ClockThứ Hai, 27/09/2021 05:57

“Người lính già” Đặng Văn Việt

TTH - Phan Tân Hội (con trai luật sư Phan Anh), Thường trực Ban Liên lạc Trường Thanh niên tiền tuyến Huế, từ Hà Nội vừa gọi điện cho tôi biết: Người kéo Quốc kỳ lên Kỳ đài Huế năm 1945 vừa ra đi vào mờ sáng ngày 25/9/2021 tại Hà Nội, hưởng thọ 102 tuổi.

Ông Đặng Văn Việt – Người treo lá cờ đỏ sao vàng trên Kỳ đài Huế ngày 21/8/1945. Ảnh: thanhnien.vn

Đặng Văn Việt (1920-2021) là chứng nhân lịch sử, là nhân vật nổi tiếng không chỉ với Huế. Thân phụ của ông là cụ Phó Bảng Đặng Văn Hướng, từng giữ chức Thị Lang Bộ Công, Tham Tri Bộ Hình, Tổng đốc Nghệ An…; sau Cách mạng Tháng Tám được Chính phủ cụ Hồ cử làm Bộ trưởng phụ trách 3 tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh.

Đặng Văn Việt từng là học sinh Trường Khải Định (nay là Quốc Học Huế). Ngay sau khi Nhật đảo chính Pháp, ông tham gia Việt Minh bí mật trong Trường Thanh niên tiền tuyến Huế do Luật sư Phan Anh và Tạ Quang Bửu sáng lập…

Chuyện ông cùng Cao Pha được vinh dự kéo cờ lên Kỳ Đài Huế ngày 21/8/1945, nhiều báo chí đã tường thuật cụ thể. Với Huế, hơn chục năm qua, cứ đến dịp kỷ niệm ngày thành lập Trường Thanh niên tiền tuyến trước thềm Cách mạng Tháng Tám (năm 1945) là Đặng Văn Việt lại lên xe khách giường nằm vào Huế gặp gỡ các “chiến hữu” và các cơ quan báo chí, ôn lại những kỷ niệm hào hùng một thời.

Bà con đã quá quen với vóc dáng cao, gầy, khuôn mặt rắn rỏi của người cựu chiến binh đã góp phần cắm một cột mốc lịch sử trước Hoàng thành Huế. Một lần như thế, tôi cùng ông vào “thăm” Kỳ Đài, cứ một quãng lại nghe tiếng nói nhỏ của khách qua đường phía sau: “Ông Việt - Người kéo cờ đó!”…

Đặng Văn Việt còn được “thiên hạ” tặng nhiều danh hiệu đặc biệt nữa: “Con Hùm Xám Đường số 4”, “Anh hùng dân phong”… Các tướng tá Pháp thì gọi người chỉ huy từng đánh thắng trăm trận là "tiểu tướng Napoléon" (mon petit Napoléon), “Un Géneral, un Maréchal sans étoile” (Một đại tướng, một nguyên soái không sao). Họ gọi vậy, vì lớp “cựu binh” với ông có người đã lên chức đại tướng, còn ông cứ mãi là trung tá, nhưng ít ai thấy ông đeo “lon”. Nhắc chuyện này, có lần Đặng Văn Việt bảo tôi, giọng vui vẻ: Tôi thích chức vị “người lính già” hơn!”.

 Các tướng tá đối phương kính nể ông bởi ông thực sự là “người hùng” trên Mặt trận Đường số 4 từ năm 1947 cho đến khi mở Chiến dịch Biên giới (1950) mà ông là chỉ huy trung đoàn chủ công 174 – thắng lợi quan trọng đầu tiên mở đường dẫn tới Điện Biên Phủ.

Hồi ký “Đường số 4 rực lửa” của ông ghi lại chân thực chiến công của bộ đội và Nhân dân Cao - Bắc - Lạng đã được Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam tặng giải thưởng cao và đã được dịch sang tiếng Pháp, nên ông còn có thêm danh hiệu “nhà văn”.

Còn danh hiệu “Anh hùng dân phong” xuất hiện sau năm 2012. Đây là thời điểm Bộ Nội Vụ xác nhận vấn đề chính trị đối với cụ Đặng Văn Hướng rằng cụ Hướng đã được Hồ Chủ tịch mời giữ chức Bộ trưởng năm 1947; từ đó, một số cơ quan (như Ban liên lạc Trường Thanh niên tiền tuyến Huế, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam…) đã đề nghị Chủ Tịch Nước phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho ông Đặng Văn Việt.

Đặc biệt, Đại tá - Anh hùng La Văn Cầu còn viết thư tôn vinh “Nếu tôi được phong anh hùng một lần thì tôi nghĩ thủ trưởng Việt phải được phong nhiều lần (5-10 lần)!...”. Vậy nhưng có lẽ “vướng” một thủ tục nào đó, cho đến nay, “người lính già” thọ hơn một thế kỷ ra đi vẫn chỉ là “Anh hùng dân phong”.

Không biết có ai xem đó là “món nợ” đối với Đặng Văn Việt không? Tôi chỉ biết cây bút phi - hư - cấu nổi tiếng Phan Thúy Hà, khi nghe tin ông Việt qua đời, đã thốt lên một cách tiếc nuối trên trang facebook của mình “Cháu vẫn còn nợ ông một việc ông ơi, cháu chưa kịp làm”. Hà viết vậy là do mới năm ngoái đây thôi, ông Đặng Văn Việt còn gọi cô đến nhà, trao cho cô một bản thảo và Hà đã có ý định sẽ tìm cách in giúp ông. Bản thảo này, thực ra là một cuốn sách dày 500 trang mà ông đã “in thử” cho tôi xem mấy năm trước với nhan đề “Những nốt nhạc thăng trầm một cuộc đời”.

Tôi được biết, Đặng Văn Việt còn một bản thảo quan trọng nữa có nhan đề tạm đặt là “Nghệ thuật quân sự của Việt Nam”, cũng hình như chưa nơi nào nhận in… Với những cuốn sách này, “người lính già” tuy rời quân ngũ đã hơn nửa thế kỷ, vẫn không ngừng chiến đấu. Cũng chính là với tinh thần đó, trong chuyến thăm Mỹ năm 2004, bà lãnh sự Mỹ hỏi: “Cụ có đầy đủ các điều kiện để ở lại Mỹ, cụ có ở lại không?”. Đặng Văn Việt trả lời dứt khoát: “Thưa không, tôi sinh ra, lớn lên tại Việt Nam và tôi cũng thích chết ở Việt Nam”…

Giữa tháng 7 năm nay, kỷ niệm lần thứ 76 ngày thành lập Trường Thanh niên tiền tuyến Huế, mặc dù dịch COVID-19 đợt 4 đã khởi phát, Phan Tân Hội vẫn vào Huế mua hoa dâng lên tấm bia kỷ niệm di tích địa chỉ ngôi trường đặc biệt này trước Hoàng thành Huế. Anh nói với tôi giọng bùi ngùi: “Đại tá Lâm Quang Minh ở Đà Nẵng vừa mất; còn cụ Việt thì đã ngồi xe lăn hai năm nay. Các cụ trên dưới trăm tuổi cả, rồi cũng lần lượt ra đi thôi...”.

Dù vậy, truyền thống ngôi trường này, nói đúng hơn là tấm gương lớp thanh niên tinh hoa thời Cách mạng Tháng Tám, trong đó có Đặng Văn Việt, sẵn sàng bỏ lại tất cả - danh vị, cuộc sống phong lưu vì với họ, Tổ quốc là trên hết - vẫn sáng mãi… 

Nguyễn Khắc Phê

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mối tình sắt son nơi đầu sóng

Bên chân sóng, trước hải trình đến quần đảo Trường Sa, tôi đã “gặp” một cuộc chia tay của đôi tình nhân đặc biệt. Họ là vợ chồng, cũng là đồng chí đồng đội, “xếp lại” tình riêng vì tình cảm lớn lao hơn…

Mối tình sắt son nơi đầu sóng
Dấu ấn người lính nơi biên cương - Kỳ 2: “Ươm mầm” ở miền biên

Nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, tạo nguồn nhân lực, tri thức trong tương lai cho địa phương; “ươm mầm” và bồi đắp tâm huyết, tình cảm, kiến thức, để con em đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), thế hệ trẻ nơi đây trở thành đội ngũ cán bộ tiếp nối, xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển, là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh tập trung đẩy mạnh, bước đầu “đơm hoa kết trái”.

Dấu ấn người lính nơi biên cương - Kỳ 2 “Ươm mầm” ở miền biên
Dấu ấn người lính nơi biên cương - Kỳ 1: Biên giới vững, nhà nhà chắc

A Lưới gắn với hình ảnh thành trì biên cương vững chãi và bình yên. Nơi dải đất tiền tiêu của Tổ quốc, Bộ đội Biên phòng ngày đêm cầm chắc tay súng, đồng thời sát cánh cùng người dân địa phương khiến đất “trở mình” phát triển và “ươm mầm” thế hệ tương lai.

Dấu ấn người lính nơi biên cương - Kỳ 1 Biên giới vững, nhà nhà chắc
Những người lính luôn vì cộng đồng

Không chỉ luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn, cán bộ, chiến sĩ Đại đội 18 Thông tin, Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tích cực tham gia hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng, góp phần giáo dục tư tưởng cán bộ, chiến sĩ đơn vị.

Những người lính luôn vì cộng đồng
“Con sẽ là người lính giống cha”

Sinh ra sau khi đất nước được hòa bình, thống nhất, nhưng được lớn lên trong “cái nôi cách mạng”, là con của những người lính can trung, họ đã luôn nỗ lực cống hiến để xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ cha ông, xứng đáng với truyền thống cách mạng của gia đình.

“Con sẽ là người lính giống cha”
Return to top