ClockThứ Bảy, 26/05/2018 12:15

“Nàng thơ xứ Huế”: Quảng bá tinh hoa văn hóa kinh kỳ

TTH - Giới thiệu văn hóa Huế dưới góc nhìn của điện ảnh, chương trình “Nàng thơ xứ Huế” mang đến cho người xem nhiều cảm nhận sâu sắc về những giá trị riêng có của Huế.

Nàng thơ xứ Huế Ngọc Trân thướt tha áo dài trắng tại Hàn QuốcNét đẹp hội làng, hội xuân xứ HuếNhững điểm du lịch đẹp nhất xứ HuếNét đẹp của Hội làng, Hội xuân xứ HuếRa mắt chương trình “Nàng thơ xứ Huế”

Lê Trần Ngọc Trân - Hoa khôi Du lịch Huế - nhân vật chính trong "Nàng thơ xứ Huế". Ảnh: NVCC

Giữ nét xưa

Cơn mưa xối xả mở đầu tập phim đầu tiên của chương trình “Nàng thơ xứ Huế” như giới thiệu đến người xem “đặc sản” của vùng đất Cố đô. Sau cơn mưa ấy, mảnh vườn của “Nàng thơ xứ Huế” - nhân vật dẫn dắt chương trình, như bừng sáng với cây cối đâm chồi nẩy lộc, với những ngọn rau, trái vả xanh tươi... Trong ngôi nhà vườn cổ kính quanh năm cây trái, theo bước chân của "nàng", người xem trải nghiệm cuộc sống thường nhật an yên của một cô gái thuần Huế: Ra vườn hái rau, vào bếp nấu nướng, xay gạo, làm bánh tráng, đi chợ, đi lễ chùa...

Giữa thời hiện đại, "Nàng thơ xứ Huế" vẫn sống cuộc sống bình thường nhưng theo cách của "nàng": Sống với hoài niệm, giữ gìn nét Huế xưa vì mẹ, vì bà. Các món ăn đặc trưng của Huế từ chay đến mặn, từ dân dã đến cung đình đều được tái hiện qua đôi tay nhỏ bé của cô. Nhớ về mẹ, cô ra vườn hái vả, rang đậu làm vả trộn như cách ngày xưa mẹ làm. Cứ như vậy, qua ẩm thực, nàng thơ kể câu chuyện về xứ Huế theo góc nhìn, kỷ niệm của mình.

Đạo diễn Trần Nguyễn Bảo Nhân chia sẻ: “Chương trình có nhiều nét mới lạ, nhưng nội dung chủ yếu vẫn khai thác hình ảnh người con gái Huế với vẻ đẹp lao động. Nhân vật "nàng thơ xứ Huế" trong chương trình đại diện cho vẻ đẹp dung dị và rất thơ bởi cách sống cũng như những món ăn do chính tay "nàng" làm ra. Mọi thứ đều gần gũi, mộc mạc đúng tinh thần của con người xứ Huế”.

Với sự chăm chút kỹ lưỡng trong từng bối cảnh, góc máy, màu sắc... không kém gì phim điện ảnh, vẻ đẹp của Huế qua hình ảnh của chùa Từ Hiếu, làng cổ Phước Tích, nhà vườn An Hiên với những hàng cây xanh hiện lên bình yên, mộc mạc và thơ mộng. Sự an yên còn được thể hiện qua vẻ đẹp trong trẻo, tinh khôi của "Nàng thơ xứ Huế" do Hoa khôi Du lịch Huế Lê Trần Ngọc Trân đảm nhận.

Ngọc Trân tâm sự: “Lần đầu tiên được đảm nhận vai chính đại diện cho vẻ đẹp của người con gái Huế, thật sự em rất áp lực để không phụ sự kỳ vọng của mọi người. Em không chỉ là người dẫn dắt mà còn là linh hồn của chương trình nên rất lo lắng vì chưa bao giờ thử sức với vai trò diễn viên. Em đã cố gắng tập luyện rất nhiều, hơn nữa, sinh ra và lớn lên ở Huế, văn hóa của mảnh đất này đã thấm sâu vào tâm hồn nên việc vào vai cũng tự nhiên. Khi đoạt ngôi vị cao nhất của cuộc thi Người đẹp Du lịch Huế, em rất thích được giới thiệu và quảng bá nét đẹp văn hóa của Huế, chương trình này là cơ hội để em giới thiệu văn hóa Huế đến bạn bè trong nước và quốc tế”.

Vẻ đẹp thuần khiết, dung dị của cô gái Huế được thể hiện đậm nét trong chương trình. Ảnh: NVCC

Huế qua cách nhìn của người con xa quê

Sinh ra và lớn lên ở Huế, đạo diễn Trần Nguyễn Bảo Nhân luôn ấp ủ mong muốn làm gì đó cho Huế để tri ân nơi mình sinh ra. Cũng như nhiều người con xa quê khác, khi ở Huế, Nhân thấy mọi thứ bình thường nhưng khi đi xa, tiếp xúc với môi trường mới, anh thấy Huế có nhiều khác biệt về bề dày văn hóa, cách sống, cách nghĩ... Bảo Nhân kể: “Ý tưởng làm chương trình “Nàng thơ xứ Huế” đến tình cờ khi tôi xem chương trình ẩm thực của một cô gái thôn nữ ở Trung Quốc, qua đó những nét văn hóa độc đáo của Trung Quốc hiện lên rõ nét. Dạng chương trình này đều được thực hiện ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Sau đó, tôi gặp một số đối tác, bạn bè ở Hàn Quốc và biết không nhiều người Hàn Quốc biết về Huế nên tôi quyết định làm chương trình này để giới thiệu về quê hương mình với bạn bè”.

Ngay khi ra mắt đoạn trailer với thời lượng hơn 50 giây, chương trình đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng xã hội với hàng nghìn lượt chia sẻ cùng những lời khen ngợi về vẻ đẹp thơ mộng, bình yên của Huế cũng như sự trong trẻo, tinh khôi của nàng thơ Ngọc Trân. Bối cảnh, đạo cụ, từng vật dụng, chi tiết... tất cả đều mộc mạc, dân dã, đúng với tiêu chí của chương trình là “quảng bá những nét đẹp con người và tinh hoa văn hóa xứ Huế”. Những hình ảnh thơ mộng về vùng đất Kinh kỳ được khai thác dưới góc nhìn điện ảnh, trẻ trung và rất mới, cùng sự đầu tư về hình ảnh và âm nhạc là cách tiếp cận hướng đến giới trẻ của chương trình.

Theo chia sẻ của đạo diễn Bảo Nhân, những câu chuyện này người trẻ ở Huế chưa chắc tường tận, người nước ngoài nhìn vào sẽ thấy rất đặc biệt. Anh nhấn mạnh: “Cách của chúng tôi là giới thiệu để thế hệ trẻ của Huế cảm nhận được nét đặc biệt của văn hóa Huế, để thấy cần phải gìn giữ mà không phải áp đặt. Nhân là người trẻ và muốn làm sao những người trẻ nhìn nhận về phong tục, văn hóa cởi mở và nhẹ nhàng. “Nàng thơ xứ Huế” còn là cầu nối văn hóa, giúp lan tỏa và giới thiệu nét tương đồng giữa văn hóa Hàn Quốc và văn hóa Huế”.

Lê Trần Ngọc Trân trong buổi ra mắt chương trình "Nàng thơ xứ Huế". Ảnh: Minh Hiền

Trong đoạn trailer giới thiệu chương trình, một số ý kiến cho rằng tạo hình của “Nàng thơ xứ Huế” Ngọc Trân mang hơi hướng Hàn Quốc, không thuần phụ nữ Huế. Lý giải về chi tiết gây tranh cãi này, đạo diễn Bảo Nhân cho biết: “Đoạn trailer thực chất chỉ gói gọn rất cô đọng về toàn bộ chương trình. Trong đó, bao gồm cả hình ảnh của 10 tập phim quay tại Hàn Quốc. Giống như cách nhiều du khách đến Việt Nam thường thích mặc áo dài, đội nón lá, cô đã mặc thử trang phục truyền thống Hàn Quốc hanbok, trang điểm, làm tóc giống người Hàn để thể hiện sự tôn trọng văn hóa nước bạn. Đây là chương trình dành cho giới trẻ nên sẽ có những yếu tố mới, trong đó "nàng thơ" sẽ phối áo dài với hanbok, nhìn qua tưởng là hanbok nhưng thực chất là áo dài. Đây là chi tiết thể hiện sự giao thoa và kết hợp trẻ trung trong góc nhìn của những người trẻ”.

“Nàng thơ xứ Huế” được thực hiện bởi bộ đôi đạo diễn Bảo Nhân và Namcito là chương trình theo thể loại lifestyle (phong cách sống) nhằm giới thiệu, quảng bá vẻ đẹp văn hóa, con người và danh lam thắng cảnh vùng đất Cố đô. Ngoài tinh hoa văn hóa ẩm thực, chương trình còn giới thiệu câu chuyện về văn hóa du lịch, phong cách sống cùng những giá trị văn hóa đậm chất cung đình. Chương trình gồm 20 số với thời lượng 10 phút/số, trong đó 10 số quay tại Huế và 10 số quay ở Hàn Quốc. Hiện nay, ekip chương trình đã hoàn thành xong phần quay ở Huế và sẽ quay ở Hàn Quốc vào tháng 7 năm nay. Chương trình được trình chiếu song song tại Hàn Quốc và Việt Nam bắt đầu từ tháng 7/2018.

MINH HIỀN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tạo nếp sống văn hóa từ Ngày Chủ nhật xanh

Góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan, tạo nếp sống văn hóa là thành quả đáng tự hào của cán bộ, đảng viên và Nhân dân huyện Nam Đông khi triển khai Đề án Ngày Chủ nhật xanh “hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm xanh - sạnh - sáng”.

Tạo nếp sống văn hóa từ Ngày Chủ nhật xanh
Văn hóa đọc thay đổi theo kỷ nguyên số

Văn hóa đọc không còn như trước đây, không phải cứ cầm sách mới là đọc sách. Trò chuyện với Thừa Thiên Huế Cuối tuần, bà Hoàng Thị Kim Oanh, Giám đốc Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế cho rằng, trong thời đại công nghệ số, độc giả có thể đọc ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào chỉ cần có điện thoại, máy tính… kết nối internet.

Văn hóa đọc thay đổi theo kỷ nguyên số
Em và ngày hội đọc sách

So với các bạn cùng trang lứa TP. Huế và vùng đồng bằng, các bạn nhỏ ở huyện vùng núi, vùng xa Nam Đông và A Lưới thiệt thòi hơn nhiều về điều kiện để tiếp cận công nghệ thông tin...

Em và ngày hội đọc sách
Khánh thành “Điểm xanh văn hóa”

Ngày 21/4, tại tổ dân phố 4, Khối Dân vận phường Phường Đúc (TP. Huế) tổ chức khánh thành “Điểm xanh văn hóa”, trị giá hơn 50 triệu đồng.

Khánh thành “Điểm xanh văn hóa”

TIN MỚI

Return to top