Ngày 19/ 9/2016, 193 thành viên của đại hội đồng LHQ đã nhất trí thông qua một tuyên bố chính trị không ràng buộc có tên Tuyên bố New York về người tị nạn và di dân. Ảnh: AFP
Trong một tuyên bố, phái bộ Mỹ nêu rõ: “ Hôm nay, phái bộ Mỹ tại Liên Hợp Quốc (LHQ) thông báo với Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres rằng Mỹ đang hoàn tất các thủ tục để chấm dứt sự tham gia của mình vào Hiệp ước toàn cầu về vấn đề di trú”.
Sự đồng thuận của các thành viên đại hội đồng LHQ
Đây là hiệp ước được thành lập nhằm cải thiện năng lực đối phó với các vấn đề của người tị nạn và di cư. Cụ thể, vào ngày 19/9/2016, 193 thành viên của đại hội đồng LHQ đã nhất trí thông qua một tuyên bố chính trị không ràng buộc có tên Tuyên bố New York về người tị nạn và di dân, với cam kết bảo vệ quyền lợi, hỗ trợ tái định cư, chống kỳ thị chủng tộc, phân biệt đối xử, tăng cường quản lý di cư toàn cầu, bao gồm việc đưa tổ chức di cư quốc tế (IOM) vào gia đình LHQ và thông qua việc phát triển một mô hình toàn cầu để di cư an toàn, có trật tự và thường xuyên, cũng như tạo điều kiện thích hợp để người tị nạn có thể tiếp cận toàn diện với giáo dục và hệ thống việc làm. Hiệp ước được kỳ vọng sẽ coi di cư là một thực tế và là dấu mốc nâng cao tầm quan trọng của việc đẩy mạnh nguồn vốn và động lực phát triển xã hội. Dự thảo của hiệp ước sẽ bao gồm ý kiến của toàn bộ các nước thành viên về cam kết bảo vệ quyền con người của tầng lớp dân di cư – một cách tiếp cận sâu sắc nhằm hạn chế tình trạng buôn người, buôn lậu người nhập cư và chế độ nô lệ hiện đại.
Mỹ đơn phương rút lui
Tuy nhiên, hiệp ước không có được sự tiếp tục tham gia của Mỹ trong quá trình thúc đẩy GCM hướng tới đạt đồng thuận quốc tế tại LHQ vào năm 2018, với lý do tuyên bố New York có một số điều khoản mâu thuẫn với chính sách về nhập cư và người tị nạn, cũng như trái với các nguyên tắc về nhập cư của Chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Bên cạnh đó, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley cho biết quốc gia này sẽ tiếp tục “hào phóng” trong việc hỗ trợ người di cư và người dân tị nạn trên khắp thế giới, cùng lúc nhấn mạnh Chính phủ nước này sẽ quyết định cách thức kiểm soát khu vực biên giới tốt nhất, cũng như xác định ai sẽ là cá nhân được phép nhập cảnh.
Được biết, kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức lên nắm quyền với chủ trương chính sách “nước Mỹ trên hết”, quốc gia này đã rút khỏi một loạt các cam kết toàn cầu được thực hiện dưới sự điều hành của Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama. Gần đây nhất, Mỹ đã rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu và Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO).
Hạnh Nhi
(Lược dịch từ AFP & Redstate)