|
Tình trạng khói mù ở New Delhi đang rất nghiêm trọng. Ảnh minh hoạ: AFP/TTXVN/Vietnam+ |
Theo đó, một lần nữa New Delhi lại đứng đầu danh sách về các thành phố ô nhiễm nhất thế giới theo thời gian thực do Tập đoàn IQAir của Thuỵ Sĩ biên soạn, đưa thủ đô của Ấn Độ vào loại “nguy hiểm” với mức chỉ số báo hiệu ô nhiễm 640. Theo sau là thành phố Lahore của Pakistan ở mức 335.
Các quan chức khu vực cho biết, sự kết hợp theo mùa của nhiệt độ thấp hơn, thiếu gió và hoạt động đốt rơm rạ ở các bang có nhiều trang trại lân cận đã gây ra sự gia tăng ô nhiễm không khí ở thủ đô này.
Nhiều người trong số 20 triệu dân của New Delhi đã phàn nàn về tình trạng khó chịu ở mắt và ngứa họng khi không khí chuyển sang màu xám đậm. Điều này được ghi nhận khi AQI dao động quanh mức 480 ở một số trạm giám sát.
Trong đó, chỉ số AQI từ 0 – 50 được coi là tốt, trong khi chỉ số AQI từ 400 – 500 sẽ ảnh hưởng đến người khoẻ mạnh và là mối nguy hiểm đối với những người đang mắc bệnh.
Aheed Khan, một bác sĩ làm việc tại New Delhi chia sẻ: “Trong 24 giờ làm việc vừa qua của tôi, tôi đã chứng kiến nhiều đứa trẻ bị ho, khó thở, thở gấp” vì chất lượng không khí ô nhiễm nghiêm trọng.
Trước tình hình này, các công viên như Lodhi Garden và India Gate, nơi vốn phổ biến với người chạy bộ nay đã ít người hơn.
Nhiều người đã phải mua máy lọc không khí gấp. Một trung tâm dịch vụ chuyên cung cấp thiết bị cho biết họ đang thiếu bộ lọc không khí mới và dự kiến đến đầu tuần sau mới có hàng.
Các quan chức cho hay, sẽ khó để chất lượng không khí tại đây cải thiện ngay lập tức.
Ashwani Kumar, Chủ tịch Uỷ ban Kiểm soát Ô nhiễm Delhi cho biết: “Mức độ ô nhiễm này sẽ duy trì trong hai đến ba tuần tới, có thể trầm trọng hơn do hành động đốt rạ, tốc độ gió chậm và nhiệt độ lạnh”.
Được biết, nông dân ở các bang phía Bắc Punjab, Haryana và Uttar Pradesh thường đốt rác thải cây trồng sau vụ thu hoạch vào tháng 10 để dọn sạch ruộng trước khi gieo vụ mùa đông sau đó vài tuần.
Năm nay, sự chú ý đối với chất lượng không khí ngày càng tồi tệ đã phủ bóng lên Giải vô địch cricket thế giới do Ấn Độ đăng cai tổ chức, đặc biệt là khi thủ đô tài chính Mumbai cũng đang phải hứng chịu mức độ ô nhiễm tăng đột biến.
Trong một thông tin có liên quan, theo IQAir, nồng độ các hạt PM2.5 độc hại, có đường kính dưới 2,5 micron có thể gây chết người được ghi nhận ở New Delhi vào ngày 3/11 cao gấp 53,4 lần so với hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm đưa ra bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Trong khi các trường trung học cơ sở ở thủ đô được lệnh đóng cửa vào hai ngày 3 – 4/11, các trường ở khu vực ngoại ô vẫn đang hoạt động bình thường. Song trẻ em khi đi học bằng xe buýt đã được yêu cầu phải đeo khẩu trang.
Chất lượng không khí kém không chỉ gây hại cho người mà còn gây ra các vấn đề về hô hấp, kích ứng mắt và tâm lý bồn chồn ở vật nuôi, cụ thể là có khả năng chuyển biến thành bệnh phổi hoặc nhiều bệnh khác ở các loài động vật nhỏ hơn.