Lá cờ ASEAN và quốc kỳ của các quốc gia thành viên. Ảnh: AFP
Nhờ các chính sách tăng trưởng và sự hiện diện của những công ty năng động, các thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nằm trong số những nền kinh tế mới nổi vượt trội nhất thế giới, theo một báo cáo do Viện Toàn cầu McKinsey (MGI) phát hành ngày 14/9.
Tuy nhiên, báo cáo cũng lưu ý, khu vực cần phải giải quyết các vấn đề, chẳng hạn như bất bình đẳng về thu nhập để duy trì đà tăng trưởng nhanh chóng này.
Được biết, MGI đã phân tích 71 nền kinh tế mới nổi trên thế giới và xác định 18 nền kinh tế có sức tăng trưởng mạnh mẽ và chắc chắn hơn so với các nền kinh tế khác. ASEAN có 8 trong số những “nền kinh tế vượt trội” này.
Những nền kinh tế vượt trội ở ASEAN bao gồm Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan, trung bình đạt ít nhất 3,5% tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người hàng năm trong 50 năm qua. Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam tăng trưởng 5% hàng năm trong vòng 20 năm qua.
Yếu tố thúc đẩy tăng trưởng
Về những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng trong khu vực, các tác giả của báo cáo nhấn mạnh 2 yếu tố cốt lõi. Đó là chương trình nghị sự chính sách tăng trưởng và sự hiện diện của những công ty năng động.
“Chương trình nghị sự bắt đầu với năng suất cao hơn, có thể thực hiện bằng việc tích lũy vốn và công nghệ. Thành quả của năng suất được cải thiện sau đó được phân bổ trên toàn bộ nền kinh tế thông qua số lượng việc làm nhiều hơn và lương cao hơn cho người lao động, đưa nhiều người hơn vào tầng lớp trung lưu, đồng thời hỗ trợ mức tiêu thụ và tiết kiệm cao hơn”, báo cáo nói trên cho hay.
Trong khi đó, sự hiện diện của các công ty lớn cũng giúp nâng cao tăng trưởng GDP và khuyến khích cải thiện năng suất giữa các công ty nhỏ hơn. Đáng chú ý, doanh thu từ những công ty lớn này chiếm 37% GDP ở các quốc gia ASEAN, so với 28% ở các công ty của những nền kinh tế mới nổi.
Tuy nhiên, ASEAN sẽ cần giải quyết các vấn đề, bao gồm chuyển đổi mô hình thương mại, sự thay đổi về nhân khẩu học, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo tiên tiến, cũng như bất bình đẳng thu nhập gia tăng ở một số quốc gia.
“Thách thức sẽ là việc duy trì đà tăng trưởng và tiếp tục thu hẹp khoảng cách GDP bình quân đầu người với các quốc gia có thu nhập cao trong giai đoạn thay đổi bởi tiến bộ công nghệ nhanh chóng, và thay đổi về nhân khẩu học. Đặc biệt, một trọng tâm mới về thúc đẩy tăng năng suất và giải quyết sự bất bình đẳng và cân bằng giới tính sẽ là điều quan trọng để đảm bảo các quốc gia ASEAN có thể tiếp tục trên con đường thịnh vượng hơn và rộng lớn hơn”, ông Oliver Tonby, Chủ tịch văn phòng McKinsey tại châu Á khẳng định.
Qua đó, báo cáo kêu gọi các nhà hoạch định chính sách khu vực và các nhà lãnh đạo kinh doanh tập trung vào năng suất theo hướng kỹ thuật số, phát triển lực lượng lao động và cơ sở hạ tầng.
Nếu những cải tiến này được thực hiện, ASEAN có thể sẽ tiếp tục hoạt động tốt hơn và tăng gấp đôi tổng GDP hàng năm lên khoảng 5 nghìn tỷ USD, theo MGI. Ở cấp độ đó, GDP của ASEAN sẽ chiếm khoảng 5% GDP toàn cầu.
Thanh Ngân (Lược dịch từ CNA)