ClockThứ Sáu, 17/12/2010 14:29

Sống chung với “bão giá”

TTH - Thời gian gần đây giá cả nhiều mặt hàng tăng cao, không chỉ với vàng, đô la... mà cả với giá lương thực, thực phẩm... Với sinh viên trọ học, túi tiền phụ thuộc vào sự trợ cấp của gia đình, thì vật giá tăng tỷ lệ thuận với những khó khăn thiếu thốn.

Tác động giá đến sinh viên

Ra các khu chợ lớn nhỏ trong thành phố, tiếp xúc với nhiều sinh viên trọ học mới thấy “bão giá” ghi rõ dấu ấn của nó qua nỗi lo cho những thứ thường nhật. Tại chợ Trường An, tôi có dịp làm quen với anh Nguyễn Văn Thoại khi anh đã mua xong hàng. Nói là đi chợ, mua hàng, nhưng trên tay chỉ cầm một ít cá và một mớ rau. Anh nói: “Trước đây hai anh em mình đi chợ một ngày 12 ngàn đồng là thấy đầy đủ cho một ngày ăn rồi. Còn bây giờ nhìn nè, cá tăng, trứng tăng, đến rau cũng tăng giá… Cái gì cũng tăng thấy mà chóng cả mặt”. Với túi tiền eo hẹp của mình, nếu như với 15 ngàn đồng, trước đó các bạn sinh viên vẫn có thể mua đủ thức ăn cho 3 người với cá hoặc thịt, món xào và canh, thì giờ đây họ chỉ mua được chút thịt hoặc cá; hoặc chỉ có món xào và canh.         
 
Ngô Thị Hiến, sinh viên Trường đại học Khoa học Huế tâm sự: “Giá rau muống đã tăng 2 ngàn đồng một bó rồi đó. Cầm 10 ngàn đi chợ cũng không biết “xoay” làm sao cho ăn đủ một ngày nữa. Thịt thì không dám mua rồi vì nó đắt quá. Nên cứ phải mua rau thôi, nhưng bữa nay mua rau cũng đắt nữa; đi chợ mấy vòng cũng chẳng biết mua gì cho rẻ, cho đủ ăn”. Có lẽ bây giờ, thịt là món ăn khá “xa xỉ” đối với sinh viên. Vì với 10 ngàn đồng 1 ngày ăn như chị em nhà Hiến, nếu mua thịt chưa chắc đã ăn đủ một bữa chứ đừng nói là 1 ngày...
 

Sinh viên khổ vì giá cả tăng - ảnh minh họa từ internet 
 
Cùng với rau, cá, thịt... tăng giá, giá gas cũng tăng rất nhanh. Trước gas bình 12 lít giá 290 ngàn, thì nay đã tăng lên 350 ngàn đồng một bình. Tương ứng, một bình gas mini cũng tăng lên 1 ngàn đến 1 ngàn năm trăm đồng. Điều này khiến cho sinh viên tự nấu nướng vốn đã khó khăn này lại càng khó khăn hơn. Với các bạn thường ăn cơm bụi, cũng gặp hoàn cảnh tương tự. Giá 1 dĩa cơm bụi thấp nhất ở nhiều quán ăn bình dân cũng đã tăng lên từ 10 ngàn đồng lên 12 ngàn đồng. Khi giá cả đắt đỏ, đời sống kinh tế eo hẹp giải pháp “thắt lưng buộc bụng” là tối ưu, nhiều bạn trở nên chăm chỉ hơn khi chịu khó chợ búa, bếp núc.                
Sống chung với “bão giá”
 
Trước sự tăng nhanh của giá cả như hiện nay, mỗi sinh viên đã chọn cho mình một cách “ứng phó” thích hợp. Ngoài những khoản bắt buộc phải chi ra, những khoản khác đều bị “cắt”. Anh Thoại tâm sự “Bữa nay phải tiết kiệm chi tiêu thôi, bình thường mỗi tháng bố mẹ gửi cho hai anh em 1,7 triệu đồng cũng tạm đủ để chi tiêu. Nhưng với tình hình giá cả thế này ngoài khoản chi cho ăn uống, học tập, các khoản khác đều cắt giảm hết. Ly cà phê duy nhất áng chủ nhật cũng thôi. Cả chuyện đến thăm bạn gái cũng... hạn chế.
 
Anh Cao Huy Tuấn học Trường đại học Phú Xuân cho biết: “Quán cơm mình thường ăn ngày trước mỗi dĩa có 10 ngàn giờ tăng lên đến 12 ngàn rồi nên chuyển sang nấu ăn để tiết kiệm và không phải xin thêm tiền bố mẹ. Nếu không chịu khó nấu ăn, mỗi tháng phải tăng thêm 180 ngàn tiền ăn nữa lấy đâu ra?”. Nhiều bạn trong xóm trọ của anh Tuấn chọn cách nấu ăn chung để vừa tiết kiệm tiền, vừa cải thiện chất lượng bữa ăn. Nguyễn Thị Lương cùng xóm trọ anh Tuấn nói vui:“Nhờ hàng hóa tăng giá mà xóm trọ chúng ta đoàn kết hơn”. Câu nói của Lương khiến cả xóm trọ được một trận cười.
 
Để “sống chung với bão giá”, Ngô Thị Hiến chọn cách đi làm thêm để vừa kiếm thêm thu nhập vừa tiết kiệm chi tiêu. Hiến nói: “Mình chỉ học buổi sáng thôi nên tranh thủ đi làm thêm. Mình làm ở quán nhậu của một người chị trên đường Nguyễn Thị Minh Khai. Công việc không vất vả lắm, nhưng mình lại có thêm thu nhập và nhất là ít thời gian để đi chơi nên tiết kiệm thêm các khoản phát sinh hàng tháng”. Ngoài những cách trên, một số bạn sinh viên chọn “giải pháp” xin thêm “viện trợ” từ gia đình. Nhưng với những gia đình ở nông thôn vốn luôn khó khăn, thì việc hàng tháng gửi thêm 100 ngàn hay 200 ngàn đồng cho con đi học xa là điều rất khó.
 
Tùy hoàn cảnh, tuỳ suy nghĩ và cách sống... mỗi sinh viên có cách lựa chọn riêng trong việc ứng phó để “sống chung với bão giá” hiện nay. Có lẽ đó cũng là một thử thách đối với các bạn trên hành trình học tập của mình.
 
Hoàng Loan
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hương Thủy: Thêm môi trường trải nghiệm cho học sinh tiểu học

Sáng 13/4, Phòng Giáo dục & Đào tạo TX. Hương Thủy tổ chức giao lưu Olympic các môn học và “Rung chuông vàng” cấp tiểu học năm học 2023-2024, thu hút 231 học sinh xuất sắc đại diện cho học sinh 16 trường TH, TH&THCS trên địa bàn thị xã tham dự.

Hương Thủy Thêm môi trường trải nghiệm cho học sinh tiểu học
Return to top