ClockThứ Sáu, 23/07/2021 18:57

Nuôi thủy sản bền vững ở rú Chá

TTH - Tận dụng lợi thế rừng ngập mặn (RNM) rú Chá rộng hơn 10 ha, ngành nông nghiệp hỗ trợ người dân nuôi trồng thủy sản (NTTS) theo hướng bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu BĐKH)...

Nuôi thủy sản xen ghép ở rú Chá

Cán bộ khuyến nông kiểm tra thủy sản nuôi tại RNM rú Chá

Ông Đặng Duy Đấu ở xã Hương Phong (TP. Huế) có thâm niên NTTS trên đầm phá Tam Giang từ hơn 20 năm nay. Khi nguồn nước đầm phá còn ổn định, phong trào NTTS chưa ồ ạt thì hầu như năm nào ông Đấu và các hộ đều có lãi. Không ít hộ nghèo ở Hương Phong bỗng phất lên làm giàu nhờ nuôi tôm, cá, cua.

Chừng 10 năm trở lại đây, phong trào NTTS vùng đầm phá Hương Phong phát triển mạnh nhưng tự phát, dẫn đến môi trường vùng nuôi bị ô nhiễm. Các đối tượng nuôi, nhất là tôm sú thường xuyên dịch bệnh, chết, người dân thua lỗ triền miên. Dù sau này ông Đấu và người dân chuyển sang nuôi xen ghép, hạn chế dịch bệnh nhưng vẫn thiếu bền vững, nhiều vụ chỉ hòa vốn hoặc lãi rất thấp.

Theo ông Đấu, ở vùng đầm phá mà không NTTS thì lãng phí, thậm chí khó có nghề nào thay thế, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, do NTTS thiếu bài bản trong điều kiện BĐKH khiến nghề NTTS trên vùng đầm phá không bền vững, nhiều vụ thua lỗ. Điều mà người dân cần lúc này là sự hướng dẫn, hỗ trợ giải pháp đầu tư nuôi hợp lý, hiệu quả của cơ quan chức năng trước tiềm năng, lợi thế vốn có.

Trong lúc đang gặp khó khăn, năm vừa qua, Trung tâm Khuyến nông (TTKN) tỉnh đã triển khai chương trình hỗ trợ xây dựng mô hình NTTS trên khu vực RNM rú Chá, xã Hương Phong. Mô hình theo phương thức nuôi xen ghép tôm sú, cá đối mục, cua trên diện tích 4 ha, với 6 hộ tham gia. Các hộ nuôi thông qua việc đấu mặt nước, đồng thời được tuyển chọn có kinh nghiệm, năng lực trong quá trình NTTS. Mỗi hộ tham gia nuôi được hỗ trợ 95 triệu đồng/năm.

Theo đánh giá của người dân, áp dụng quy trình kỹ thuật dưới sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông tỉnh, cùng với lợi thế môi trường, nguồn nước tại RNM rú Chá ổn định nên tôm, cá đối và cua phát triển tốt. Thời gian sinh trưởng đến khi thu hoạch được rút ngắn chỉ trong vòng bốn tháng, trong khi so với mô hình thông thường của người dân phải mất 6-7 tháng mới thu hoạch.

Ông Đấu chia sẻ, NTTS trong RNM tương đối thuận lợi, hạn chế rất lớn chi phí đầu tư nhờ môi trường tự nhiên, các đối tượng nuôi có thể ăn rong tảo, phù du. Quá trình nuôi không xảy ra dịch bệnh, tỷ lệ giống bị hao hụt khá thấp. Kích cỡ và trọng lượng tôm thương phẩm đạt trung bình 18-20g/con, cua đạt trọng lượng 200-230g/con. Riêng cá đối mục đạt trọng lượng khá cao 300-350g/con, tỷ lệ sống ước 70-75%... Qua kiểm tra, đánh giá của TTKN và người dân, bình quân mỗi ha lãi 30-40 triệu đồng.

Giám đốc TTKN tỉnh, ông Châu Ngọc Phi cho rằng, việc phát triển trồng RNM không chỉ chắn sóng, gió mà còn có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ đê điều, hạn chế xói lở do mưa bão, giảm thiểu ảnh hưởng tác động của BĐKH. Đây chính là điều kiện thuận lợi, ưu đãi cho việc phát triển NTTS, đồng thời hình thành các bãi đẻ tự nhiên cho các loài sinh vật thủy sản, góp phần tái tạo và phục hồi nguồn lợi thủy sản.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hương Phong, ông Trần Viết Chức đánh giá, mô hình NTTS xen ghép tại RNM rú Chá thật sự hiệu quả, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Hiệu quả bước đầu của mô hình mở ra cơ hội cho địa phương nhân rộng, phát huy lợi thế RNM nhằm tạo sinh kế cho người dân sống phụ thuộc vào nuôi trồng và đánh bắt thủy sản trên vùng đầm phá Tam Giang.

Theo các chuyên gia môi trường, RNM có vai trò sinh thái, môi trường vô cùng to lớn, điều hòa khí hậu trong vùng, làm khí hậu dịu mát hơn, giúp hạn chế sự bốc hơi nước vùng đất RNM, giữ ổn định độ mặn lớp đất mặt, hạn chế sự xâm nhập mặn vào đất liền. Điều đó tạo điều kiện tốt cho NTTS, nhất là tôm, cua, cá. Thành công từ mô hình nuôi thủy sản tại RNM rú Chá sẽ được nghiên cứu, nhân rộng tại các vùng RNM trên hệ thống đầm phá Tam Giang-Cầu Hai.

Bài, ảnh: Hoàng Thế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm bền vững

Ngày 15/3, UBND tỉnh phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Cục Việc làm, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Trung tâm Lao động ngoài nước, thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), cùng các sở, ban, ngành, đơn vị, doanh nghiệp... liên quan trên địa bàn tổ chức hội nghị "Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và giải quyết việc làm bền vững".

Giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm bền vững
Giảm nghèo bền vững từ Chương trình mục tiêu Quốc gia

A Lưới tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, có hiệu quả các nguồn vốn từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG). Huy động các nguồn lực để đẩy mạnh tiến độ xóa nhà tạm, phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm xuống dưới 12,01%.

Giảm nghèo bền vững từ Chương trình mục tiêu Quốc gia
HỆ SINH THÁI THƯƠNG MẠI BỀN VỮNG:
Con đường phục hồi tốt nhất của ASEAN

Trong nhiều thập kỷ, các quốc gia trên toàn thế giới, nhất là ở khu vực châu Á đã chứng kiến những lợi ích to lớn từ toàn cầu hóa. Thương mại đã thúc đẩy các nền kinh tế và sinh kế, giúp hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo.

Con đường phục hồi tốt nhất của ASEAN

TIN MỚI

Return to top