ClockThứ Năm, 18/06/2020 16:05

Thành phố sông Hương

Thể dục bên sông

1. Năm 1636, chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan chuyển phủ từ Phước Yên vào Kim Long. Gần sáu mươi năm sau đó, vào năm 1687, chúa Ngãi Nguyễn Phúc Thái tiếp tục dời phủ về Phú Xuân. Sau 26 năm Bác Vọng được chọn, một lần nữa vào năm 1738, phủ chúa Nguyễn lại trở về với Phú Xuân dưới thời Võ vương Nguyễn Phúc Khoát; để rồi sau ngày thống nhất Việt Nam, trở thành Kinh sư của Triều Nguyễn. Kim Long và Phú Xuân là những ngôi làng nổi tiếng ven sông Hương.

Cảnh quan đôi bờ sông Hương được chỉnh trang, hướng đến thành phố xanh - sạch - sáng. Ảnh: THANH TOÀN 

Hãy nghe vua Minh Mạng luận bàn với triều thần được chép lại trong Đại Nam thực lục, “Gia Định thì dòng sông quanh co, Bắc Thành thì đồng nội bằng phẳng, đều không có chỗ hiểm yếu đáng cậy được. Bình Định địa thế hơi mạnh nhưng lại chật hẹp; Quảng Nam non nước cũng tốt, nhưng lại lệch xiêu; cả đến Quảng Bình, Thanh Hóa đều không phải là chỗ đóng kinh đô được. Tóm lại không đâu bằng Phú Xuân, đất cát cao sáng, núi sông yên lặng…”. Sông yên lặng nơi đây là Hương Giang. Và tôi đã nghĩ, khi chọn phủ hay kinh sư ở Kim Long hay Phú Xuân, Chúa Nguyễn và sau đó Vua Nguyễn đều như đã bị mê hoặc và bị chi phối bởi một Hương Giang huyền thoại.

Truyền thuyết kể rằng, chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa đã đích thân xem xét địa thế. Một lần rong ruổi dọc bờ sông Hương, ông bắt gặp một ngọn đồi nhỏ có tên Hà Khê, thế đất như hình một con rồng đang quay đầu nhìn lại. Người dân địa phương cho biết, nơi đây ban đêm thường có một bà lão mặc áo đỏ quần lục xuất hiện trên đồi, nói với mọi người: “Rồi đây sẽ có một vị chân chúa đến lập chùa để tụ linh khí, làm bền long mạch, cho nước Nam hùng mạnh”. Tư tưởng lớn của chúa Nguyễn Hoàng dường như cùng bắt nhịp được với ý nguyện dân chúng. Cả mừng, vào năm 1601, chúa cho dựng một ngôi chùa trên đồi, ngoảnh mặt ra sông Hương, đặt tên là “Thiên Mụ”.

2. Thành phố Huế hiện tại có 24 phường xã và đa số đều nằm dọc theo bờ sông Hương, cao nhất ở thượng nguồn là Thủy Biều và Hương Long, còn xa nhất nơi hạ lưu là Vỹ Dạ và Phú Hậu. Thành phố Huế được mở rộng sẽ tiếp nối với Thủy Bằng và Hương Thọ ở ngã ba Tuần và nơi sông Hương tiếp giáp với biển là Thuận An và Hải Dương.

Đường đi bộ dọc sông Hương xanh mát. Ảnh: ĐĂNG TUYÊN

Trên thế giới có rất nhiều thành phố nổi tiếng gắn với những con sông đẹp. Ví như châu Âu có St. Peterburg (Nga) với con sông Neva tuyệt đẹp; thủ đô Paris (Pháp) được biết đến bởi dòng sông Seine xinh đẹp chảy qua; hay London (Anh) có dòng sông Thames xinh xắn và bình yên chảy qua, tạo nên khung cảnh lãng mạn khôn tả. Còn cách Huế không xa có Bangkok (Thái Lan) là một thành phố sôi động, nhộn nhịp với nhiều đền chùa cổ kính; chảy xuyên qua thành phố là dòng sông Chao Phraya nối từ phía bắc ra đến vịnh Thái Lan.

Thế nhưng, hiếm có sự gắn bó nào như Huế với dòng Hương Giang. Không chỉ chảy qua Huế như Neva với St. Peterburg, sông Seine với Paris, sông Thames với London, hay cả Chao Phraya với Bangkok, gần như trọn cả dòng sông Hương đều là đất Huế, từ tây sang đông. Mỗi nơi Hương Giang đi qua, vì vậy, mang lại cho không gian đô thị Huế một sắc thái riêng biệt, từ hùng tráng và uy nghi đến trầm mặc và tráng lệ, hiền hòa và quyến rũ, rồi vỡ òa là một không gian mênh mang có sóng nước sông biển giao hòa.

3. Tại Festival Huế 2008, lần đầu tiên lễ hội đặc sắc mang tên “Huyền thoại sông Hương” được tổ chức, đưa du khách trở về một không gian xa xưa thấm đẫm vẻ đẹp văn hóa truyền thống và những hoài niệm về một thời cung đình vàng son, từ khu vực Ngã ba Bằng Lãng đến Nghinh Lương Ðình ở phía trước Phu Văn Lâu. Rời bến thuyền lăng vua Minh Mạng trong ánh hoàng hôn tím ngắt mênh mang mặt nước, đoàn thuyền với thuyền vua và 20 thuyền rồng tháp tùng đã đưa du khách làm cuộc hành trình du ngoạn trên sông Hương. Và, trên chiều dài gần 15km, dòng sông là một sân khấu lớn.

Cũng với con sông huyền thoại này, một chương trình mới được đưa vào trong kỳ Festival Huế 2020 là “Ai đã đặt tên cho dòng sông” sẽ diễn ra tại bến Nghinh Lương Đình vào tối 30/8/2020. Đây là chương trình nghệ thuật lấy cảm hứng từ nhiều chất liệu lịch sử về dòng sông Hương thơ mộng, khai mở lần nữa những bí ẩn của Huế, của sông Hương, hứa hẹn mang lại nhiều bất ngờ thú vị. Lại gợi nhớ trong tôi về bút ký cùng tên nổi tiếng của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, ca ngợi dòng sông Hương như một biểu tượng của Huế và được đánh giá là một trong áng văn hay nhất, súc tích và đầy chất thơ viết về Hương Giang.

Người ta nói nhiều đến thành phố Huế đang được mở rộng có kích cỡ lớn gấp 5 lần hiện tại với bao dự ước và toan tính. Còn tôi lại nghĩ đến, đó sẽ bước đi cuối cùng để Huế và Hương Giang vẹn tròn. Hãy nhìn, dòng sông dài 100km; riêng đoạn chính được gọi là sông Hương 33km, từ ngã ba Bằng Lãng đến Thuận An, và đó là Huế. Dòng chảy chậm rãi và êm đềm đến mức đã có nên câu thơ da diết: “Con sông dùng dằng con sông không chảy/Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu” (Thu Bồn). Hương Giang xuyên suốt từ đông sang tây và như trục xương sống chia thành phố thành đôi bờ bắc - nam, thấm đẫm bao điều kỳ tích và huyền thoại, Huế trong tôi do thế, là thành phố sông Hương.

Đan Duy

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nên tổ chức đua thuyền trước công viên Trịnh Công Sơn

Lâu nay lễ hội đua thuyền cuả tỉnh và TP.Huế trong các ngày lễ được tổ chức qui mô lớn trên sông Hương đoạn trước Phu Văn Lâu. Theo tôi tổ chức đua thuyền trên khúc sông trước công viên Trịnh Công Sơn thì hợp lí hơn.

Nên tổ chức đua thuyền trước công viên Trịnh Công Sơn
Đến hẹn lại... đua

Đã thành thông lệ, đúng vào dịp kỷ niệm giải phóng 26/3, sông Hương lại dậy sóng với lễ hội đua ghe truyền thống thành phố Huế. Người Huế gọi dịp này là đua ghe 26/3 để phân biệt với lễ hội đua ghe truyền thống tổ chức vào dịp Quốc khánh 2/9, có quy mô toàn tỉnh.

Đến hẹn lại  đua
Huế xưa Huế mới

“Huế cổ kính, mà luôn luôn mới mẻ, bất ngờ. Ai đã từng dành trọn buổi sớm mai sương khói hay buổi chiều tà mát mẻ đi một vòng dọc hai bờ sông Hương mới cảm nhận được sức sống kỳ diệu của thành Huế bây giờ… Huế đi lên từng ngày, dần xứng tầm là một đô thị di sản, một trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu tương lai của nước nhà, của khu vực” - Đó là những cảm nhận sâu sắc của một người bạn xa về một Huế “muôn đời đẹp và thơ”.

Huế xưa Huế mới
Cầu... nối lòng dân

Chuyện thật đáng mừng cho đất nước ta là có hàng trăm cây cầu được xây mới trong những năm vừa qua đến từ sự đóng góp của cá nhân người dân, nhóm thiện nguyện, doanh nghiệp. Điều đó cho thấy lời kêu gọi Nhà nước và Nhân dân cùng làm là giải pháp hiệu quả cho những thách thức lớn về phát triển cơ sở hạ tầng trong mọi thời kỳ.

Cầu  nối lòng dân
Return to top