ClockThứ Tư, 16/11/2016 14:51

Tấm lòng người thầy

TTH - Một người đàn ông dẫn thằng bé nhỏ thó đến phòng tiếp bạn đọc Báo Thừa Thiên Huế. Anh bảo, là người tỉnh khác đến Huế công tác thấy thằng bé lang thang ngủ ngoài đường, gần chỗ anh mấy hôm nay.

Vài chị bán hàng tốt bụng cho nó thức ăn. Hỏi thì thằng bé bảo nó không cha, không mẹ, không người thân ở Huế, nên anh đưa nó đến... nhờ cơ quan Báo.

Chuyện trò, đứa bé kể trước gia đình ở trong Nam. Từ ngày cha bị tâm thần giết chết mẹ và em, nó “trôi dạt” đến Huế và được sư trụ trì ngôi chùa tại phường Thủy Xuân (TP. Huế) cưu mang, cho đi học lớp 5 tại Trường tiểu học Thủy Xuân. Năm nay nó học lớp 6 tại Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai (trên địa bàn phường Thủy Xuân, TP Huế). Một năm qua, nó sống trong chùa. Vừa rồi, thầy hiệu trưởng xin cho nó vào một Trung tâm Bảo trợ xã hội, nhưng trục trặc. Đã ra khỏi chùa rồi nên nó không quay về nữa, đành ngủ ngoài đường.

Điện thoại “dò hỏi” Trung tâm Bảo trợ xã hội An Tây, nơi có thông tin đang thu nhận trẻ em lang thang cơ nhỡ, đồng thời cũng liên lạc với thầy hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai, cán bộ trung tâm cho biết sẽ nhanh chóng có mặt ở báo. Thầy Luận (thầy Hiệu trưởng) hay tin cũng gác công việc đang làm dở, vội vã đến. Thầy xác nhận cậu bé đúng là học trò đang học lớp 6 tại trường, dù theo giấy khai sinh (mà lại bản photo, không có tên cha mẹ) học trò này đã 15 tuổi. Đúng là một năm qua cậu được sư trụ trì chùa trên địa bàn cưu mang. “Em học khá, chấp hành nội quy của trường, chưa bỏ học buổi nào, nhưng có điều em ham chơi điện tử. Có lẽ vì thế em không thích ở trong chùa nữa. Mấy hôm trước, tôi đã liên hệ với một Trung tâm Bảo trợ xã hội ở gần trường, tuy nhiên cậu bé 15 tuổi, quá tuổi vào trung tâm. Nhưng học trò tôi phải có một mái nhà chứ không thể để em lang thang ngoài đường. Em là trẻ vị thành niên, lại có hiện tượng ham chơi điện tử thế này nếu không có sự quản lý sẽ dễ sa vào tệ nạn hư hỏng. Tôi lo lắm”, người thầy trăn trở. Thầy bảo, nếu Trung tâm Bảo trợ xã hội An Tây nhận, thầy rất mừng, yên tâm. Trung tâm và nhà trường sẽ kết hợp dạy dỗ, để em có cơ hội trưởng thành cả về thể chất lẫn tinh thần, có kiến thức và sau này làm một người có ích.

Đáng tiếc do cậu bé đã quá tuổi nên theo quy định, Trung tâm Bảo trợ xã hội An Tây không thể nhận. Đưa học trò của mình về, tạm thời gửi cậu bé vào ở lại trong chùa, thầy Hiệu trưởng cho hay sẽ liên hệ với Sở Lao động, Thương binh & Xã hội, UBND TP Huế để nhờ giúp đỡ, giải quyết.

Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Những “trái ngọt” từ tấm lòng tử tế

Những người tôi đã gặp có những hoàn cảnh, công việc khác nhau, nhưng có một điểm chung là sống vì cộng đồng, không tiếc sức, tiếc của riêng góp phần mở đường giao thông, làm thay đổi diện mạo đời sống ở địa phương.

Những “trái ngọt” từ tấm lòng tử tế
Những tấm lòng thơm thảo

Họ vừa là thầy, cô giáo vừa là người bà, người cô, người mẹ, người cha, người anh, người chị có tấm lòng thơm thảo đối với các trẻ em nghèo, khó khăn, khuyết tật trong cuộc sống tại các cơ sở bảo trợ xã hội, trung tâm chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh.

Những tấm lòng thơm thảo
Những tấm lòng hiến tặng hiện vật

Có vị lão thành cách mạng, cựu chiến binh dù tuổi đã cao, sức yếu, hay những bà mẹ ở tận các xã vùng cao A Lưới đã tìm về Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế để hiến tặng những kỷ vật là hành trang quý giá đời mình, được gìn giữ qua những năm tháng chiến tranh vô cùng gian khổ.

Những tấm lòng hiến tặng hiện vật
Vai trò chủ động của người thầy

Năm học 2022 - 2023 là năm học đầu tiên áp dụng chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới đối với cấp trung học phổ thông (THPT). Sau một năm thực hiện, thầy cô giáo và các em học sinh dần thích nghi với việc tổ chức dạy và học.

Vai trò chủ động của người thầy
Return to top