đám lúa. Tôi cũng mê mùi nơi đám đất vừa được đánh tơi để trồng cải, ngò mỗi dịp trước tết. Đó dường như thứ mùi của hy vọng, xanh lên rạng rỡ mỗi khi tết đến. Nhưng thời điểm giáp tết rộn ràng, cái mong chờ nhất của tôi thoảng đậm mùi phố thị.

Thật khó để tìm ra nét đặc trưng nơi tôi đang ở. Tôi đồ rằng, chắc làng quê nào bây giờ cũng thế, cứ nhàng nhàng, lẫn lộn giữa cũ và mới, đô thị và nông thôn. Không lấy một làng nghề, không có một đặc sản, không tìm ra công nghiệp, lâm nghiệp và nông nghiệp thì lẻ tẻ, tự phát. Và chuyện duy nhất họ làm tốt là đầu tư vào việc học hành. Làng tôi thường được gọi với cái tên: làng hiếu học. Và, dù chọn con đường nào để đi tới tương lai, họ cũng phải qua một mùa nắng “nẻ trốốc”, một mùa mưa bão dầm dề, một mùa rét buốt muốt xương và không phải ai cũng may mắn với chuyện học hành. Chị gái tôi cũng nằm trong số đó.

Mười lăm tuổi bắt đầu xa quê với rẫy cà phê, rẫy điều, rẫy tiêu rồi cũng theo lên thành phố để vào làm trong xí nghiệp. Chị kể về những bữa sáng chỉ ăn một ngàn xôi thay vì bát bún năm ngàn. Mái tóc một kiểu để suôn dài cố hữu, những chiếc giường tầng tập thể chật chội. Chị kể về xóm trọ nghèo toàn người tha hương. Nơi những con người sáng bước vào xí nghiệp, chiều tối muộn đi ra cùng bao nỗi lo cơm áo. Họ giải trí với những ca khúc tự chế lời nghe buồn đến nẫu ruột. Rồi dành dụm, gom góp để mỗi năm chờ dịp tết trở về.

Tết có lương, có thưởng. Sài Gòn có nhiều thứ lạ lẫm mua về cho em út. Chẳng hiểu sao tôi vẫn thấy bộ áo quần thun chị mua cho có màu sắc vui tươi hơn hẳn những lần đến tiệm may đồ đầu ngõ. Cái màu hồng xanh như gửi thêm bao huyên náo của phố phường. Trong bộ dạng mệt mỏi sau hơn một ngày đường tàu xe, cái hơi hướng thị thành dường như đậm nét hơn. Cuộc sống đất khách vốn mệt mỏi và buồn, nhưng vẫn dư ra ít tiền cho ba mẹ và em.

Tôi chẳng rõ người đi xa và người ở nhà ai ngóng tết nhiều hơn. Nhớ một năm xưa cũ, tận chiều ba mươi chị mới về. Thư từ đến đi chậm chạp, điện thoại thì hiếm hoi. Những ngày đó cái cổ tôi như dài ra mỗi khi nghe tiếng lóc cóc ngoài ngõ, chạy ra không thấy lại cứ sợ chị chẳng về. Chiều cuối cùng của năm, tôi và mạ đi tưới đám rau ớt vừa trồng nơi biền xa kẻo sợ ba ngày tết chúng không trụ nổi. Về đến quán tạp hóa đầu làng, mạ xuống xe mua thêm mấy ngọn nến phòng khi ngày tết cúp điện. Người bán hàng cười tươi “tui thấy con o về nơi rồi”. Có một dòng điện vừa chạy qua, câu nói của người bán hàng như cú bật công tắc, tôi lên xe và đạp, quên mất chuyện mạ vẫn còn đứng mua hàng. Trong lòng sục sôi về thanh âm phố thị.

Có lẽ, cái mùi phố thị lúc đó đậm đà chuyện sung túc. Trong mắt tôi nhìn thấy những chiếc kẹo socola, con búp bê, cái vòng tay và mấy tờ tiền để mua bong bóng. Cả một gia tài, một phố thị hào nhoáng về trong đầu con bé lớp năm. Chị như một ngọn gió mùa xuân thổi vào căn nhà, thổi vào chính tôi sau tháng ngày mưa bão buồn rầu, lạnh căm rét buốt. Ngọn gió thị thành còn sẵn sàng những giai điệu vui tươi, lời chế ngộ nghĩnh, chép nguệch ngoạc lên mấy tờ giấy không hàng không lối.

“Chiều chiều ra ăn cơm/ Sáu thằng ngồi một bàn/ Cơm chan toàn nước mắm/ Cuộc đời con như thế/ Mẹ ơi đón con về”. Nghe xong, hát xong thì hồi đó chỉ thấy buồn cười. Đâu rõ những tâm tư sục sạo ruột gan của mấy đứa con xa nhà.

Chị về mấy ngày tết rồi lại lên xe đi biền biệt tháng ngày, tiếp tục với cơm áo gạo tiền, với niềm hy vọng của người ở lại. Nơi mảnh đất quê này, chuyện người đi nhiều hơn người ở, chuyện khó khăn dày đặc hơn niềm vui. Vài ngày chị về quê mà cái mùi phố thị vương vấn tôi mãi tới sau này.

YÊN THƯỜNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Lùi lại” để sống bên con

Mùa thi cận kề, nhưng không ít phụ huynh đã bắt đầu thay đổi quan điểm, không còn quá kỳ vọng vào thành tích của con. Điểm cao cũng tốt, không cao cũng không sao miễn con vui khỏe là được. Tôi hiểu điều này khi mình cũng đang có hai con đang ở tuổi đến trường và cũng ở chung tâm trạng lo lắng khi tình trạng học sinh trầm cảm dẫn đến tự tử như một cách để giải thoát… đang lan truyền. Câu chuyện tưởng chừng đã cũ nhưng hệ lụy để lại đầy xót xa.

“Lùi lại” để sống bên con
Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Không thể “nhỏ hơn”

Ngót nghét cả mấy năm nay nội tôi già ốm. Nội một mình ở quê nên cả nhà tôi thay nhau tối về chăm mệ. Nội vẫn đi lại được nhưng tuổi đã 85 nên biết đâu được “trái gió trở trời”, không thể lường hết mọi chuyện xảy ra ba tôi phải làm ngay lịch phân công để đêm nào cũng có người bên cạnh mệ. Lo ăn sáng cho nội, tôi mới phát hiện ở làng Dã Lê quê tôi nằm cạnh Quốc lộ 1A có một quán cháo gạo lứt cá kho tuyệt ngon. Không chỉ nội mà cha con tôi ăn quen nên ai cũng nghiện.

Không thể “nhỏ hơn”
Ngọn hải đăng

Những lá thư anh viết cho tôi đều trên giấy học trò. Giữa thời buổi điện thoại di động, điện thoại bàn, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh với 4G là có thể nói chuyện, nhắn tin cho nhau. Vậy mà, anh vẫn viết thư cho tôi. Anh giải thích: “Hiện tại trên thế giới, người Pháp vẫn viết thư cho nhau, bởi nhìn mặt chữ như nhìn mặt người. Vả lại, chỉ có chữ viết mới có thể nói hết lời yêu thương”. Anh đã tạo cho tôi một thói quen nhận thư vào mỗi tuần. Chính từ những lá thư anh gởi, tôi mới phát hiện ra rằng, người đưa thư trong xóm tôi vẫn phải đưa thư đúng 7 ngày trong tuần. Anh dùng chiếc bì thư bán ở bưu điện để gởi. Nét chữ của anh cứng rắn khác với tính tình hiền dịu của anh.

Ngọn hải đăng
Return to top