ClockThứ Tư, 19/05/2021 08:46

Rủi ro khi phụ thuộc quá lớn vào một thị trường

Kết nối các thị trường quốc tế

4 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu rau củ quả của Việt Nam tăng đến 9,5% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trị tuyệt đối thu về đạt 1,35 tỷ USD (số liệu từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản – Bộ NN&PTNT).

Số liệu thống kê cũng cho thấy, nhiều loại rau quả giá cả tăng cao nên người nông dân thu lãi lớn. Giá dứa có thời điểm tăng gấp đôi so với năm trước. Người trồng thanh long ruột đỏ, thu lãi hơn 100% so với giá thành; nhiều loại trái cây khác như dừa, xoài… Nhờ giá tăng mạnh nên người nông dân trồng ra các loại sản phẩm này rất phấn khích.

Được mùa được giá thì vui chứ chẳng sao. Nhưng trong niềm vui ấy cũng có những điều đáng lo ngại.

Nền nông nghiệp của chúng ta về cơ bản là một nền nông nghiệp nhỏ lẻ, dù quy mô lớn hay nhỏ chủ yếu là đi lên từ hộ gia đình, cho nên quy trình kỹ thuật và sản phẩm làm ra thiếu sự đồng nhất về chất lượng. Cùng với đó là yếu về khâu sơ chế, lưu trữ… cho nên chủ yếu tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu phần lớn là ở dạng nguyên liệu “thô”. Các loại rau quả là những thứ dễ hư hỏng, nhanh xuống về chất lượng, không làm tốt các khâu sơ chế và lưu trữ làm tăng thêm độ rủi ro cho hàng nông sản. Chúng ta không lạ gì chuyện giải cứu hàng nông sản ở Việt Nam. Vụ đông xuân vừa rồi, nhờ thời tiết thuận lợi, nhiều loại rau và quả (bầu, bí, mướp đắng, ớt) rẻ như cho. Rau cải có thời điểm chỉ có 1.000 đồng/kg, ớt 5 -6.000 đồng/kg… nhiều ruộng rau, ớt bà con trên địa bàn tỉnh cũng bỏ, không thu hoạch vì cố thu hoạch cũng không “chạy công”.

Một cái lo nữa, là bà con nông dân của chúng ta thường đi sau thị trường và vì sản xuất nhỏ lẻ nên rất ít ai biết được dung lượng thị trường, tức là điểm bão hòa. Vì vậy, thường rơi vào tình trạng, hễ thấy mặt hàng nào được giá, có khi giá rất cao so với giá thành sản xuất, thế là mọi người cùng lao vào làm đồng nhất một mặt hàng. Sản xuất nhưng không biết tiêu thụ ở đâu, như thế nào cho nên hết sức bị động. Trồng dưa hấu rất có lợi, trồng cà chua cũng vậy. Nhưng khi trồng nhiều, vì một lý do nào đó, chẳng hạn như thị trường Trung Quốc giảm sức tiêu thụ, ngay lập tức dưa rớt giá không phanh. Chuyện này không hề mới, đã từng diễn ra, như cơm bữa nhưng chưa có cách nào khắc phục hiệu quả!

Đã vậy, hàng rau quả của Việt Nam lại phụ thuộc quá lớn vào một thị trường – thị trường Trung Quốc.

Đúng là làm ăn với một thị trường có sức tiêu thụ lớn như Trung Quốc cũng “sướng” thật. Sức tiêu thụ rất mạnh. Cũng số liệu thống kê xuất khẩu rau quả 4 tháng đầu năm 2021 của Việt Nam cho thấy, Trung Quốc chiếm đến 64,7% thị phần. Chúng ta cứ hình dung, nếu vì một lý do nào đó thị trường này “trục trặc” thì sao. Hàng đã dội chợ lại yếu về công tác sơ chế và bảo quản thì điều gì diễn ra, chúng ta có thể đoán biết được.

Thị trường Trung Quốc được cho là thị trường dễ tính, nghĩa là không đòi hỏi quá cao về chất lượng. Một khi hàng tồn ứ, muốn xoay chuyển sang một thị trường khác, như EU chẳng hạn - được cho là rất khắt khe về chất lượng là điều không hề dễ.

Có thời điểm hàng rau quả của Việt Nam được giá nhưng chưa vội mừng là vì vậy. Thiếu sự kết nối trong các khâu và vì vậy cũng phát triển thiếu bền vững.

Tân Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan mới vừa giữ chức này trong thời gian chưa dài, nhưng ông đã nhiều lần nhấn mạnh về việc thay đổi tư duy nhận thức về nông nghiệp. Ông bảo: “Đừng xem nông nghiệp là ngành nông nghiệp, là ngành kỹ thuật trồng trọt mà phải xem nông nghiệp ngành kinh tế, trong đó không chỉ có năng suất, chất lượng mà còn có cả bài toán về chi phí, thị trường, chế biến, phân phối…”.

Nguyên Lê

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chặn sim rác ra thị trường

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) yêu cầu từ sau ngày 15/4, các doanh nghiệp viễn thông chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu trên thị trường còn xuất hiện sim được phát triển mới không đúng quy định.

Chặn sim rác ra thị trường
Giá vàng sáng 16/4

Tính đến 6 giờ 15 phút sáng ngày 16/4, giá vàng SJC, vàng nhẫn niêm yết tại các công ty vàng như sau:

Giá vàng sáng 16 4
Hạn chế rủi ro thuế khi phát sinh giao dịch liên kết

Giao dịch liên kết là một trong những vướng mắc gặp phải của các kế toán doanh nghiệp trong quyết toán thuế năm 2023. Vì thế, ngoài hướng dẫn xác định giao dịch liên kết và các quy định liên quan, cơ quan thuế yêu cầu doanh nghiệp cần hiểu và nắm được nội dung phải kê khai giao dịch liên kết để hạn chế rủi ro khi kê khai, quyết toán thuế.

Hạn chế rủi ro thuế khi phát sinh giao dịch liên kết

TIN MỚI

Return to top