ClockThứ Ba, 14/02/2023 06:32

Sẽ xử lý nghiêm các ngân hàng ép khách hàng mua bảo hiểm

TTH - Việc các ngân hàng dùng nhiều chiêu thức “ép” khách hàng phải mua bảo hiểm mới cho vay vốn khiến nhiều người không khỏi bức xúc. Một số vì “bất đắc dĩ” chấp nhận mua bảo hiểm để được vay vốn...

Hiểu lầm khi so sánh bảo hiểm với ngân hàngNgười gửi tiền được bảo hiểm trước các rủi ro phát sinh

Lựa chọn ngân hàng uy tín để giao dịch là cách hạn chế tình trạng ép mua bảo hiểm nhân thọ (Ảnh minh họa)

Khuyến khích hay “ép”?

Có nhu cầu vay vốn để mua đất cho con gái nên chị Đ.Q. A tìm đến nhân viên tư vấn của Ngân hàng A. để thực hiện thủ tục vay vốn. Khi liên hệ vay vốn và hoàn tất công tác định giá, chị quyết định vay 650 triệu đồng. Theo tư vấn của cán bộ tín dụng tên N.A, muốn vay vốn khách hàng phải làm 1 thẻ tín dụng với hạn mức 10 triệu đồng; phát hành hợp đồng bảo hiểm nhân thọ với số tiền 15 triệu đồng. Khi được hỏi nếu không ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thì sao, nhân viên tín dụng này chia sẻ, nếu không mua bảo hiểm thì việc xét duyệt hồ sơ sẽ chậm và phải đợi, vì ngân hàng đang ưu tiên giải ngân cho những người có ký hợp đồng bảo hiểm trước.

Theo chị Đ.Q.A, cán bộ tín dụng cũng khẳng định là không bắt buộc mua bảo hiểm nhân thọ, nhưng lại khẳng định nếu không mua thì khách hàng phải đợi mà thời gian đợi thì không biết bao giờ. Điều này không khác gì ép buộc khách hàng muốn giải ngân vốn sớm thì phải mua bảo hiểm.

Mặc dù rất khó chịu, nhưng nghĩ đến chuyện phiền hà khi phải tìm đến ngân hàng khác hay ngồi “đợi” ngân hàng ưu tiên cho các hồ sơ có hợp đồng bảo hiểm, trong khi, bản thân đang cần gấp tiền để thanh toán nên tôi buộc phải mua bảo hiểm nhân thọ để ngân hàng sớm giải ngân khoản vay, chị A. bộc bạch.

 Không riêng gì chị A.,  rất nhiều người chia sẻ cùng chúng tôi những câu chuyện đại loại “chỉ có mua hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, sếp mới duyệt hồ sơ nhanh”. Và thực tế cũng rất nhiều người phải “ngậm ngùi” chấp nhận vay vốn kèm theo mua bảo hiểm nhân thọ. Tuy nhiên, cũng không ít khách hàng sau khi tìm hiểu về điều khoản vay vốn quyết định tìm đến các ngân hàng khác, thay vì cứ “đâm đầu” vào những ngân hàng đưa ra các yêu cầu “bán bia kèm lạc”.

Chị T.H cho rằng, không phải ngân hàng nào cũng ép khách hàng phải mua bảo hiểm nhân thọ khi vay vốn. Vì thế, nên lựa chọn những ngân hàng uy tín, tôn trọng khách hàng để giao dịch. Bản thân khách hàng nếu chứng minh được hiệu quả dòng tiền thì tôi nghĩ không ngân hàng nào “để xổng” khách hàng này chỉ vì một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.

Cần có bằng chứng để xử lý

Thực tế, không có quy định nào bắt buộc người vay vốn ngân hàng phải mua bảo hiểm nhân thọ. Hay nói cách khác, khách hàng không phải mua bảo hiểm nhân thọ khi vay vốn tại các ngân hàng. Điều này cũng được pháp luật về kinh doanh bảo hiểm quy định rất rõ trong các nguyên tắc, quyền, nghĩa vụ của các bên liên quan trong kinh doanh và khai thác bảo hiểm nhằm đảm bảo việc tham gia bảo hiểm là tự nguyện, trên cơ sở nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng.

Ngoài ra, theo Nghị định 98/2013/NĐ được sửa đổi bởi Nghị định 48/2018/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, hành vi ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức sẽ bị phạt tiền từ 40 – 50 triệu đồng; đình chỉ hoạt động từ 2 đến 3 tháng.

Liên hệ với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh để có những trao đổi xung quanh câu chuyện ngân hàng “ép” khách hàng vay vốn mua bảo hiểm, Giám đốc NHNN Phạm Bá Nam chia sẻ, thời gian qua NHNN tỉnh cũng đã nghe thông tin liên quan đến nội dung này. Tuy nhiên cho đến nay, NHNN tỉnh chưa nhận được đơn thư phản ảnh, khiếu nại hay đơn tố cáo chính thức từ phía khách hàng liên quan đến việc các ngân hàng “ép” người dân phải mua bảo hiểm mới cho vay vốn.

Là cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động tiền tệ, ngân hàng, NHNN tỉnh cũng đã có các biện pháp quản lý, chấn chỉnh, chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn về hoạt đông kinh doanh đại lý bảo hiểm. Trong năm 2022 và từ đầu năm 2023 này, Giám đốc NHNN tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo liên quan đến hoạt động nghiệp vụ môi giới bảo hiểm, đại lý bán bảo hiểm của các TCTD. Trong các công văn đều nêu rõ nghiêm cấm nhân viên ngân hàng có hành vi ép buộc khách hàng mua thêm sản phẩm bảo hiểm do các công ty bảo hiểm cung cấp khi khách sử dụng sản phẩm dịch vụ của ngân hàng.

Trường hợp khách hàng “bị” các ngân hàng yêu cầu phải tham gia bảo hiểm mới cho vay vốn”, Giám đốc NHNN yêu cầu khách hàng thu thập chứng cứ chứng minh và phản ánh đến NHNN tỉnh. Là cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động tiền tệ, ngân hàng trên địa bàn, chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý theo đúng quy định pháp luật đối với hành vi vi phạm của ngân hàng/nhân viên ngân hàng.

Để hạn chế tình trạng bị “ép” mua bảo hiểm nhân thọ khi giao dịch với ngân hàng, trong quá trình làm việc với cán bộ tín dụng; cán bộ thẩm định, xét duyệt hồ sơ vay, khách hàng nên khéo léo thu thập bằng chứng hoặc ghi âm các lời “ép buộc” mua BHNT. Sau đó, gửi đơn và tập hợp những bằng chứng này về chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh làm cơ sở xử lý nghiêm các trường hợp ngân hàng vi phạm. Ngoài ra, nếu hồ sơ pháp lý tốt, tài sản đảm bảo phù hợp khách hàng không nhất thiết phải chọn một ngân hàng chuyên “bán bia kèm lạc” mà có nhiều sự lựa chọn hơn trong các giao dịch tín dụng.

 Hoàng Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hài hòa mục tiêu tăng trưởng & chất lượng tín dụng

Khó khăn kinh tế đang tạo nên áp lực không nhỏ các cho tổ chức tín dụng khi nguy cơ nợ nhóm 2 (khoản nợ được đánh giá có khả năng thu hồi đầy đủ cả nợ gốc và lãi nhưng khách hàng có dấu hiệu suy giảm khả năng trả nợ) và nợ tiềm ẩn nợ xấu tăng mạnh tạo nên những rủi ro trong an toàn hệ thống tín dụng.

Hài hòa mục tiêu tăng trưởng  chất lượng tín dụng
TÀI CHÍNH TOÀN DIỆN:
Để không có vùng trắng tín dụng

Tăng khả năng tiếp cận tín dụng nói riêng và các dịch vụ tài chính nói chung sẽ góp phần nâng cao năng lực của toàn xã hội, nhất là người yếu thế.

Để không có vùng trắng tín dụng
Gắn hoạt động tín dụng chính sách với thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội

Đó là yêu cầu của UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh, ông Nguyễn Thanh Bình tại phiên họp Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh nhằm đánh giá kết quả hoạt động quý I/2024 và triển khai nhiệm vụ các tháng còn lại năm 2024, tổ chức chiều 17/4.

Gắn hoạt động tín dụng chính sách với thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội

TIN MỚI

Return to top