Thế giới

LHQ cảnh báo các chiêu thức tiếp thị sữa công thức trẻ em gây nhiều lầm tưởng

ClockThứ Bảy, 26/02/2022 20:32
TTH.VN - Theo một báo cáo mới của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp quốc (UNICEF), các bậc phụ huynh và phụ nữ mang thai trên thế giới đang phải tiếp xúc với các chiến dịch tiếp thị rầm rộ sữa công thức dành cho trẻ em một cách quá mức, đặt ra rào cản đối với việc cho con bú sữa mẹ.

UNICEF kêu gọi tăng cường chính sách hỗ trợ thúc đẩy nuôi con bằng sữa mẹCho con bú lâu hơn giúp tiết kiệm gần 1 tỉ USD mỗi ngàyNuôi con bằng sữa mẹ giúp các bà mẹ giảm nhẹ nguy cơ bị cao huyết ápTuần lễ Thế giới Nuôi con bằng sữa mẹ: "Thời gian là tất cả"UNICEF kêu gọi các quốc gia giàu có tăng cường nuôi con bằng sữa mẹLHQ khuyến khích cho con bú sữa mẹ để giúp trẻ có khởi đầu tốt nhất

Sữa công thức được tiếp thị quá mức gây nhiều lầm tưởng cho phụ huynh. Ảnh: Asianparents

“Tiếp thị sữa công thức ảnh hưởng thế nào đến các quyết định nuôi dưỡng trẻ sơ sinh” là cảnh báo trong một loạt báo cáo của WHO phối hợp với UNICEF, dựa trên các cuộc phỏng vấn với các bậc phụ huynh, phụ nữ mang thai và nhân viên y tế ở 8 quốc gia, gồm Bangladesh, Trung Quốc, Mexico, Maroc, Nigeria, Nam Phi, Vương quốc Anh và Việt Nam.

Tiếp thị quá mức

UNICEF và WHO khẳng định rằng ngành công nghiệp sữa công thức đã sử dụng các chiến lược tiếp thị có hệ thống để tác động đến quyết định chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ của cha mẹ và các hoạt động này có thể làm tổn hại chế độ dinh dưỡng trẻ em, vi phạm các cam kết quốc tế.

Báo cáo từ WHO, UNICEF và M&C Saatchi cho biết, các kỹ thuật tiếp thị có thể đẩy phụ nữ ra khỏi việc cho con bú sữa mẹ và bao gồm rất nhiều chiêu thức, từ phát mẫu thử miễn phí, các chương trình khuyến mãi hấp dẫn… cho đến việc các nhân viên hay thậm chí lãnh đạo cấp cao thành lập hoặc tham gia vào các hội nhóm “bỉm sữa” trên các mạng xã hội hoặc ứng dụng nhắn tin phổ biến.

Không chỉ vậy, các nhân viên y tế cũng được nhắm đến, thông qua các chương trình quà tặng, tài trợ cho nghiên cứu và cả trích hoa hồng từ việc bán hàng. Theo WHO, tất cả các hành vi này đều bị cấm theo hướng dẫn quốc tế về tiếp thị sữa công thức và WHO khuyến nghị cho trẻ sơ sinh bú sữa mẹ hoàn toàn, nếu có thể, là lựa chọn lành mạnh hơn.

Rào cản đối với việc cho con bú

Báo cáo nhấn mạnh rằng ngành công nghiệp sữa công thức trị giá 55 tỷ USD/năm này thường cung cấp thông tin sai lệch và không có cơ sở khoa học cho phụ huynh và nhân viên y tế, đồng thời vi phạm Quy tắc tiếp thị quốc tế về sản phẩm thay thế sữa mẹ - một thỏa thuận sức khỏe cộng đồng mang tính bước ngoặt nhằm bảo vệ các bà mẹ khỏi hoạt động tiếp thị quá mức của ngành thực phẩm trẻ em.

Sau khi khảo sát 8.500 phụ huynh và phụ nữ mang thai, và 300 nhân viên y tế trên toàn cầu, báo cáo cho thấy mức độ tiếp xúc với tiếp thị sữa công thức đều trên 80% (84% ở Vương quốc Anh; 92% ở Việt Nam và 97% ở Trung Quốc), làm tăng khả năng chọn nuôi con bằng sữa công thức.

Bà Catherine Russell, Giám đốc Điều hành UNICEF cho biết: “Những thông điệp sai lệch và gây hiểu lầm về việc nuôi con bằng sữa công thức là một rào cản đáng kể đối với việc nuôi con bằng sữa mẹ”.

Một bà mẹ Ethiopia cam kết nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời. Ảnh: UNICEF/Nhandan

Thông điệp gây hiểu lầm

Ở tất cả các quốc gia được khảo sát, đa số phụ nữ đều bày tỏ mong muốn mạnh mẽ được cho con bú mẹ hoàn toàn, dao động từ 49% ở Maroc đến 98% ở Bangladesh.

Tuy nhiên, báo cáo của WHO và UNICEF cho thấy một luồng thông điệp tiếp thị gây hiểu lầm được lặp lại liên tục có thể củng cố những lầm tưởng về nuôi con bằng sữa mẹ và làm suy giảm niềm tin của người mẹ vào khả năng cho con bú thành công của bản thân.

Những lầm tưởng hoang đường

Một số lầm tưởng xung quanh việc nuôi con bằng sữa mẹ bao gồm việc sữa mẹ không đủ dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh; sữa công thức dành cho trẻ nhỏ có thể cải thiện sự phát triển hoặc khả năng miễn dịch; và chất lượng sữa mẹ giảm dần theo thời gian.

Theo dữ liệu, việc cho trẻ bú mẹ trong vòng một giờ đầu sau sinh, sau đó là bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng và tiếp tục cho trẻ bú mẹ đến 2 năm hoặc lâu hơn, mang lại “một tuyến phòng thủ mạnh mẽ” chống lại tất cả các dạng suy dinh dưỡng ở trẻ em.

Nuôi con bằng sữa mẹ cũng đóng vai trò như liều vaccine đầu tiên cho trẻ sơ sinh, bảo vệ trẻ chống lại nhiều bệnh thông thường ở trẻ nhỏ, đồng thời giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, béo phì và một số dạng ung thư trong tương lai ở các bà mẹ đang cho con bú.

Theo WHO, nuôi con bằng sữa mẹ là cách tốt nhất để cung cấp cho trẻ sơ sinh các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển khỏe mạnh, và có thể ngăn ngừa 13% trường hợp tử vong ở trẻ em.

Một nghiên cứu lớn vào năm 2016 cho thấy hơn 800.000 trẻ em dưới 5 tuổi có thể được cứu sống mỗi năm, nếu tất cả trẻ em 0-23 tháng được tối ưu việc bú sữa mẹ.

Doanh số bán sữa công thức tăng gấp đôi trong 20 năm

Bất chấp những lợi ích của nuôi con bằng sữa mẹ, trên thế giới hiện chỉ có 44% trẻ dưới 6 tháng tuổi được bú mẹ hoàn toàn.

Trong khi tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ trên toàn cầu tăng rất ít trong 2 thập kỷ qua, doanh số bán sữa công thức đã tăng hơn gấp đôi trong khoảng thời gian đó. 

Và đáng báo động, báo cáo lưu ý rằng ngành công nghiệp thực phẩm cho trẻ sơ sinh đã tiếp cận các nhân viên y tế ở các quốc gia với các chương trình tặng quà, hay hoa hồng bán hàng… để tác động đến các bà mẹ mới sinh về lựa chọn cho con bú của họ. Cụ thể, hơn 1/3 số phụ nữ được khảo sát nói rằng ít nhất một nhân viên y tế đã giới thiệu một nhãn hiệu sữa công thức cụ thể cho họ.

Giải quyết thách thức

Sau khi phát hành báo cáo, WHO, UNICEF và các đối tác đã kêu gọi các Chính phủ, nhân viên y tế và ngành công nghiệp thực phẩm trẻ em chấm dứt hoạt động tiếp thị quá mức đối với sữa công thức.

Các tác giả của báo cáo và một số chuyên gia cũng cho rằng đã đến lúc phải cải tổ Quy tắc tiếp thị quốc tế về sản phẩm thay thế sữa mẹ.

Họ cũng kêu gọi thực hiện đầy đủ các yêu cầu của Bộ quy tắc, bao gồm thông qua, giám sát và thực thi luật để ngăn chặn việc quảng cáo sữa công thức; đầu tư vào các chính sách và chương trình hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ, chẳng hạn như chế độ nghỉ phép của cha mẹ được trả lương đầy đủ; và cấm nhân viên y tế nhận tài trợ từ các công ty tiếp thị thực phẩm cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ để được học bổng, giải thưởng, trợ cấp, hội họp hoặc sự kiện.

Sữa công thức và thuốc lá là hai sản phẩm duy nhất có các hướng dẫn quốc tế để ngăn chặn việc tiếp thị.

Tố Quyên (Lược dịch từ UN News & CNA)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngày Trẻ em thế giới (20/11):
UNICEF chỉ ra những xu hướng lớn sẽ tác động đến cuộc sống của trẻ em

Sự thay đổi nhân khẩu học, biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng, và quá trình chuyển đổi công nghệ nhanh chóng có nguy cơ tạo ra một tương lai ảm đạm cho trẻ em vào giữa thế kỷ 21, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cảnh báo trong một báo cáo thường niên, được công bố vào Ngày Trẻ em thế giới (20/11).

UNICEF chỉ ra những xu hướng lớn sẽ tác động đến cuộc sống của trẻ em
COP29: WHO yêu cầu đưa vấn đề sức khỏe vào các cuộc đàm phán về khí hậu

Ngay trước thềm Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lên tiếng kêu gọi chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, đồng thời ủng hộ sự thích ứng và phục hồi lấy con người làm trung tâm.

COP29 

WHO yêu cầu đưa vấn đề sức khỏe vào các cuộc đàm phán về khí hậu
WHO triển khai chiến lược toàn cầu ứng phó với bệnh sốt xuất huyết

Tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết tổ chức này vừa khởi động Kế hoạch chiến lược toàn cầu nhằm chuẩn bị, sẵn sàng và ứng phó với bệnh sốt xuất huyết và các bệnh truyền nhiễm khác gây ra bởi arbovirus (virus lây truyền từ động vật chân đốt, ví dụ như muỗi Aedes).

WHO triển khai chiến lược toàn cầu ứng phó với bệnh sốt xuất huyết
Return to top