ClockThứ Năm, 09/09/2021 06:45

Phập phồng tìm chỗ gửi con

TTH - “Thị trường” giữ trẻ tại nhà có dịp “ăn nên, làm ra” xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh. Tuy nhiên, an toàn cho trẻ cũng là câu chuyện được đặt ra, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

Giáo viên mầm non ngoài công lập: Chật vật giữ nghề trong dịchGiữ trẻ trong thời gian nghỉ hè: Tùy thỏa thuận giữa phụ huynh với nhà trường

Trẻ em phải được đảm bảo an toàn khi đến trường trong mùa dịch

Nhu cầu giữ trẻ tăng cao

Sáng đi làm, thấy đồng nghiệp mặt cứ rầu rầu, hỏi chuyện thì cô nàng nhúng nhắng, hai vợ chồng em nghỉ hết phép rồi mà chừ trường học đóng cửa không biết gửi con đi mô, ông bà nội ngoại đều ở các vùng phong tỏa nên không giúp chi được. Thời điểm này mà gửi con đến nhà ai chơi, họ cũng không ưa vì sợ lây nhiễm COVID-19.

Đề tài gửi con ở đâu để đi làm không còn là chuyện của riêng ai khi nhiều người cứ nháo nhác hỏi, bao giờ trường mầm non đón cháu? Có cách chi để gửi trẻ an toàn?

Hỏi chuyện một cô giáo quản lý nhóm trẻ độc lập tư thục, liệu nhà trường có giữ cháu khi nhu cầu tăng cao, ít nhất là các em ở độ tuổi nhà trẻ. Cô lắc đầu nguầy nguậy, phụ huynh họ yêu cầu nhưng dịch giã không đùa được đâu, vừa mất an toàn, vừa vi phạm quy định, chính quyền địa phương có thể đến kiểm tra, xử phạt bất cứ lúc nào. Một vòng quanh thành phố, điều nhận ra là các trường công lập, tư thục, nhóm trẻ gia đình đều đóng cửa.

Phụ huynh càng lo lắng  khi biết tin con sẽ kéo dài kỳ nghỉ hè. Với tâm trạng cần người giữ con để đi làm, tôi được một người bạn “mách nước”, có hai vợ chồng về hưu nhận giữ trẻ uy tín. Tôi tìm đến nhà bà L. ở phường V.,  nhà bà có nhiều phòng, phòng nằm xa nhất khoảng chừng 15m2 trở thành nơi “sinh hoạt” của 6 cháu từ 2 đến 4 tuổi. Bà kể vanh vách lý lịch của từng em, chí ít để tôi yên tâm về yếu tố dịch tễ. Bà bảo, giữ trẻ trong mùa dịch lo đủ kiểu, vừa phải đảm bảo môi trường sạch sẽ, an toàn, ăn uống đủ chất, hợp vệ sinh cho các cháu, còn lo chính quyền địa phương đến kiểm tra bất cứ lúc nào nên giờ trả trẻ được quy định theo khung giờ để tránh tụ tập đông người.

Ai cũng có thể là người giữ trẻ

Trong buổi chiều đi tìm người giữ trẻ, tôi phát hiện ra, nhóm trẻ như nhà bà L. không nhiều và khéo léo ngụy trang để không bị phát hiện. Bởi lẽ, gia chủ sợ chính quyền địa phương xử phạt và ngay phụ huynh cũng không muốn gửi con ở nhóm trẻ có quá đông cháu. Thế nên, có nhiều lao động thất nghiệp có nhu cầu đổi nghề nên sẵn sàng “tiếp thị” khi tôi ngỏ ý tìm người giữ trẻ. Từ chị gội đầu, bác bán quán và một số tiểu thương nghỉ bán mấy tháng nay cũng có nhu cầu trông trẻ.

Không cần qua trường lớp, nghiệp vụ, họ sẵn sàng giữ từ 1 đến 2 cháu theo nhu cầu. Trong lúc này, chỉ cần có người trông trẻ đã là quá tốt nên phụ huynh không kỳ vọng về việc dạy trẻ. Còn chuyện có an toàn mùa dịch cho con hay không, họ cũng dừng ở mức độ tin tưởng là chính, chỉ cần người giữ trẻ khai báo là “không đi đâu xa” là cảm thấy yên tâm. Giãi bày về việc đổi nghề theo dịch, chị H. bán hàng xén kể, chừ buôn bán ế ẩm quá, tui cũng ưa giữ một bé để có tiền trang trải. Quanh đây nhiều người vẫn được phụ huynh gửi cháu, nhưng thường thì từ 1 đến 2 trẻ với mức phí thỏa thuận khoảng 2 triệu đồng/em/tháng, chị H. tiếp lời.

Hỏi cô đồng nghiệp đã tìm ra người giữ trẻ chưa, cô bảo, trong nhiều phương án, em chấp nhận giá 3 triệu đồng/tháng để họ về giữ con tại nhà. Cháu mới 28 tháng tuổi, đem đi gửi ở các nhóm trẻ em thấy không yên tâm. Còn cô bạn khác lại khoe, em gặp may khi nhờ được một cô giáo mầm non mới ra trường về giữ 4 đứa cháu trong nhà, làm theo giờ hành chính nên trước mắt tạm ổn về khâu quản con cái đã.

Cô Hồ Thị Ngọc Như, Phó Trưởng phòng GD&ĐT TP. Huế cho biết, toàn TP. Huế có 137 cơ sở độc lập tư thục, phòng cũng thường xuyên kiểm tra, còn xử phạt, nhắc nhở thuộc các địa phương quản lý. Thời điểm này, vẫn còn một số điểm giữ trẻ lẻ, nhỏ hoạt động, song rất khó kiểm soát. Thế nên, phụ huynh cần kỹ hơn nữa trong việc cho con tiếp xúc người lạ, nhất là những người đi từ vùng dịch về. Không cẩn thận sẽ bùng phát dịch.

Giữ trẻ trong mùa dịch quan trọng là phải đảm bảo an toàn, đó cũng chính là vấn đề đặt ra khi các cơ sở mầm non, nhóm trẻ gia đình hoạt động. Theo quy định, người giữ trẻ phải tuân thủ quy tắc 5K và khai báo y tế, tuy nhiên, chuyện giữ trẻ tự phát rất khó khăn trong phòng, chống dịch. Người giữ trẻ không nắm được lịch trình của phụ huynh và ngược lại. Thế nên, giải pháp tình thế trong lúc này, các gia đình nên chọn người thân, người quen để giao con cho họ chăm sóc, chí ít sẽ đỡ phập phồng lo âu khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

COVID-19 khiến tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm 1,6 năm

Một nghiên cứu quy mô lớn vừa công bố sáng nay (12/3) cho biết đại dịch COVID-19 đã khiến tuổi thọ trung bình của người dân trên toàn thế giới giảm 1,6 năm trong 2 năm đầu tiên của đại dịch, một mức giảm nghiêm trọng hơn so với trước đây.

COVID-19 khiến tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm 1,6 năm
Nỗi niềm nhân viên cấp dưỡng

Công việc vất vả nhưng lương thấp, nhân viên cấp dưỡng ở các trường mầm non mong muốn được các cấp quan tâm về chính sách để cải thiện thu nhập, đảm bảo đời sống.

Nỗi niềm nhân viên cấp dưỡng
Return to top