ClockThứ Sáu, 24/10/2014 12:49

Nữ trưởng thôn Tà Ôi hiến đất xây trường học

TTH - Trưởng thôn A Năm (xã Hồng Vân, huyện A Lưới) không phải già làng hay một "mày râu" mà là một phụ nữ nhỏ nhắn với đôi mắt dịu dàng. Người phụ nữ Tà Ôi ấy đã có quyết định thấm đẫm ý nghĩa nhân văn, hiến toàn bộ đất đai của mình làm trường học, vì tương lai của thế hệ trẻ.

Vợ chồng chị Hồ Thị Phê đi làm rẫy. Trưa đứng bóng, người phụ nữ mới về, gùi củi trĩu lưng, áo đẫm mồ hôi. Chồng chị Phê ở lại trên rẫy đến cuối chiều. Nắng nóng găn gắt nhưng tịnh không bóng dáng chiếc quạt máy. Không bàn ghế. Chủ nhà mời khách ngồi trên sàn xi măng giữa nhà.

Hiến hết đất
Thửa đất rộng hơn 2.000m2 của vợ chồng chị Phê cạnh đường Hồ Chí Minh, giờ là Trường THCS Hồng Vân. Ngôi trường với những dãy lớp học tường quét vôi màu vàng như nắng ấm áp, giờ ra chơi rộn rã tiếng học trò cười đùa. Chị Phê kể, cùng với gia đình chị, một gia đình khác cũng hiến đất nên không gian ngôi trường mới rộng rãi như thế, đủ để học sinh của mấy xã về đây học.
Trên thửa đất đó, lúc trước là ngôi nhà của gia đình chị với vườn cây ăn trái. Cây mới cho trái mấy lứa đầu, cũng là lúc chị quyết định dời nhà, hiến toàn bộ đất để Nhà nước xây trường. Hỏi sao không tiếc, chị Phê trả lời không chút đắn đo: “Tiếc lắm chứ. Nhưng Đảng, Nhà nước đang cần, con em của bà con mình đang cần trường để học cái chữ, có tương lai, nên mình ủng hộ”.
Người phụ nữ dân tộc Tà Ôi kể, trước đây cha mẹ không mang họ Hồ. Vì ơn Đảng, ơn Bác Hồ thương yêu đồng bào nên cha mẹ và thế hệ con cháu đều mang họ của Người. Đã là con cháu của Bác thì phải biết làm những việc có ích cho tập thể, cho xã hội, dù mình có chịu thiệt thòi. Vậy là chồng và những người con đều ủng hộ suy nghĩ của chị Phê. Ngày dời nhà thật vất vả, bởi trước đó chồng chị Phê bị ốm nặng phải nằm viện. Chị Phê như con thoi từ bệnh viện về nhà với ngổn ngang công việc. Đang rối bời, chị thấy lòng ấm áp khi bà con trong thôn tập trung đến, mỗi người một tay. Ngôi nhà vách nứa, mái lợp tôn nhanh chóng được dựng lên trên nền đất của cha mẹ chồng.
Được tín nhiệm
Cuộc sống lại tiếp tục diễn ra bình dị với những ngày vợ chồng cần mẫn lên rẫy trồng trọt, xuống suối bắt cá. Mỗi ngày mang theo chỉ có gạo và muối, bữa trưa vợ chồng nhóm lửa thổi cơm. Mấy năm trôi qua, ngôi nhà được cải tạo vững chãi hơn trước gió bão, nhưng cuộc sống vẫn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Ấy vậy mà, chị Phê nói về điều đó nhẹ lâng. Thời gian thôn A Năm xây dựng nhà truyền thống, chồng chị Phê đóng góp công sức suốt một năm ròng, cho đến lúc ngôi nhà hoàn thành. Gánh thêm phần công việc nặng nhọc của chồng, vất vả nhân thêm nhiều lần, nhưng người phụ nữ nhỏ bé ấy vẫn khích lệ chồng làm thật tốt công việc của thôn, của tập thể. Phải xây nhà truyền thống là góp phần để sau này thế hệ con cháu không quên nguồn cội.
Chúng tôi tò mò hỏi xã Hồng Vân có nhiều phụ nữ làm trưởng thôn? Chị Phê “bẽn lẽn” bảo ít lắm, có thêm một chị ở thôn khác, còn toàn là đàn ông gánh vác công việc này. Chị chẳng “ăn to nói lớn” được, nhưng đồng bào tín nhiệm thì chị cứ “lặng lẽ” mà làm thôi. Với công việc của một trưởng thôn, chị Phê nhiều đêm phải lặn lội đến từng gia đình để vận động, tuyên truyền về chính sách của Nhà nước. Nhưng có lẽ chỉ cần những lời nói rất giản dị mộc mạc, nhưng hành động thiết thực đầy ý nghĩa, vì cái chung, người nữ trưởng thôn đã tạo được sự tín nhiệm vững chắc trong lòng người dân, để họ thực hiện tốt những chủ trương của Nhà nước, thực hiện nghĩa vụ của một công dân, góp phần vào việc phát triển kinh tế, xã hội…
Bài và ảnh: Quỳnh Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhiều mô hình hay

Bằng những cách làm sáng tạo trong thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Quảng Điền đã huy động được sự vào cuộc, tham gia hưởng ứng tích cực của cán bộ, hội viên và các tầng lớp nhân dân xây dựng nhiều mô hình, chương trình hỗ trợ, đỡ đầu cho trẻ em, phụ nữ có hoàn cảnh yếu thế trong xã hội.

Nhiều mô hình hay
Chăm lo đời sống hội viên

Hội viên khó khăn có nguồn lực vươn lên, hội viên nghèo luôn nhận được sự giúp đỡ, quan tâm. Đó là kết quả mà Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Quảng Phú (huyện Quảng Điền) đã và đang có được nhờ những cách làm hay như xây dựng các nguồn quỹ, kết nối các mạnh thường quân để kịp thời giúp đỡ, đồng hành cùng hội viên.

Chăm lo đời sống hội viên
Tránh mắc vào cạm bẫy

Để mỗi phụ nữ, trẻ em, nhất là phụ nữ vùng cao, biên giới không là nạn nhân của vấn nạn buôn bán người, bóc lột sức lao động, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức để phụ nữ tự bảo vệ mình trước những nguy cơ, vấn nạn đó.

Tránh mắc vào cạm bẫy

TIN MỚI

Return to top