Người di cư và người tị nạn trong một hoạt động cứu hộ trên biển. Ảnh: AFP
Đến cuối năm 2017, con số này tăng hơn gần 3 triệu người so với năm trước đó và tăng 50% so với con số 42,7 triệu người phải di dời từ một thập kỷ trước, theo một báo cáo của Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR).
Con số hiện tại tương đương với toàn bộ dân số của Thái Lan, và số người buộc phải di dời tương đương với 1/110 người toàn cầu.
Để việc quản lý sự di dời bắt buộc trên toàn cầu một cách thành công đòi hỏi cách tiếp cận mới và toàn diện hơn nhiều. Có như vậy, các quốc gia và cộng đồng không còn phải đối mặt với vấn đề này một mình, người đứng đầu Cao ủy LHQ về người tị nạn, ông Filippo Grandi cho biết.
Tuy nhiên, khoảng 70% trong số những người này chỉ đến từ 10 quốc gia, ông Grandi nói với các phóng viên ở thành phố Geneva của Thuỵ Sĩ trước khi báo cáo nói trên được công bố.
"Nếu có giải pháp cho những xung đột ở 10 quốc gia đó, hoặc ít nhất là một số quốc gia trong đó, thì con số khổng lồ này thay vì tăng lên hàng năm, có thể bắt đầu giảm xuống", ông Grandi khẳng định; đồng thời lên tiếng kêu gọi ý chí chính trị mạnh mẽ hơn để ngăn chặn các cuộc khủng hoảng khiến quá nhiều người phải rời bỏ nhà cửa.
1 người phải di dời cứ mỗi 2 giây
Báo cáo cho thấy, 16,2 triệu người mới di dời hồi năm ngoái, bao gồm cả những người buộc phải chạy trốn lần đầu tiên, cũng như những người đã buộc phải di dời trước đây.
Con số này tương đương với khoảng 44.500 người phải rời bỏ nhà cửa mỗi ngày, hay 1 người buộc phải di dời cứ mỗi 2 giây, UNHCR lưu ý. Hầu hết là những người chạy trốn trong đất nước của họ, và được định nghĩa là những người di dời nội bộ.
Đến cuối năm 2017, có khoảng 40 triệu người phải di dời nội bộ trên toàn thế giới, giảm nhẹ so với những năm trước đó, với Colombia, Syria và Cộng hòa Dân chủ Congo chiếm số lượng lớn nhất.
Ngoài ra, 25,4 triệu người khác, hơn 1/2 trong số đó là trẻ em đã được đăng ký là người tị nạn hồi năm ngoái. Con số này cao hơn gần 3 triệu người so với năm 2016 và "tổng số người phải di dời được biết đến cao nhất, tính đến nay", báo cáo cho hay.
Những con số đáng báo động
Đến cuối năm ngoái, chỉ riêng cuộc xung đột kéo dài 7 năm ở Syria đã đẩy hơn 6,3 triệu người ra khỏi đất nước, chiếm gần 1/3 dân số tị nạn toàn cầu. Trong khi đó, 6,2 triệu người Syria khác phải di dời trong nước.
Bên cạnh đó, quốc gia có người tị nạn lớn thứ hai trong năm 2017 là Afghanistan, nơi có dân số tị nạn tăng 5% trong năm lên 2,6 triệu người.
Đáng chú ý, Nam Sudan chứng kiến mức tăng mạnh nhất trong năm ngoái, với số lượng người tị nạn chạy trốn khỏi quốc gia trẻ nhất thế giới tăng mạnh từ 1,4 triệu người vào đầu năm 2017, lên 2,4 triệu người vào cuối năm 2017. Ông Grandi nhận định, Nam Sudan đã trải qua "một tình trạng khẩn cấp rất tồi tệ".
Người tị nạn từ Myanmar cũng tăng hơn gấp đôi hồi năm ngoái lên 1,2 triệu người. Báo cáo cũng nhấn mạnh sự di dời quy mô lớn ở Iraq, Somalia, Sudan, và Cộng hoà Dân chủ Congo trong số những quốc gia khác.
Mặc dù sự tập trung hướng tới số lượng người di cư đến châu Âu và Mỹ, có đến 85% người tị nạn đang sống ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình như Lebanon, Pakistan và Uganda, ông Grandi nhấn mạnh. Thổ Nhĩ Kỳ đã tiếp nhận số lượng người tị nạn lớn nhất, với 3,5 triệu người đăng ký ở quốc gia này đến cuối năm 2017, hầu hết trong số họ là người Syria.
Lê Thảo (Lược dịch từ AFP & UNHCR)