|
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại một sự kiện. Ảnh minh họa: AFP/Báo Lao động |
Sau khi kết thúc Cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo IPEF kéo dài 3 giờ, vừa được tổ chức tại San Francisco, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết: “Chúng tôi vẫn còn nhiều việc phải làm, nhưng chúng tôi đã đạt được tiến bộ đáng kể trong khoảng thời gian kỷ lục”.
Được biết, IPEF là khuôn khổ kinh tế do chính phủ Mỹ đưa ra vào tháng 5/2022, với sự tham gia của 14 quốc gia thành viên là Australia, Brunei, Fiji, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan, Mỹ và Việt Nam.
Trong tuần qua, các nhà lãnh đạo đã ký kết thoả thuận đầu tiên về khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, cũng như ký kết cơ bản các thoả thuận mang tính đột phá về nền kinh tế sạch và nền kinh tế công bằng.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho hay, Singapore hoan nghênh chương trình nghị sự tích cực và hướng tới tương lai của IPEF về hợp tác kinh tế ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Cũng theo Thủ tướng Lý Hiển Long, các hiệp định về 3 trụ cột sẽ tăng cường môi trường thương mại và đầu tư trong nền kinh tế của các nước thành viên, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, người lao động và các bên liên quan khác. Ngoài ra, vị lãnh đạo cũng bày tỏ hoan nghênh tiến bộ trong hiệp định thương mại.
“Thương mại là huyết mạch của nền kinh tế toàn cầu và trụ cột thương mại là một phần không thể thiếu trong thỏa thuận IPEF và tiến trình tham gia kinh tế của Mỹ đối với khu vực. Tuy nhiên, việc phát triển các cách tiếp cận mới và sáng tạo trong chính sách thương mại không hề dễ dàng và cần có thời gian để xem xét cẩn thận các lĩnh vực nhạy cảm”, Thủ tướng Lý Hiển Long chia sẻ.
Theo đó, Thủ tướng Lý Hiển Long bày tỏ mong muốn đạt được tiến bộ hơn nữa trong các cuộc đàm phán, cũng như hợp tác hữu hình vào năm tới.
Thông tin mới trên trang The Business Times cho biết, tuyên bố của các nhà lãnh đạo về IPEF cho biết các nền kinh tế thành viên “đã đạt được tiến bộ và đang tiếp tục nỗ lực hướng tới việc đạt được một trụ cột thương mại cùng có lợi nhằm nâng cao quyền của người lao động thông qua các tiêu chuẩn lao động mạnh mẽ và có thể thi hành được; cùng lúc hỗ trợ cải thiện cơ hội kinh tế cho các gia đình, chủ trang trại và nông dân, cũng như các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, bên cạnh đó thúc đẩy thương mại công bằng, cởi mở và dựa trên luật lệ, đi kèm với hỗ trợ kỹ thuật và hợp tác kinh tế, mang lại lợi ích cho mọi thành phần trong xã hội.
Các báo cáo cho biết, hiện vẫn chưa đạt được sự đồng thuận về thương mại do có sự khác biệt giữa các thành viên.
Trong bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Joe Biden, ông cho rằng những câu hỏi mà các nước phải trả lời hôm nay không phải là giao dịch bao nhiêu mà là cách các nước xây dựng khả năng phục hồi, nâng đỡ người lao động, giảm lượng khí thải Carbon và thiết lập nền kinh tế khu vực hướng đến đạt được thành công về lâu dài. Cần phải làm thế nào để mang lại sự tăng trưởng từ dưới lên và từ giữa, để không ai bị bỏ lại phía sau.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo IPEF cho biết, sự đồng thuận về 3 trụ cột còn lại sẽ thúc đẩy quyền của người lao động, tăng cường năng lực ngăn chặn và ứng phó với sự gián đoạn chuỗi cung ứng, tăng cường hợp tác trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế sạch, chống tham nhũng và nâng cao hiệu quả quản lý thuế.
Đồng thời, các nhà lãnh đạo cũng đã khởi động đối thoại IPEF về khoáng sản quan trọng để thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn nhằm tăng cường chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng và thúc đẩy khả năng cạnh tranh kinh tế khu vực.
Cụ thể, tại cuộc đối thoại không chính thức giữa các nhà lãnh đạo APEC về tính bền vững, khí hậu và chuyển đổi năng lượng công bằng diễn ra trước đó, Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết Singapore rất vui mừng khi Mỹ coi tính bền vững là ưu tiên hàng đầu trong vai trò chủ tịch APEC của mình.
Ông đưa ra 3 gợi ý về những gì các nền kinh tế APEC có thể cùng nhau triển khai hành động để đẩy nhanh tiến bộ về biến đổi khí hậu.
Đầu tiên là đầu tư vào các công nghệ mới, đồng thời lưu ý rằng công nghệ thu hồi, sử dụng và lưu trữ Hydro và Carbon rất hứa hẹn.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng công nghệ mới phải được triển khai trên quy mô lớn để có giá phải chăng và không nền kinh tế nào có thể làm được điều này một mình. Do đó, Singapore bày tỏ mong muốn được hợp tác với các đối tác có cùng quan điểm để mở rộng huỗi cung ứng Hydro có hàm lượng Carbon thấp.
Đề xuất thứ hai của Thủ tướng Lý Hiển Long là các thành viên APEC tiến hành hợp tác để phát triển thị trường Carbon có tính liêm chính cao, với các tiêu chuẩn rõ ràng và hài hoà về tín chỉ Carbon. Điều này sẽ xây dựng lòng tin vào thị trường, đồng thời khuyến khích đầu tư, tạo việc làm và thúc đẩy phát triển bền vững, bao gồm cả việc bảo vệ đa dạng sinh học.
Cùng với đó, các thành viên nên nỗ lực phát triển các mô hình tài chính mới để hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng và khử Carbon, bởi các dự án chuyển đổi khí hậu đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn…