ClockChủ Nhật, 05/06/2016 09:26

Say Parkour

TTH - Để đến với parkour các bạn trẻ phải vượt qua những khó khăn, thách thức và cả sự ngăn cản từ phía gia đình.

Kiên trì tập luyện

Du nhập vào Việt Nam khoảng độ chục năm, thế nhưng bộ môn này vẫn còn lạ lẫm với giới trẻ Huế. Tuy vậy, vẫn có nhóm bạn trẻ đam mê, đến với thể loại lần đầu tiên xuất hiện trên thế giới cuối những năm 1980.

Biểu diễn trên đường phố

Con trai tập parkour được gọi là traceur, con gái tập parkour được gọi là traceuses. David Belle là người phát minh bộ môn thú vị này từ khi còn là một thiếu niên ở ngoại ô Lisse của Paris (Pháp). Đến khi đài BBC công bố đoạn phim tư liệu mang tên “Giờ cao điểm” mô tả chi tiết bộ môn này thì nó mới được giới thiệu rộng rãi và nhanh chóng phổ biến trên toàn thế giới.

Sau một cái hẹn, chúng tôi được gặp các thành viên nhóm ZipPass Crew trong giờ tập luyện của họ tại Trung tâm Thể thao Huế. Phòng tập được bày trí khá đơn giản, gồm một bục gỗ cao chừng hơn 1m, 3 chiếc lốp xe ô tô, tấm thảm và một nệm phao hỗ trợ khi tiếp đất. Hàng tuần, các thành thành viên của nhóm ZipPass Crew đến phòng tập 4 buổi để rèn luyện những động tác cơ bản như, monkey, lazy, precision, roll. Hoàng Như Quang (sinh viên năm 1 Trường cao đẳng Sư phạm Huế) trưởng nhóm cho biết: “Parkour là môn thể thao đường phố du nhập vào Huế năm 2010. Em đến với bộ môn này qua những lần tình cờ xem các clip trên internet, vì thích thú nên đam mê, sau đó tự tìm tòi, học hỏi và cùng một số bạn lập nên nhóm để trao đổi, tập luyện, biểu diễn. Muốn thành thạo bộ môn này để có thể đi biểu diễn, mỗi thành viên phải rèn luyện gần cả năm trời”.

Theo Quang, để theo đuổi parkour, các bạn trẻ chỉ cần trang bị cho mình một đôi giày có độ bám tốt và bộ trang phục đủ rộng, thỏa mái và quan trọng hơn hết là niềm đam mê với trò thể thao mạo hiểm. “Tuy mọi người nghĩ đây là bộ môn mạo hiểm, nhưng với riêng em thì nó không quá nguy hiểm. Những ai theo đuổi parkour thường mục đích nhằm tăng cường sức khỏe, rèn luyện sự khéo léo, linh hoạt, đặc biệt là muốn thử cảm giác mạnh. Và người chơi bộ môn này sẽ trở nên năng động hơn”, Quang chia sẻ.

Đánh đổi

Ở Huế, parkour chưa được nhiều người biết đến, có chăng chỉ là niềm đam mê riêng của số bạn trẻ. Nhưng những vật cản “vô hình” và sự nguy hiểm mà trò thể thao này mang lại khiến cho gia đình, người thân không hề khuyến khích các bạn trẻ theo đuổi parkour. Huỳnh Thị Thanh Hằng, cô gái duy nhất trong nhóm ZipPass Crew tâm sự: “Em thích parkour và đã học 6 tháng rồi. Bây giờ những động tác cơ bản gần như nắm vững. So với các bạn trai, con gái theo parkour vất vả hơn vì thể lực thua thiệt. Đến nay, em vẫn chưa nói cho gia đình biết đang học parkour, nếu nói ra em sợ gia đình ngăn cản”.

Các thành viên trong nhóm ZipPass Crew đều thừa nhận, parkour là một môn thể thao nghệ thuật mạo hiểm, trong tập luyện hay biểu diễn rất dễ gặp chấn thương và có lúc để đánh đổi một cú santo, nhào lộn đẹp mắt là những ca chấn thương đau đớn. Lê Minh Nhật chỉ vào vết sẹo ở chân còn nguyên nói: “Chuyện bong gân, trật khớp trong lúc tập luyện là bình thường. Vừa rồi, trong một lần biểu diễn, em gặp chấn thương khá nặng. Hay như trường hợp của anh Huy vào năm 2013, chỉ vì cố gắng thức hiện động tác back flip (lộn lui) thật đẹp mắt nên bị gãy tay phải bắc vít. Theo môn này cần có quyết tâm, bản lĩnh để chinh phục những thử thách mới”.

Đến với parkour, mặc dù đánh đổi niềm đam mê bằng những lần chấn thương nặng nhưng nhóm bạn trẻ ở Huế hiếm khi được biểu diễn tại các sân chơi lớn. Hoàng Như Quang thừa nhận: “Tại Huế dường như hơi khắt khe, chưa thực sự được đón nhận parkour nồng nhiệt. Ngay cả gia đình, người thân đa số đều không ủng hộ tụi em theo đuổi môn thể thao nghệ thuật này. Tuy nhóm thành lập được 6 năm, nhưng mỗi năm thường biểu diễn có tổ chức khoảng 2-3 lần. Tụi em thường biểu diễn miễn phí cho trẻ em vào các dịp Trung thu, ngày Quốc tế thiếu nhi hay biểu diễn từ thiện ở một số trung tâm. Ngoài ra, Huế không có nhiều địa điểm lý tưởng để dân parkour có thể thi triển hết tài năng nên ngoài những buổi tập luyện, để thỏa đam mê những địa điểm như, cầu Trường Tiền, phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu hay các công viên trên địa bàn thành phố là nơi tụi em thường biểu diễn. Khi xem các thành viên trong nhóm ZipPass Crew trình diễn, khán giả rất thích thú nên không chỉ riêng em, những ai đam mê parkour hi vọng mọi người sẽ có cách nhìn nhận tích cực hơn vì bộ môn này đã phổ biến từ lâu trên thế giới”.

Parkour có thể được xem là một môn thể thao mạo hiểm mang tính nghệ thuật, những “tín đồ” theo bộ môn này phải tìm cách vượt qua những chướng ngại vật, hay những khoảng không bằng những động tác, chuyển động khéo léo, điêu luyện như, leo trèo, chạy, nhún, nhảy… Người biểu diễn cần tập trung cao độ, tinh tế để có thể vượt qua các vật cản. “Parkour có hai loại: thứ nhất là parkour đơn thuần chỉ di chuyển vượt qua các chướng ngại vật, loại thứ hai là freerunning (chạy tự do), nghĩa là sử dụng những động tác nhào lộn vượt qua các vật cản một cách đẹp mắt nhất. Vậy nên, những nơi biểu diễn địa hình thường hiểm trở, có nhiều chướng ngại vật. Ai theo đuổi bộ môn này cũng cần kiên trì tập luyện và niềm đam mê”, Lê Minh Nhật (17 tuổi, 4 năm theo đuổi parkour) cho biết.

Bài, ảnh: QUỲNH VIÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế

Hội thi tuyên truyền lưu động kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2024) do Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức sau khi đi qua nhiều tỉnh, thành đã đến Huế trình diễn vào tối 21/4 tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh, 41A Hùng Vương, TP. Huế.

Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế
Hy vọng cho đá cầu Huế

Khởi đầu thành công ở giải đấu đầu tiên, đá cầu Thừa Thiên Huế tiếp tục hy vọng sẽ có được những thành tích cao trong năm 2024 này. Đặc biệt hơn khi Thừa Thiên Huế vinh dự được chọn làm đơn vị đăng cai tổ chức Giải vô địch Đá cầu châu Á 2024.

Hy vọng cho đá cầu Huế
Đồng hành với nhà đầu tư Hàn Quốc đến Huế

Hàn Quốc là một trong những nhà đầu tư lớn tại Thừa Thiên Huế. Hiện, nhiều doanh nghiệp của Hàn Quốc đã đầu tư có hiệu quả tại tỉnh. Cùng với đó, một số dự án đang trong giai đoạn nghiên cứu đầu tư, hứa hẹn sẽ mở ra những cơ hội mới.

Đồng hành với nhà đầu tư Hàn Quốc đến Huế

TIN MỚI

Return to top