ClockThứ Bảy, 04/06/2016 05:56
KỶ NIỆM 105 NĂM NGÀY BÁC HỒ RA ĐI TÌM ĐƯỜNG CỨU NƯỚC (5/6/1911-5/6/2016)

Thắng lợi bắt nguồn từ quyết định sáng tạo đầu tiên

TTH - Ngày 5/6, 105 năm trước, để tìm câu trả lời về con đường cứu nước và giải phóng dân tộc, Hồ Chí Minh quyết định đi về hướng tây. Quyết định này thể hiện rõ tư duy độc lập, sáng tạo của Người, khởi nguồn cho thắng lợi của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam.

Tàu Latouche Treville, con tàu đã đưa người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước từ Cảng Sài Gòn. Ảnh: Internet

Quyết định sáng tạo “phi truyền thống”

Các nhà yêu nước trước Hồ Chí Minh thường đi theo con đường “truyền thống” sang phương Đông: Xiêm, Trung Quốc, Nhật Bản. Việc “xuất dương” của cha anh lớp trước để “cầu viện”, hoặc chuẩn bị lực lượng vũ trang từ bên ngoài kéo về nước, hoặc đào tạo cán bộ để chỉ đạo, phát động phong trào đấu tranh trong nước. Chưa ai đặt vấn đề, càng không ai chủ trương sang phương Tây để tìm con đường cứu nước mới như Hồ Chí Minh dự định và quyết tâm thực hiện. Khi nhiều người đang hướng sự ngưỡng mộ của mình về phương Đông với “người anh cả da vàng” Nhật Bản, một đế quốc mới ở châu Á đã chiến thắng nước Nga Sa hoàng năm 1905, hay kỳ vọng ở bác sĩ Tôn Dật Tiên với chủ nghĩa Tam dân nổi tiếng của ông đang làm rung chuyển Trung Hoa bằng cuộc Cách mạng Tân hợi 1911, thì Hồ Chí Minh tìm đường sang phương Tây, đến nước Pháp, nơi đã tuyên bố về quyền “Tự do - Bình đẳng - Bác ái” làm rung động lòng Người khi còn ở tuổi thiếu niên. Hồ Chí Minh “muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào ta” (1).

Ngày 5/6/1911, khi ra đi tìm con đuờng mới cho cuộc đấu tranh giành lại độc lập dân tộc, Hồ Chí Minh nung nấu một quyết tâm cháy bỏng: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu” (2). Những năm 1911 - 1917, Hồ Chí Minh đã đi qua nhiều đất nước ở các lục địa Á, Âu, Phi, Mỹ, đã sống cuộc sống của một người lao động. Tận mắt chứng kiến nhiều cảnh áp bức, nhiều nỗi khổ cực mà nhân dân các dân tộc khác cũng đang phải chịu đựng, Hồ Chí Minh càng nhận thức rõ bản chất dã man vô nhân đạo của chủ nghĩa đế quốc thực dân. Người đã thấy rõ rằng: Ở đâu cũng có người bị bóc lột và kẻ đi bóc lột và độc lập của dân tộc, tự do, hạnh phúc của nhân dân không thể trông chờ ở sự ban phát ơn huệ của những kẻ đi bóc lột mà phải đấu tranh để giành lấy. Qua những năm tháng đó, Hồ Chí Minh đã tích lũy được một vốn sống thực tiễn phong phú và nhiều tri thức bổ ích từ những nền văn hoá của các dân tộc khác. Tất cả những điều đó đã hun đúc, rèn luyện nên bản lĩnh của một nhà cách mạng chuyên nghiệp về sau. Hồ Chí Minh đã trở thành một trong số ít những chiến sĩ cách mạng giàu kinh nghiệm thực tiễn nhất của phong trào đấu tranh giải phóng các dân tộc thuộc địa những năm đầu thế kỷ XX.

Gặp “tia sáng” đầu tiên

Khi Hồ Chí Minh trở lại Pháp (khoảng cuối năm 1917) (3), Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 đã thành công. Mặc dù chưa hiểu hết ý nghĩa to lớn của cuộc mạng này, nhưng với sự nhạy cảm chính trị hiếm có của mình, Hồ Chí Minh đã nhận thấy đây là một biến cố chính trị lớn, có sức lôi cuốn kỳ diệu. Trong hai số liên tiếp ngày 16 và ngày 17/6/1920, báo L’Humanité (Nhân đạo) đăng Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa (4) của V.I. Lê-nin. Hồ Chí Minh đọc văn kiện này sau khi đăng ít hôm và đã có được lời giải đáp cho câu hỏi khát khao trong lòng mình hàng chục năm qua. Luận cương của V.I. Lênin đã gây cho Hồ Chí Minh một cảm xúc mạnh mẽ. Người đã tìm được cái cần thiết cho dân tộc Việt Nam. Điều này đã dẫn tới một quyết định quan trọng tiếp sau quyết định đi sang phương Tây để tìm đường cứu nước, đó là đưa cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc theo con đường của Lênin. Chủ nghĩa yêu nước truyền thống được Hồ Chí Minh mang theo trong suốt những năm bôn ba đã gặp chủ nghĩa Mác - Lênin như một tất yếu. Sự gặp gỡ này phản ánh những nhu cầu đang đặt ra của lịch sử khi đó là xác định một con đường đúng đắn cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam. Hồ Chí Minh là người đã đảm nhận nhiệm vụ lịch sử đó.

Sáng tạo tiếp nối sáng tạo

Nghiên cứu, tiếp thu những nguyên lý cơ bản của học thuyết Mác - Lênin về cách mạng giải phóng dân tộc nhưng Hồ Chí Minh cho rằng, cần phải bổ sung cho học thuyết này những vấn đề của các dân tộc phương Đông. Hồ Chí Minh đã phát hiện ra nội dung lớn mà các tác phẩm lý luận thời đó ít đề cập: Đó là sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc và tinh thần yêu nước. Sức mạnh này thể hiện sinh động ở Việt Nam trong các phong trào chống Pháp xâm lược, thu hút mọi lực lượng xã hội, mọi tầng lớp, giai cấp. Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định: “Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước”.

Hồ Chí Minh đã xác định một quan điểm cứu nước triệt để, mang đậm tính nhân dân: Cứu nước đồng thời cứu dân, độc lập dân tộc gắn liền với tự do hạnh phúc của Nhân dân. Cũng theo Hồ Chí Minh, cách mạng trước hết cần có Đảng Cộng sản chân chính lãnh đạo vì Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân và dân tộc. Đây là một quan điểm mới, sáng tạo của Hồ Chí Minh về sự tất yếu phải có Đảng Cộng sản ở một nước thuộc địa. Mùa xuân năm 1930, khi những điều kiện cần và đủ đã hội tụ, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sản phẩm của sự kết hợp chặt chẽ lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước.

Hồ Chí Minh luôn xuất phát từ thực tiễn đất nước để phân tích mâu thuẫn xã hội Việt Nam và đã đánh giá khách quan, khoa học sự phân hoá giai cấp và những mâu thuẫn trong xã hội thuộc địa - phong kiến. Hồ Chí Minh là đã phân tích làm nổi bật mâu thuẫn cơ bản và chủ yếu mà cách mạng Việt Nam cần tập trung giải quyết. Đó là mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với đế quốc và phong kiến tay sai. Nhà nghiên cứu Ga-bri-en Bo-ne nhận xét: “Công trình phân tích về thuộc địa của Hồ Chí Minh vượt xa tất cả những gì mà cho đến lúc bấy giờ các nhà lý luận Mác-xít đã nói. Giống như thế kỷ trước Hô-xê Mác-ti nhà cách mạng lớn Cu-ba đã là một nhà Mác-xít - Lê-nin-nít đầy sức thuyết phục trước khi đọc Mác và chưa hề hiểu được rằng một người tên gọi Lênin sẽ khuấy động thế kỷ XX bằng chủ nghĩa của mình, Hồ Chí Minh đã soạn thảo một chùm lý luận đầy uy tín không thể chối cãi được nhằm giải phóng người dân thuộc địa bị áp bức” (5). Sự sáng tạo đó là khởi nguồn dẫn tới thắng lợi của cuộc cách mạng giải phóng của dân tộc Việt Nam.

TS. Ngô Vương Anh


(1) Trần Dân Tiên (1994) - Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Thanh niên, Hà Nội, tr. 13

(2)  Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử - Nxb CTQG, Hà Nội, 2006, Tập 1, tr 130

 (3) Theo Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Sđd, Tập 1, tr. 58

 (4) V.I. Lê-nin (1977)  - Toàn tập - Nxb Tiến bộ, Matxcova, (Tiếng Việt), Tập 41, tr. 197 - 206.

(5)  Tạp chí Thông tin lý luận, số 7-1993, tr. 4

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thăm Tân Trào giữa những ngày tháng Tư lịch sử

Giữa những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi lại có dịp về Tuyên Quang, và lại được thăm Tân Trào- Khu di tích quốc gia đặc biệt, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cơ quan Trung ương ở và làm việc trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Thăm Tân Trào giữa những ngày tháng Tư lịch sử
Những sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin

Chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản và là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học cho rằng, việc vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin là một trong những yếu tố, cơ sở lý luận quan trọng, bảo đảm thành công của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Những sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin
Giao lưu Văn học Nghệ thuật Hà Nội - Huế - TP. Hồ Chí Minh

Sáng 21/3, tại Nhà khách Quốc hội (Hà Nội) diễn ra hội thảo “Văn học Nghệ thuật (VHNT) Hà Nội - Huế - TP. Hồ Chí Minh sau ngày đất nước thống nhất: Những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển”. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi hoạt động giao lưu văn hoá nghệ thuật do Liên hiệp các Hội VHNT của ba địa phương tổ chức.

Giao lưu Văn học Nghệ thuật Hà Nội - Huế - TP Hồ Chí Minh
Điển hình về học và làm theo Bác

Chi hội Nông dân (HND) tổ dân phố (TDP) Thạch Bình, thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền là một trong những điển hình về học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, các hội viên trong Chi HND TDP Thạch Bình đã từng bước khẳng định mình; góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Điển hình về học và làm theo Bác
Return to top