Thế giới

Hạn hán chớp nhoáng đang trở thành hiện tượng “bình thường mới”

ClockThứ Bảy, 22/04/2023 07:32
TTH.VN - Các nhà khoa học cho biết, “hạn hán chớp nhoáng” được đánh dấu bởi sự khởi phát và mất đi độ ẩm nhanh chóng từ thực vật và đất, đang gia tăng trên toàn cầu trong bối cảnh biến đổi khí hậu dẫn đến nhiệt độ cao hơn và thay đổi mô hình lượng mưa trên toàn thế giới.

Tổng thống Mỹ công bố thêm quỹ chống biến đổi khí hậuNghị viện châu Âu thông qua luật cấm nhập khẩu hàng hóa liên quan đến phá rừngKinh tế châu Á sẽ tăng trưởng vượt Mỹ và châu Âu trong năm nayĐảo Jeju - Hàn Quốc cân nhắc áp đặt phí du lịchIMF: Trung Quốc sẽ là nguồn tăng trưởng hàng đầu thế giới trong 5 năm tới

leftcenterrightdel
Hạn hán, vấn đề nghiêm trọng đang xuất hiện với tần suất dày đặc hơn do tác động của biến đổi khí hậu. Ảnh minh hoạ: TTXVN/Vietnam+ 

Hạn hán thường là một hiện tượng khởi phát chậm có thể kéo dài hàng tháng, thậm chí là hàng năm bởi việc thiếu mưa.

Tuy nhiên, kết quả của một nghiên cứu do các nhà khoa học Trung Quốc chỉ ra rằng, tồn tại sự thay đổi trên toàn cầu từ hạn hán chuyển biến chậm sang hạn hán chớp nhoáng. Tình trạng này phát triển nhanh chóng và có thể trở nên nghiêm trọng trong vài tuần.

Không giống như hạn hán chuyển biến chậm, hiện tượng gây ra bởi sự suy giảm về lượng mưa theo thời gian, hạn hán chớp nhoáng có lượng mưa thấp kết hợp với nhiều yếu tố khác như nhiệt độ cao, làm bay hơi nhanh và khiến đất, cũng như cây trồng mất nước.

Khái niệm về hạn hán chớp nhoáng đã được đề xuất vào những năm 2000, nhưng nó không được chú ý nhiều cho đến khi một đợt hạn hán nghiêm trọng xảy ra tại Mỹ vào mùa hè 2012.

Trận hạn hán chớp nhoáng này được coi là một trong những đợt hạn hán nghiệm trọng nhất ở Mỹ kể từ những năm 1930 và gây ra thiệt hại kinh tế lên đến 30 tỷ USD.

Mùa hè năm 2022, Trung Quốc cũng phải hứng chịu một trận hạn hán và sóng nhiệt tồi tệ nhất trong 6 thập kỷ, ảnh hưởng đến nguồn cung điện, thức ăn và quá trình sản xuất.

Các nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng biến đổi khí hậu do con người gây ra đã làm tăng dần tần suất hạn hán chớp nhoáng ở miền nam châu Phi và Trung Quốc. Tuy nhiên, nghiên cứu mới đã được thực hiện để đánh giá xem liệu có sự chuyển biến nào từ hạn hán chậm sang hạn hán chớp nhoáng trên quy mô toàn cầu hay không.

Các tác giả đã phân loại hơn 6 thập kỷ hạn hán trái mùa, kéo dài từ 2 tuần đến 3 tháng là hạn hán chớp nhoáng hoặc hạn hán chậm, dựa trên tốc độ khởi phát của chúng hoặc độ ẩm của đất giảm nhanh như thế nào. Sau đó, họ tính toán tỉ lệ hạn hán chớp nhoáng trên tổng số hạn hán theo mùa cũng như tốc độ khởi phát để xem xét xem có xu hướng hạn hán chớp nhoáng trên toàn cầu hay không.

Kết quả cho thấy “hạn hán trái mùa phát triển nhanh hơn và chuyển từ hạn hán chậm sang hạn hán chớp nhoáng trên quy mô toàn cầu” ghi nhận trong giai đoạn từ năm 1951 đến 2014.

Hơn 74% khu vực toàn cầu, ngoại trừ Amazon và Tây Phi đã chứng kiến sự gia tăng về cả tỷ lệ hạn hán chớp nhoáng và tốc độ khởi phát hạn hán trong khoảng thời gian 64 năm.

Quá trình chuyển sang hạn hán chớp nhoáng đáng chú ý nhất là ở Bắc Á và Đông Á, Australia, sa mạc Sahara và bờ biển phía Tây của Nam Mỹ. Quá trình chuyển đổi sang hạn hán chớp nhoáng trở nên ổn định và mạnh mẽ hơn trong thời tiết ấm dần lên, đồng thời kịch bản về sự phát thải cao hơn cũng sẽ gây ra nguy cơ cao về hạn hán chớp nhoáng với thời gian diễn ra nhanh chóng. Điều này tạo nên thách thức đáng kể cho việc thích ứng với biến đổi khí hậu.

Justin Sheffield, đồng tác giả của nghiên cứu và cũng là Giáo sư của Đại học Southampton của Anh nhận định, biến đổi khí hậu đã đẩy nhanh tốc độ xảy ra hạn hán chớp nhoáng.

Mặc dù tồn tại sự khác biệt giữa các khu vực, song vẫn có sự chuyển biến trên quy mô toàn cầu một cách thường xuyên về tình hình của hạn hán chớp nhoáng ghi nhận trong vòng 64 năm qua. Khi chúng ta hướng tới một tương lai ấm hơn, hạn hán chớp nhoáng đang trở thành điều bình thường mới.

Theo các tác giả, quá trình chuyển đổi sang hạn hán chớp nhoáng có thể gây ra những tác động không thể đảo ngược đối với các hệ sinh thái trên cạn và đặt ra những thách thức đối với việc theo dõi và dự đoán hạn hán…

Bởi vậy, cần tìm hiểu sâu hơn về nguyên nhân của hạn hán chớp nhoáng. Điều đó sẽ cho phép các nhà khoa học thiết kế các mô hình có độ phân giải cao và phát triển các công nghệ cảnh báo sớm nhằm cung cấp công cụ khoa học đáng tin cậy hơn để đối phó với hạn hán chớp nhoáng trong bối cảnh trái đất nóng lên.

Nhìn chung, nghiên cứu kết luận rằng những cảnh báo sớm về sự khởi đầu của hạn hán chớp nhoáng trên quy mô vài tuần có thể cực kỳ có lợi trong việc giảm thiểu tác động của hiện tượng và quản lý rủi ro của “tình trạng bình thường mới” này.

Đan Lê (Lược dịch từ Bangkok Post)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hãy dùng hành động để ủng hộ “thỏa thuận xanh” của thế giới

Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP29) tổ chức tại Baku (Azerbaijan) từ ngày 11 - 22/11 đưa tính cấp thiết của việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu trở lại chương trình nghị sự quốc tế.

Hãy dùng hành động để ủng hộ “thỏa thuận xanh” của thế giới
Return to top