ClockThứ Bảy, 01/04/2017 05:41

Thêm nhiều đối tượng được bồi thường do sự cố môi trường biển

TTH - Nhiều người dân rất phấn khởi khi Quyết định 309 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 9/3/2017, bổ sung thêm nhiều đối tượng được bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển.

Nghề khai thác trên đầm phá ven biển ở Hương Phong (TX Hương Trà) thuộc diện được bồi thường

Ông Trần Thìn, ngư dân xã Lộc Bình (Phú Lộc) tâm sự: “Từ ngày xảy ra sự cố môi trường biển, các hoạt động đánh bắt, nuôi trồng của ngư dân vùng đầm phá bị ảnh hưởng, thiệt hại khá nặng. Cá, tôm đánh bắt ở đầm phá ven biển bán giá thấp, cá nuôi chết hàng loạt, không bán được khiến đời sống người dân rất khó khăn. Những ngày qua, nghe trên tivi, báo chí nói về quy định mới của Chính phủ có thêm nhiều đối tượng được bồi thường, trong đó có ngư dân vùng đầm phá, người dân chúng tôi rất vui".

Ông Lê Túy, Bí thư Đảng ủy xã Lộc Bình cho biết, ngay sau khi có Quyết định 309 của Thủ tướng Chính phủ, Đảng ủy chỉ đạo các ban, ngành tập trung rà soát, thống kê các đối tượng theo quy định. Đến nay, công tác rà soát và niêm yết danh sách cơ bản hoàn thành. Chỉ còn một số đối tượng phải được thẩm định kỹ nhằm đảm bảo công bằng, không bỏ sót, dự kiến khoảng một tuần nữa sẽ niêm yết công khai danh sách bồi thường tại UBND xã và nhà văn hóa các thôn.

Các hộ nuôi tôm trên cát ở Phong Điền thuộc diện được bồi thường trong đợt này

Đối tượng liên quan khác được bổ sung bồi thường là các hộ kinh doanh, buôn bán, dịch vụ nhà hàng ăn uống tại các bãi biển. Anh Trần Linh, chủ nhà hàng ven biển ở thôn Hải Nhuận, xã Phong Hải (Phong Điền) chia sẻ: “Nếu không được bồi thường sẽ thiếu công bằng và người buôn bán tại các bãi biển gặp khó khăn. Giờ đây, tui cũng như bà con rất phấn khởi khi biết được Chính phủ vừa ban hành quy định đối tượng như chúng tôi thuộc diện bồi thường do sự cố môi trường biển. Mong rằng, kinh phí bồi thường sớm đến tay người dân để ổn định cuộc sống, có điều kiện tái đầu tư kinh doanh trong dịp hè năm nay”.

Ông Phan Khánh, Chủ tịch UBND xã Phong Hải cho biết, chính quyền địa phương đang rà soát các hộ kinh doanh, buôn bán ven biển, chủ yếu kinh doanh dịch vụ ăn uống trong mùa hè. Các hộ này cũng bị ảnh hưởng, thiệt hại khá lớn do sự cố môi trường biển. Tuy nhiên, các hộ kinh doanh được kê khai, đề nghị bồi thường phải họat động thường xuyên và có đăng ký với chính quyền địa phương. Dự kiến, đối tượng này ở địa phương khoảng 50 hộ với hàng trăm lao động. Vài ngày tới địa phương sẽ niêm yết công khai danh sách được bồi thường.

Sau khi bổ sung các đối tượng theo Quyết định 309, tổng thiệt hại do ảnh hưởng sự cố môi trường biển ước tính 988,5 tỷ đồng; trong đó đợt 1 là 750 tỷ đồng, đợt 2 là 238,5 tỷ đồng. Kết quả đã phê duyệt giá trị thiệt hại toàn tỉnh là 680,76 tỷ đồng cho trên 20 ngàn đối tượng.

Ông Nguyễn Đình Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thông tin, trên cơ sở các quy định tại Quyết định 309, Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính hướng dẫn các địa phương tổ chức tính toán định mức bồi thường, thẩm định, phê duyệt, chi trả bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển. Theo đó, đối với các chủ tàu và người lao động trên tàu/thuyền không lắp máy, hoặc có lắp máy khai thác thủy sản trong đầm phá bị thiệt hại do sự cố môi trường biển được bồi thường mỗi tháng 1,8 triệu đồng/thuyền không lắp máy và 2,15 triệu đồng/thuyền lắp máy (trong 6 tháng).

Các chủ cửa hàng ăn uống và lao động phục vụ khách du lịch có địa điểm kinh doanh tại các xã, phường, thị trấn ven biển, bị thiệt hại bởi sự cố môi trường biển được bồi thường 2,91 triệu đồng/người/tháng (trong 6 tháng).

Đối với lao động có tính chất đơn giản, không thường xuyên, có thu nhập chính dựa vào nguồn lợi từ biển, đầm phá, cửa sông như câu, lặn, nghề cào, nơm, chụp, bẫy; các phương thức khai thác khác bị thiệt hại do sự cố môi trường biển, hoặc có thu nhập chính từ các cơ sở nuôi trồng thủy sản, sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản mặn, lợ phải tạm dừng sản xuất do nguồn nước biển bị ô nhiễm bởi sự cố môi trường biển… được bồi thường 1,455 triệu đồng/người/tháng (trong 6 tháng).

Riêng với 3 đối tượng, khai thác thủy sản trên tàu có công suất máy chính từ 90CV trở lên và tàu/thuyền không lắp máy, hoặc có lắp máy khai thác thủy sản trong đầm phá; nuôi trồng thủy sản và sản xuất muối; thu nhập bị mất của người lao động làm thuê được tính chung trong định mức bồi thường thiệt hại của chủ tàu hoặc chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Biến đổi khí hậu có thể khiến GDP toàn cầu năm 2050 giảm gần 20%

Một nghiên cứu do chính phủ Đức hỗ trợ cho thấy đến giữa thế kỷ này, thiệt hại đối với nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, năng suất và sức khỏe con người do biến đổi khí hậu ước tính có thể lên đến khoảng 38.000 tỷ USD/năm, tức gần 1/5 GDP toàn cầu, bất kể nhân loại có cắt giảm khí carbon gây ô nhiễm mạnh mẽ đến đâu.

Biến đổi khí hậu có thể khiến GDP toàn cầu năm 2050 giảm gần 20
Rừng A Lưới bị cháy do sét đánh

Vụ cháy rừng ở A Lưới được xác định xảy ra vào sáng sớm 17/4, phải đến chiều cùng ngày, các lực lượng mới dập tắt. Đến ngày 18/4, các lực lượng vẫn tiếp tục kiểm tra, theo dõi nhằm ngăn chặn kịp thời lửa rừng có thể tái bùng phát.

Rừng A Lưới bị cháy do sét đánh
Nhặt “lộc biển”

Từ sau tháng Giêng đến nay, sứa biển đã bắt đầu xuất hiện. Tùy theo con nước, sứa thường bị sóng đánh dạt vào bờ. Đây cũng là thời điểm nhiều người đi biển thử vận may với việc nhặt sứa.

Nhặt “lộc biển”
Vững bến neo

“Vững bến neo” là tâm nguyện, là sự mong ngóng của bao thế hệ ngư dân vươn khơi bám biển và chính quyền các cấp của Thừa Thiên Huế trong nỗ lực đáp ứng tốt nhất có thể các nhu cầu phát triển nghề cá của bà con ngư dân. Và dự án cảng cá Thuận An (phường Thuận An, TP. Huế) kết hợp khu neo đậu, tránh trú bão được xây dựng với kinh phí 220 tỷ đồng đã được triển khai và hoàn thành sau hơn ba năm xây dựng. Nằm trước cửa biển Thuận An, cảng cá Thuận An kết hợp với khu neo đậu tàu thuyền tránh, trú bão trở thành một điểm kết nối, điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển.

Vững bến neo
Tôm, cá trở về

Đã mấy chục năm rồi, ngư dân vùng biển Ngũ Điền (Phong Điền, Thừa Thiên Huế) mới được chứng kiến những đàn cá nục, cá trích, khuyết (ruốc)… bơi vào tận ven bờ. Vùng biển lộng đang hồi sinh!

Tôm, cá trở về

TIN MỚI

Return to top