Khiêu vũ có thể giúp đánh thức não bộ và giúp bệnh nhân Parkinson tìm thấy niềm vui trong việc vận động cơ thể. Ảnh minh họa: SGGP
Trong lớp học kéo dài một giờ, các bệnh nhân ngồi và bắt đầu làm theo hướng dẫn của anh Kim, với các cử động đơn giản của cánh tay và bàn tay. Một số người trong số họ phải nhờ người chăm sóc giúp đỡ, nhưng hầu hết thời gian họ làm theo các động tác của người hướng dẫn và thích vận động cơ thể theo điệu nhạc cổ điển và khiêu vũ vui vẻ.
Không nhiều người, ngay cả bản thân bệnh nhân, từng nghĩ rằng người bị Parkinson có thể khiêu vũ vì căn bệnh thần kinh này về cơ bản làm cho việc cử động, dù có đơn giản đến mấy, trở nên khó khăn với các triệu chứng như run, cứng, chậm và không thể giữ thăng bằng. Hiện tại, các phương pháp điều trị không thể chữa khỏi bệnh mà chỉ làm chậm quá trình tiến triển của nó.
Tuy nhiên, Dance for PD, được phát triển ở Mỹ và hiện đang hoạt động tại hơn 300 cộng đồng ở 25 quốc gia và được đưa vào Hàn Quốc năm 2017 để giúp bệnh nhân bắt chước các động tác nhảy nhằm tạo ra niềm vui vận động. Nhiều bệnh nhân ở Hàn Quốc cho biết họ nhận thấy khiêu vũ làm giảm các triệu chứng của họ. Tính đến năm 2019 có 125.607 bệnh nhân ở Hàn Quốc mắc bệnh Parkinson.
"Một trong những triệu chứng của bệnh là người mắc phải khó biểu cảm trên khuôn mặt. Một bệnh nhân tham gia chương trình vào năm 2017 đã không thể kiểm soát cơ mặt của mình, nhưng sau một vài năm, họ đã có thể biểu hiện một số biểu cảm và cũng có một số cải thiện trong việc đi bộ. Đó là một khoảnh khắc tuyệt vời đối với tôi với tư cách là một giáo viên,” anh Kim nói với The Korea Times và cho biết thêm rằng khiêu vũ có thể giúp ích cho mọi người cả về tinh thần và thể chất.
“Một nhân viên y tế nói với tôi rằng họ đã nhìn thấy vợ tôi - người bị bệnh Parkinson và khó có thể di chuyển nếu không có thuốc - nhảy múa một mình trong phòng bệnh khi tôi không có mặt ở đó. Các nhân viên đã rất ngạc nhiên vì giống như nhiều bệnh nhân mắc bệnh này, cô ấy thậm chí còn không thể cử động chân hay cầm thìa… Tôi nghĩ khiêu vũ có thể đánh thức não bộ và một số bản năng của con người giúp con người vận động cơ thể,” theo anh Kim Young-chul, một người đang chăm sóc người vợ bị mắc bệnh Parkinson trong 20 năm qua.
Chương trình khiêu vũ này không chỉ giúp bệnh nhân đối phó với căn bệnh mà còn là liệu pháp điều trị khi nhiều người có xu hướng tự cô lập bản thân vì căn bệnh này.
“Khi mở đầu buổi học, các hướng dẫn viên bắt đầu với các động tác cơ nhỏ vì cơ thể bệnh nhân quá cứng. Nhiều người hướng dẫn sau đó đã giới thiệu các động tác múa ba lê và âm nhạc của Romeo và Juliet. Nhưng tôi nghĩ hầu hết bệnh nhân Hàn Quốc của tôi đã già nên không thể làm quen với việc đó. Vì vậy, thay vì tuân theo phiên bản gốc, tôi và các đồng nghiệp cố gắng giới thiệu những bài hát quen thuộc với người Hàn Quốc như các bài hát nhạc trot hay pop nổi tiếng,” anh Kim Mu-hyun nói.
“Tôi hy vọng chương trình khiêu vũ có thể được giới thiệu rộng rãi trong nước để nhiều bệnh nhân có thể tận hưởng việc khiêu vũ và cải thiện bệnh tình của họ. Cho đến nay, chương trình đã rất hữu ích cho những bệnh nhân sống ở Seoul.”
Anh Tuấn (Lược dịch từ The Korean Times)