ClockChủ Nhật, 21/06/2020 17:26

Những trái tim xanh

TTH - Có ngày, ngồi ở công viên nhìn ra phía sông thấy cồn Dã Viên có một trời sắc tím. Nếu nói đường nào nhiều hoa bằng lăng ở Huế, có lẽ ngoài những con đường như Trịnh Công Sơn hay dọc đường Kim Long thì cồn Dã Viên cũng sẽ được gọi tên bởi ở đây màu tím cũng trở thành màu chủ đạo.

Thể dục bên sôngĐi bộ bên bờ sông Hương

Có lần, ngồi nói chuyện với một người bạn về Huế, bạn bảo rằng ở Huế có hai trái tim xanh. Tôi ngờ ngợ quá. Bạn từ xa đến chơi, đã đi được bao nhiêu nơi mà bảo Huế có hai trái tim. Hỏi mãi bạn cũng không chịu tiết lộ, cứ nói rằng, nếu thật sự chú ý, một ngày nào đó sẽ nhận ra.

Cuối cùng, sau một thời gian, vào một buổi chiều hoàng hôn mùa hè, khi mặt trời đổ một màu sơn đỏ lên dòng sông, trên thành quách, tôi đứng trên cầu chợ Dinh, nhìn về phía Cồn Hến, mới nhận ra Cồn Hến có hình trái tim. Hay quá. Lạ quá. Một trái tim màu xanh biếc của những vườn tre, của những vườn cây trái, của những nương bắp. Tôi đã nhiều lần đi qua Cồn Hến, đi xuống bến đò, đi dọc bờ sông vào buổi chiều thấy nắng xuyên qua những bụi tre chiếu xuống mặt sông lấp lóa. Tôi cũng đã từng đi qua Cồn Hến vào một buổi sáng sớm thiệt sớm, nhìn những lò hến làm việc để kịp chợ buổi sáng, có lần chạy sang chỉ vì đi tìm mua lon ốc gạo khi o bán ốc còn đang trộn những thau ốc tại nhà. Nhưng tôi không hề biết Cồn Hến có hình trái tim. Một trái tim xanh của Huế.

Và hôm nay, khi cồn Dã Viên được dọn dẹp sạch sẽ những cây bụi tầng thấp, đứng từ phía bên này công viên, tôi lại phát hiện ra trái tim thứ hai này.

Cồn Dã Viên trước khi được gọn gàng như bây giờ thì chỉ là địa bàn của những người thích đi câu cá, cũng có vài người xới đất biền trồng rau, trồng mướp. Bên trong có một đường mòn dẫn đến mũi cồn, nơi có những miếu thờ Thủy thần và Thánh Mẫu. Nơi những chiếc thuyền rồng lâu lâu cập bến cho những du khách ghé lên. Nơi có ông già đã bảy mươi lăm tuổi gầy tong teo hằng ngày ngồi trông miếu, ban đêm lại chèo thuyền thả lưới trên sông. Là một đứa con của vườn tược, mỗi lần đi qua cầu Bạch Hổ rồi chui xuống gầm cầu Dã Viên để đi qua cồn, tôi chỉ chú ý đến những vạt lá lốt xanh mơn mởn trên cồn, và trong đầu chỉ nghĩ đến món canh mít, canh chuối có nắm lá lốt thơm lừng trong bếp.

Nhắn tin với bạn, bảo rằng đã tìm thấy trái tim xanh của Huế mà bạn nói ngày nào. Bạn cười: “Mang tiếng hiểu Huế, yêu Huế, Tôn Nữ này nọ mà đến giờ mới tìm thấy”, nghe bạn nói tự nhiên tôi chột dạ quá. Bạn nói thêm, ngày xưa mấy ông vua rất giỏi, chọn vị trí theo phong thủy rất tài. Cứ thử hình dung sẽ thấy kinh thành Huế nằm giữa hai trái tim xanh. Tôi cười. Có khi phong thủy là một khoa học của người xưa đó. Để kiểm chứng lời bạn, sáng nay tôi mua một cốc cà phê mang ra công viên ngồi. Một hàng cây muồng hoa đào vừa được trồng dọc bờ sông. Bên kia cột cờ, nhìn lên cồn Dã Viên rồi nhìn xuống cồn Hến  thấy đúng y như lời bạn nói mà khâm phục quá người xưa.

NAM GIAO

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nắng sớm trên đồi Vọng Cảnh

Với người Huế, hầu như không ai là không nghe, không biết đồi Vọng Cảnh- Một ngọn đồi thấp tọa lạc bên dòng sông Hương thơ mộng miệt Thủy Xuân, phía Tây nam thành phố Huế.

Nắng sớm trên đồi Vọng Cảnh
Khúc serenata sông Hương

Chiều chiều, tôi hay thơ thẩn ra sông. Qua hai ngã tư đến công viên Tứ Tượng đã thấy nắng đan qua những vài những nhịp Trường Tiền.

Khúc serenata sông Hương
Sông Hương - “Bản giao hưởng” của quy hoạch đô thị Huế

Sông Hương như một “bản giao hưởng” của quy hoạch đô thị Huế. Dòng sông ấy đã mang trên mình sứ mệnh của lịch sử để ngày nay đang được bảo tồn và gìn giữ, điểm tô cho sự sang trọng của Huế. Và dòng sông ấy sẽ còn chảy tiếp theo dòng chảy của tương lai. Bảo tồn sông Hương do vậy, chính là bảo tồn “xương sống” đô thị Huế.

Sông Hương - “Bản giao hưởng” của quy hoạch đô thị Huế
Nên tổ chức đua thuyền trước công viên Trịnh Công Sơn

Lâu nay lễ hội đua thuyền cuả tỉnh và TP.Huế trong các ngày lễ được tổ chức qui mô lớn trên sông Hương đoạn trước Phu Văn Lâu. Theo tôi tổ chức đua thuyền trên khúc sông trước công viên Trịnh Công Sơn thì hợp lí hơn.

Nên tổ chức đua thuyền trước công viên Trịnh Công Sơn
Đến hẹn lại... đua

Đã thành thông lệ, đúng vào dịp kỷ niệm giải phóng 26/3, sông Hương lại dậy sóng với lễ hội đua ghe truyền thống thành phố Huế. Người Huế gọi dịp này là đua ghe 26/3 để phân biệt với lễ hội đua ghe truyền thống tổ chức vào dịp Quốc khánh 2/9, có quy mô toàn tỉnh.

Đến hẹn lại  đua

TIN MỚI

Return to top