Thế giới

Tổng giám đốc WHO: Thế giới có thể bắt đầu mơ đại dịch kết thúc

ClockThứ Bảy, 05/12/2020 10:40
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đưa ra thông điệp khả quan về Covid-19 trong bài phát biểu trước phiên họp cấp cao đầu tiên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) về đại dịch hôm 4/12. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo dù có thể ngăn chặn được virus nhưng "con đường phía trước vẫn còn gian nan".

WHO: “Đại dịch tin giả” gây nguy hại cho vắc-xin ngừa COVID-19WHO: Mọi quốc gia đều phải được hưởng lợi từ vaccine COVID-19WHO kêu gọi mọi người đồng lòng, tiếp tục chống dịch COVID-19WHO kêu gọi các nước không “chính trị hóa” dịch Covid-19Châu Âu hành động khẩn cấp khi đại dịch diễn biến nghiêm trọng

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tại Geneva hồi tháng 7. Ảnh: Reuters

Ông cho rằng đại dịch đã cho nhân loại thấy "điều tốt nhất và tệ nhất", về "lòng nhân ái và những hành động hy sinh truyền cảm hứng, những thành công ngoạn mục của khoa học và sáng tạo, và những minh chứng ấm lòng về tình đoàn kết, nhưng cũng có những dấu hiệu đáng lo ngại về sự tư lợi, đổ lỗi và chia rẽ".

Nhắc đến số lây nhiễm và tử vong đang gia tăng, Tedros lưu ý những "nơi khoa học bị nhấn chìm bởi các thuyết âm mưu, nơi sự đoàn kết bị chia rẽ phá hoại, nơi hy sinh bị thay bằng tư lợi, virus sẽ phát triển và lây lan mạnh". Ông không nói rõ quốc gia nào.

Ông cảnh báo vaccine sẽ "không giải quyết được tận gốc lỗ hổng" nghèo đói, bất bình đẳng và biến đổi khí hậu, những điều cần phải giải quyết sau khi đại dịch kết thúc.

"Chúng ta không thể và không được phép quay lại mô hình sản xuất và tiêu dùng tận diệt như trước, không được phép coi thường hành tinh đã duy trì sự sống này, không được phép quay lại vòng tròn hoảng loạn và can thiệp, cũng như quay lại những nền chính trị gây chia rẽ đã thúc đẩy đại dịch này", ông nói.

Nhắc tới vaccine, Tedros cho rằng "ánh sáng cuối đường hầm đang sáng dần lên", nhưng vaccine "phải được chia sẻ bình đẳng như một loại hàng hóa công toàn cầu, chứ không phải loại hàng hóa tư nhân, loại hàng làm gia tăng sự bất bình đẳng và trở thành một lý do khác khiến một số người bị bỏ lại phía sau".

Ông cho biết chương trình ACT-Accelerator của WHO nhằm phát triển nhanh vaccine và phân phối công bằng "đang đứng trước nguy cơ trở thành một nghĩa cử cao đẹp không hơn" nếu không có nguồn tài trợ mới.

Tedros cho hay cần ngay 4,3 tỷ USD để tạo cơ sở mua vaccine số lượng lớn và phân phối, cũng như cần thêm 23,9 tỷ USD nữa cho năm 2021. Tổng số đó chưa bằng một nửa của 1% trong số 11.000 tỷ USD các gói kích thích kinh tế mà nhóm 20 quốc gia giàu nhất thế giới công bố.

Trong phiên khai mạc cuộc họp Đại hội đồng hôm 3/12, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi tài trợ tương tự cho chương trình ACT-Accelerator. Phát ngôn viên LHQ Stephane Dujarric hôm 4/12 cho biết Guterres đang thất vọng và trông đợi "nhiều quốc gia có năng lực cam kết đầu tư hơn".

Tedros cho cho rằng dù được cảnh báo sớm nhiều năm, nhiều quốc gia vẫn không chuẩn bị trước cho đại dịch và cho rằng hệ thống y tế của nước mình đủ để bảo vệ người dân. Nhiều nước đối phó tốt với khủng hoảng là những nước từng có kinh nghiệm đối phó với SARS, MERS, HINI và các bệnh truyền nhiễm khác.

WHO bị chỉ trích gay gắt từ khi dịch bùng phát tới nay vì không đóng vai trò mạnh mẽ hơn trong xử lý đại dịch.

Tedros cho hay một ủy ban của WHO thành lập hồi tháng 9 đang xem xét lại các quy ước y tế quốc tế. WHO đang làm việc với một số quốc gia để phát triển một chương trình thí điểm, trong đó các nước đồng ý cho phép đánh giá thường xuyên và minh bạch về khả năng ứng phó y tế của mình.

Đại dịch cũng cho thấy sự cần thiết phải có một hệ thống toàn cầu nhằm chia sẻ các mẫu virus và mầm bệnh, để tạo thuận lợi phát triển "các biện pháp đối phó y tế như một loại hàng hóa y tế công toàn cầu", Tedros nói, hoan nghênh đề xuất của Thụy Sĩ về sử dụng phòng thí nghiệm an ninh cao để quản lý một ngân hàng sinh học mới.

Tedros cũng ủng hộ đề xuất của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel về một hiệp ước quốc tế mà WHO sẽ giám sát nguy cơ các bệnh truyền nhiễm mới nổi ở động vật có khả năng lây sang người, đảm bảo cảnh báo kịp thời, cải thiện khả năng tiếp cận y tế và giải quyết nhu cầu tài chính. Ông cho rằng điều này sẽ cung cấp "nền tảng chính trị" để củng cố ngành y tế toàn cầu.

Mỗi năm thế giới chi 7,5 nghìn tỷ USD cho y tế, gần bằng 10% GDP toàn cầu, nhưng phần lớn số tiền đó sử dụng ở các nước giàu để điều trị bệnh hơn là "thúc đẩy bảo vệ sức khỏe".

"Chúng ta cần suy nghĩ lại triệt để về cách nhìn nhận và đánh giá sức khỏe", ông nói. "Nếu thế giới muốn tránh một cuộc khủng hoảng khác có quy mô như lần này...đầu tư vào các chức năng cơ bản của y tế công cộng, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe ban đầu, là vô cùng cần thiết".

Theo Vnexpress

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hội nghị Sức khỏe răng miệng toàn cầu lần đầu tiên được tổ chức

Từ ngày 26 - 29/11, các đoàn đại biểu từ hơn 110 quốc gia đang tập trung ở Thủ đô Bangkok, Thái Lan để đưa ra các lộ trình quốc gia và đàm phán một tuyên bố chung về sức khỏe răng miệng tại Hội nghị Sức khỏe răng miệng toàn cầu đầu tiên, do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức.

Hội nghị Sức khỏe răng miệng toàn cầu lần đầu tiên được tổ chức
COP29: WHO yêu cầu đưa vấn đề sức khỏe vào các cuộc đàm phán về khí hậu

Ngay trước thềm Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lên tiếng kêu gọi chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, đồng thời ủng hộ sự thích ứng và phục hồi lấy con người làm trung tâm.

COP29 

WHO yêu cầu đưa vấn đề sức khỏe vào các cuộc đàm phán về khí hậu
Return to top