Thế giới

1/3 số ca mắc Covid-19 không có biểu hiện bệnh lý rõ rệt

ClockThứ Hai, 23/03/2020 14:57
Theo tờ South China Morning Post, đây là con số mà các nhà khoa học Trung Quốc đưa ra dựa trên dữ liệu do Chính phủ nước này cung cấp liên quan đến các bệnh nhân mắc Covid-19.

Covid-19: 14.611 ca tử vong toàn cầu, Mỹ thông qua tuyên bố thảm họaFAO: Mua hàng ồ ạt có thể thúc đẩy tình trạng lạm phát thực phẩm toàn cầuAustralia chi thêm 66 tỷ AUD để đối phó với dịch Covid-19Mỹ nên tập hợp G7, NATO và các đồng minh khác để đối phó với COVID-19COVID-19: Hơn 13.000 ca tử vong, gần 1 tỷ người bị hạn chế đi lại

Cụ thể, tính đến hết tháng 2, tại Trung Quốc có tới hơn 43.000 người được xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 nhưng không hề có biểu hiện bệnh lý rõ rệt. Những người này vẫn được cách ly và theo dõi nhưng không được đưa vào số liệu chính thức về số ca mắc Covid-19 vào thời điểm đó.

Ảnh minh họa: AP

Cách tính khác nhau, con số vẫn tương đồng

Cũng theo South China Morning Post, thông tin này sẽ khiến cho nhiều quốc gia phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng hơn nữa trong việc phòng, chống Covid-19 trong bối cảnh trên toàn thế giới đã có hơn 280.000 mắc bệnh và hơn 13.000 người thiệt mạng.

Điều này là bởi, thông thường, những người mắc Covid-19 sẽ bắt đầu có những biểu hiện bệnh lý trong vòng 5 ngày dù thời gian ủ bệnh có thể kéo dài tới 3 tuần trong một số trường hợp hiếm gặp. Việc những người mắc Covid-19 nhưng không có biểu hiện bệnh lý rõ rệt sẽ khiến họ đối mặt với nguy cơ không được điều trị hoặc chỉ được điều trị khi bệnh đã nặng.

Hơn thế nữa, mỗi quốc gia lại có cách tính số người mắc Covid-19 khác nhau. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) coi tất cả những người xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 là mắc Covid-19 và hầu hết các quốc gia tuân theo chỉ dẫn này.

Trong khi đó, mãi tới ngày 7/2, Trung Quốc mới thay đổi cách tính của mình theo WHO. Trước đó, chỉ những người vừa xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 vừa có biểu hiện bệnh lý rõ rệt mới được Trung Quốc chính thức ghi nhận mắc Covid-19.

Sự khác biệt về cách tính số ca mắc Covid-19 ở các quốc gia còn thể hiện ở chỗ, trong khi Trung Quốc, Hàn Quốc và nhiều quốc gia châu Á khác tiến hành xét nghiệm bất kỳ người nào có tiếp xúc gần với người mắc Covid-19 dù họ có biểu hiện bệnh lý hay không thì các nước châu Âu và Mỹ chỉ tiến hành xét nghiệm đối với những người đã có biểu hiện bệnh lý rõ rệt.

Điều này dẫn tới một thực tế là số lượng các ca mắc Covid-19 tăng lên chóng mặt tại Mỹ và châu Âu và phần lớn trong số này không có biểu hiện bệnh lý rõ ràng, điều này đi ngược lại với tuyên bố trước đó của WHO rằng những trường hợp lây bệnh từ những người mắc Covid-19 nhưng không có biểu hiện rõ ràng là “cực kỳ hiếm”. Bản thân WHO sau đó cũng đã phải thay đổi tuyên bố của mình sau khi cử nhóm chuyên gia quốc tế sang Trung Quốc theo dõi tình hình dịch bệnh.

Nhà dịch tễ học người Nhật Bản Hiroshi Nishiura. Ảnh: SCMP

Hiểu rõ nguy cơ từ vấn đề này, một nhóm các chuyên gia Nhật Bản, do nhà dịch tễ học Hiroshi Nishiura tại Đại học Hokkaido đứng đầu, đã viết trong một bức thư gửi Tạp chí Bệnh truyền nhiễm Quốc tế hồi tháng 2 như sau: “Số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu tiếp tục tăng cao và khoảng cách giữa các số liệu do Trung Quốc công bố và những số liệu thống kê bên ngoài Trung Quốc cho thấy nhiều trường hợp ở bên ngoài Trung Quốc vẫn chưa được xét nghiệm virus SARS-CoV-2”.

Dựa trên các nghiên cứu của mình, nhóm của ông Nishiura ước tính, tỷ lệ người Nhật Bản được đưa về từ Vũ Hán mắc Covid-19 mà không có biểu hiện bệnh lý cụ thể có thể lên đến 30,8% - con số gần như tương đồng với những gì Chính phủ Trung Quốc công bố. Giới chức Hàn Quốc sau khi tiến hành xét nghiệm 300.000 trường hợp cũng đưa ra con số tương tự. Tuy nhiên, đáng ngại hơn, có tới 20% trường hợp vẫn không có biểu hiện bệnh lý ngay cả khi đã xuất viện.

Tại Italy, số trường hợp bệnh nhân mắc Covid-19 nhưng không có biểu hiện bệnh lý lên tới 44% tổng số trường hợp mắc bệnh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, con số này cao hơn tại Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản một phần là bởi giới chức Italy chỉ xét nghiệm cho những người đã có triệu chứng rõ rệt nên số bị bỏ lọt vì thế cũng tăng cao.
 
Không thể xem nhẹ

Trước bối cảnh đó, nhiều nhà khoa học đã lên tiếng hoài nghi về việc liệu WHO có đang xem nhẹ khả năng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng từ những người không có biểu hiện bệnh lý rõ rệt hay không. Một nhóm gồm các chuyên gia Trung Quốc, Mỹ và Anh ước tính, số ca mắc cúm không được ghi nhận (chủ yếu là các ca nhẹ hoặc không có biểu hiện bệnh lý) là nguồn lây nhiễm tới 79% số ca mắc cúm được ghi nhận trước khi Vũ Hán bị phong tỏa vào ngày 23/1.

“Những ca mắc bệnh không được ghi nhận thường chỉ có triệu chứng bệnh nhẹ hoặc hầu như không có triệu chứng cụ thể có thể làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng nhiều hơn rõ rệt so với những ca mắc bệnh được ghi lại”, nhóm chuyên gia này đánh giá.

Một nghiên cứu riêng rẽ khác do các nhà khoa học tại Đại học Texas ước tính, những người không có biểu hiện bệnh lý có thể đã lây bệnh cho khoảng 10% trên tổng số 450 ca mà họ ghi nhận tại 93 thành phố khác nhau tại Trung Quốc.

Đáng lo ngại hơn, một nhóm chuyên gia tại Đại học Hong Kong nhận thấy, khả năng truyền nhiễm bệnh của những người không có biểu hiện bệnh lý cũng không khác gì những người có biểu hiện bệnh lý rõ rệt.

Giáo sư bệnh dịch học và thống kê sinh học Benjamin Cowling cảnh báo: “Có rất nhiều bằng chứng cụ thể cho thấy, những người mắc bệnh có thể lây truyền bệnh cho người khác trước cả khi có dấu hiệu bệnh lý. Trong nhiều trường hợp điều này xảy ra từ 1-2 ngày trước đó”.

Chính vì thế, các nhà khoa học cho rằng, cần phải đào sâu nghiên cứu về các trường hợp mắc bệnh những không có biểu hiện bệnh lý nhằm giúp giới chức các nước điều chỉnh chính sách y tế.

Nhà dịch tễ học Hiroshi Nishiura khuyến nghị: “Tỷ lệ mắc bệnh nhưng không có biểu hiện bệnh lý ở trẻ em cao hơn so với người lớn tuổi. Điều này chắc chắn sẽ làm thay đổi đáng kể cách chúng ta nhìn nhận về dịch bệnh và thậm chí là thay đổi cả cách thức ngăn ngừa dịch bệnh”.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

​Tầm soát miễn phí bệnh đái tháo đường cho người dân

Hưởng ứng ngày Đái tháo đường thế giới 14/11, Đoàn Thanh niên Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp cùng Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh tổ chức chương trình “Tầm soát miễn phí đái tháo đường cho người dân toàn tỉnh”.

​Tầm soát miễn phí bệnh đái tháo đường cho người dân
Việc ghép thận giữa những người nhiễm HIV vẫn an toàn

Một nghiên cứu của Mỹ vừa được công bố trên Tạp chí Y học New England cho thấy, những người nhiễm HIV có thể an toàn nhận thận hiến tặng từ những người hiến tạng nhiễm HIV đã chết. Điều này có thể giúp rút ngắn thời gian chờ đợi để được ghép tạng trên diện rộng, bất kể tình trạng HIV của bệnh nhân.

Việc ghép thận giữa những người nhiễm HIV vẫn an toàn
Return to top