Khói được thải ra từ một nhà máy ở Drogenbos, gần thủ đô Brussels, Bỉ. Ảnh: Reuters
Cụ thể, khoản tài trợ từ 6 ngân hàng phát triển đa phương để thúc đẩy các dự án giải quyết rủi ro khí hậu và cắt giảm khí thải đạt 43,1 tỷ USD tại các quốc gia đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi hồi năm ngoái, tăng 22% so với năm trước đó và chiếm gần 30% tổng số hoạt động của các ngân hàng.
Một số dự án được tài trợ bao gồm việc lắp đặt các rào cản lũ lụt tại những địa điểm của chương trình nhà ở nông thôn giá thấp có nguy cơ lũ lụt và hỗ trợ cho các hành động chính sách, chẳng hạn như tăng tốc và tăng cường kế hoạch năng lượng tái tạo của một quốc gia.
Báo cáo chung được công bố bởi Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB), Nhóm Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ (IDBG), và Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG).
Những ngân hàng này cam kết gần 237 tỷ USD tài trợ khí hậu cho các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi kể từ năm 2011.
Được biết, 6 ngân hàng này đã công bố một khuôn khổ chung vào năm 2018 để phù hợp với hoạt động của họ với Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, nhằm mục tiêu giữ cho mức tăng của nhiệt độ toàn cầu ở gần 1,5 độ C nhất có thể.
Phần lớn tài trợ khí hậu của các ngân hàng trong năm ngoái được hướng đến mục tiêu cắt giảm phát thải khí nhà kính và làm chậm sự nóng lên toàn cầu, với hơn 30 tỷ USD đầu tư.
Trong khi đó, gần 13 tỷ USD cũng được đầu tư vào các nỗ lực thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu, bao gồm hạn hán, lũ lụt ngày càng nghiêm trọng, các sự kiện thời tiết khắc nghiệt nhiều hơn và mực nước biển dâng cao.
Ngoài ra, các ngân hàng đã báo cáo 68,1 tỷ USD đồng tài trợ ròng về khí hậu, hoặc đầu tư từ khu vực công và tư nhân.
Trong đó, Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) đã cam kết 5,7 tỷ USD tài trợ khí hậu vào năm 2018 cho các quốc gia đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi, xếp thứ 2 sau Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG), với mức cam kết 21,3 tỷ USD, theo báo cáo nói trên.
“Mức tăng này cho thấy tín hiệu quan trọng rằng, các ngân hàng phát triển đa phương và EIB sẵn sàng ứng phó với những thách thức do biến đổi khí hậu gây ra”, bà Emma Navarro, người đứng đầu về hành động khí hậu và môi trường của EIB nhận định trong một tuyên bố.
Lê Thảo (Lược dịch từ Reuters)