Các nước châu Á được đánh giá là an toàn hơn ngay cả trước đại dịch bùng phát. Ảnh minh họa: Vietnam+
Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam đã tăng thứ bậc trong bảng xếp hạng an toàn hằng năm do nhà cung cấp bảo hiểm du lịch Berkshire Hathaway Travel Protection công bố.
Cuộc khảo sát “State of Travel Insurance Report” năm 2022 cũng cho thấy một số điểm đến du lịch yêu thích của người Mỹ ở châu Âu và Caribe, cụ thể là Italy, Bahamas, Tây Ban Nha, Jamaica và Vương quốc Anh đã bị mất điểm về mức độ an toàn về du lịch.
Australia cũng bị giảm điểm trong bảng xếp hạng. Điều này được minh chứng rõ nhất khi từ năm 2018 đến 2022, quốc gia này từ vị trí đầu tiên đã rơi xuống vị trí thứ 10 trong cuộc khảo sát.
Những nơi “an toàn nhất” để đi du lịch
Theo đó, có 3 quốc gia châu Á được xếp hạng trong top 10 điểm đến an toàn nhất trong cuộc khảo sát được thực hiện với hơn 1.500 người Mỹ vào tháng 9/2021. Được biết, du khách Mỹ được hỏi về nhận xét của họ khi du lịch liên quan đến tội phạm, khủng bố, giao thông và y tế, cũng như sự an toàn của du khách nữ, người da màu hoặc người ở giới tính thứ ba.
Kết quả khảo sát chỉ ra rằng, phụ nữ và các du khách trẻ có xu hướng xem các điểm đến châu Á có mức độ an toàn cao hơn.
Sau Iceland, thế hệ millennials (những người từ 27 – 42 tuổi) xếp hạng Hàn Quốc và Thái Lan là hai điểm đến an toàn nhất thế giới. Điểm tổng hợp cũng cho thấy Việt Nam có mức độ an toàn cao thứ 6 thế giới, cao hơn Hy Lạp xếp ở vị thứ 7. Singapore cũng được đánh giá số 1 về “mức độ an toàn tổng thể” trong cuộc khảo sát dành cho các thành phố.
Thay đổi nhận thức về “an toàn”
Carol Mueller, Phó Chủ tịch Berkshire Hathaway Travel Protection cho biết, trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, khủng bố và tội phạm bạo lực là những mối quan tâm hàng đầu về an toàn du lịch của du khách.
Tuy nhiên, trong bảng khảo sát năm 2022 này, các du khách cho biết, họ lo lắng nhất là việc “có thể đi lại tự do” và “không có dịch bệnh”. Các câu trả lời cho thấy, việc bị mắc kẹt ở một quốc gia thậm chí còn làm lu mờ nỗi sợ hãi về nguy cơ nhiễm bệnh khi đang thực hiện chuyến đi của mình.
Đó có thể là lý do vì sao Canada đứng đầu danh sách. Được biết, Canada đã mở cửa trở lại cho các du khách Mỹ tiêm chủng đầy đủ từ tháng 8/2021, một tháng trước khi cuộc khảo sát được tiến hành. Vị trí địa lý gần giữa Canada và Mỹ là hoàn toàn phù hợp cho các đối tượng du khách có mong muốn “du lịch gần nhà”.
Việc Australia bị giảm điểm có thể là do những hạn chế chống dịch nghiêm ngặt mà nước này áp dụng. Trong đó, biên giới của Australia đã bị đóng cửa vào thời điểm bài khảo sát này được tiến hành.
Thay đổi vị thứ trong bảng xếp hạng
Iceland và Thụy Điển là hai quốc gia vẫn giữ được vị thứ là điểm đến du lịch an toàn. Song, Italy – quốc gia vốn luôn đạt điểm đánh giá cao – lại tụt hạng bởi khó nhập cảnh và vì diễn biến đại dịch COVID-19 còn nhiều phức tạp.
Trong một nhận định có liên quan, Phó Chủ tịch Carol Mueller cho rằng thứ hạng cũng bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi trong phương pháp khảo sát của năm 2022.
“Chỉ những du khách đã đến du lịch trực tiếp tại một địa điểm mới có thể cân nhắc đúng về mức độ an toàn tại nơi ấy. Nhìn từ xa, có thể dễ dàng nghĩ rằng các nước châu Âu là an toàn hơn. Tuy nhiên, những người đã từng đến du lịch tại nhiều điểm đến ở châu Á sẽ tận mắt chứng kiến và cảm nhận mức độ an toàn tại đây”, bà Carol Mueller khẳng định.
Liệu nhận xét này có thể duy trì dài lâu?
Nhiều quốc gia châu Á vươn lên trong bảng xếp hạng đã được các chuyên gia y tế ca ngợi về các chiến thuật mà họ áp dụng để đối phó với đại dịch COVID-19.
Theo sau Abu Dhabi, Singapore xếp thứ 2 và Seoul xếp thứ 3 trong bảng xếp hạng toàn cầu do Cơ quan phân tích Deep Knowledge Analytics có trụ sở tại London (Anh) nghiên cứu về ứng phó với đại dịch ở 72 thành phố.
Cả hai quốc gia, cùng với Nhật Bản có tỷ lệ tử vong liên quan đến COVID-19 thấp nhất thế giới.
Rachel Fu, Giám đốc Viện Du lịch Eric Friedheim của Đại học Florida (Mỹ) cho biết, cách các quốc gia phản ứng với đại dịch COVID-19 sẽ ảnh hưởng đến cách du khách cảm nhận về sự an toàn khi họ đi du lịch, cả trước và trong chuyến đi.
Điều này đóng một vai trò rất quan trọng đối với du khách khu vực và quốc tế.
Trong một diễn biến liên quan đến lĩnh vực du lịch, sau sự sụt giảm dường như vô tận gây nên do dịch COVID-19, cuối cùng, Đông Nam Á cũng đã mở cửa trở lại với thế giới. Số du khách Malaysia, Indonesia, cùng với Ấn Độ và Australia tìm kiếm “Du lịch Singapore” trên Google đã tăng lên trông thấy.
Các chuyến bay đến Singapore từ một số quốc gia khác được dự đoán sẽ tăng đột biến. Cụ thể, nhiều khả năng, số chuyến từ Indonesia đến Singapore sẽ tăng gấp 4 lần, từ 55 chuyến lên đến 222 chuyến, trong khi số chuyến bay từ Ấn Độ đến Singapore dự kiến sẽ đạt 190 chuyến. Con số này cao hơn nhiều so với đầu năm, khi ghi nhận chỉ 100 chuyến.
Trong khi đó, ở Thái Lan, so với tháng 2 vừa qua, số lượng khách nước ngoài đã tăng 38%. Đây là kết quả đạt được nhờ chính phủ Thái Lan nới lỏng yêu cầu xét nghiệm và bảo hiểm du lịch. Mặc dù có sự tăng trưởng, lượng khách quốc tế đến Thái Lan vẫn ở mức 5% - 8% so với giai đoạn tiền đại dịch. Dù vậy, việc nới lỏng hơn nữa các thủ tục giấy tờ từ ngày 1/5 sẽ hỗ trợ tăng lượng khách đến Thái Lan nhanh hơn. Cũng sẽ có sự gia tăng về số chuyến bay từ nước ngoài đến xứ sở chùa Vàng trong vài tháng tới.
Không chỉ du lịch bằng đường hàng không đang phổ biến trở lại ở Đông Nam Á, Thái Lan cũng đã mở lại biên giới đường bộ với Malaysia vào đầu tháng này. Một số người bán hàng dọc biên giới chia sẻ họ rất vui khi được chào đón và phục vụ khách du lịch trở lại, bởi việc đóng cửa các trạm kiểm soát là một khoảng thời gian rất khó khăn với họ và gia đình họ. Trước đại dịch, các tài xế xe ôm cho biết họ có thể kiếm từ 700 đến 800 Bath/ngày, song khi đại dịch diễn ra khiến nhiều hạn chế đi lại bị áp đặt, mỗi ngày họ chỉ kiếm được từ 50 đến 60 Bath.
Trước những thông tin khả quan này, chúng ta hoàn toàn có thể suy nghĩ và tin tưởng rằng du lịch Đông Nam Á đã trở lại.
Đan Lê (Lược dịch từ CNBC & The Thaiger)