ClockThứ Hai, 13/01/2020 14:22

"Thợ chữ" bên đường Tô Hiến Thành

TTH - Trong con hẻm nhỏ ở đường Tô Hiến Thành (TP. Huế), người đàn ông tóc đã hoa râm cặm cụi bên chiếc bàn nắn nót viết từng chữ. Có khi là những dòng chữ thể hiện tình yêu thương, tình thầy trò, nhưng cũng có những dòng chữ dành cho nỗi buồn tiễn biệt.

Cùng xây dựng “Giấc mơ Huế trên nền tảng tri thức và văn hóa”

Nắn nót từng nét chữ

Người đàn ông ấy là bác Phan Văn Hải, năm nay đã 63 tuổi, tốt nghiệp trung học phổ thông, nhưng do hoàn cảnh khó, ông phải vất vả mưu sinh với đủ loại nghề. Ông nói: “Nghề đầu tiên tôi làm là thợ tranh sơn mài, tỉ mỉ, vất vả và đòi hỏi sự kiên nhẫn. Tuy tiền công không nhiều nhưng cũng đỡ đần được phần nào cho mẹ và sáu anh em còn lại”. Miệt mài sáu năm rèn giũa tay nghề, song dòng tranh sơn mài vào thời điểm ấy ngày càng ế ẩm. Dù quyến luyến nghề nhưng ông vẫn phải nghỉ việc, chia tay với đam mê sơn mài.

Thất nghiệp, ông lại bươn chải với nghề xe đạp thồ. Hàng ngày, ông cặm cụi, gò lưng đèo hàng ra vào chợ Đông Ba. Thế rồi mối duyên bắt đầu nảy nở khi bác quen biết những cô bán hàng hoa tại chợ. Ông Hải nhớ lại: “Năm ấy bác còn trẻ lắm, mới 26 tuổi thôi. Ngày nọ cô hàng hoa gọi bác lại viết giúp mấy chữ trên giấy, ai ngờ lần cầm phấn ấy cũng là lúc bắt đầu bén duyên với nghề…”.

Sau những nét chữ phóng khoáng, đẹp đẽ, chàng trai trẻ được các cô hàng hoa biết đến. Người này nhờ ông viết mấy câu, trả cho ít tiền. Người khác thấy chữ đẹp cũng muốn thuê viết cho bằng được. Thế là từ lúc nào không hay, ông Phan Văn Hải trở thành người viết băng rôn thuê. Đến nay đã trải qua 37 năm.

Viết chữ thuê nghe có vẻ nhàn nhưng không phải thế. Công nghệ thay đổi, người viết thuê cũng phải thay đổi theo để bắt kịp xu thế. Cách đây hàng chục năm, lẵng hoa sẽ đẹp thêm bởi giấy, phấn. Sau này, người ta lại chuộng dải băng vải và mực nước. Từ vài hàng hoa, nhiều người biết đến và yêu mến nét chữ ấy, thế là ông nghỉ nghề xe đạp thồ, chính thức theo nghề viết băng rôn.

Thích ứng để sống được với nghề, đảm bảo năng suất, ngoài nhận viết thuê, ông còn làm sẵn phông chữ, cắt và tô chữ thủ công. Hồ hởi “khoe” với chúng tôi những tấm nhựa bóng kính, ông nói: “Nhờ chuẩn bị sẵn mà tôi đỡ vất vả hơn. Nhất là với những dòng chữ chung chung như “chúc mừng”, “kính viếng”. Hàng ngày cặm cụi trên chiếc bàn đặc biệt (được trải kính để đảm bảo độ mịn khi viết lên vải), mỗi băng rôn dài 1m, rộng 11cm, ông được trả tiền công tầm 15 nghìn đồng.

Hiện nay xuất hiện các loại máy in hiện đại, giá cả lại hấp dẫn. Song vẫn có nhiều người tìm đến ông để nhận về những nét chữ viết tay đẹp đẽ. “Băng rôn có vai trò rất quan trọng trong một lẵng hoa, đó là lời mà khách hàng nhắn nhủ đến người được nhận. Sự cuốn hút từ con chữ, nhất là nét mực, nét bút thì không máy in nào thể hiện được”, Văn Nhật, một thợ cắm hoa chia sẻ.

Trong một dịp tình cờ, Nhật biết đến ông Hải, cảm nét chữ trang trọng và đầy tính nghệ thuật, chàng trai cắm hoa trở thành khách hàng thường xuyên của bác thợ chữ. Vào dịp 20/11, các thế hệ học sinh cũng rất hay đặt hàng bác để tặng thầy cô. Bên cạnh lẵng hoa thật đẹp, thật tươi, những nét chữ viết tay uốn lượn như mang cả sự biết ơn, tình yêu thương, kính trọng.

Dù công việc ngày càng khó khăn, song ông Phan Văn Hải vẫn kiên trì giữ nghề. Có cải tiến, nhưng trên tất cả, niềm đam mê với cây bút lông, với những dòng chữ dạt dào tình cảm vẫn đều đặn hiện lên trên đôi tay gầy gò. Tóc điểm bạc, gương mặt chăm chú, ông Hải vẫn bền bỉ ngồi bên chiếc bàn đặc biệt, níu giữ hồn con chữ.

Bài, ảnh: Mai Huế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hoa gạo bên đường

Cây hoa gạo (tên chữ là hoa mộc miên) có mặt ở cả nông thôn lẫn thành thị. Ngày còn nhỏ, học ở trường làng, giờ ra chơi, lũ học trò chúng tôi thường hay ra quanh quẩn bên mấy cây phượng vĩ, cây hoa gạo mọc cạnh sân trường.

Hoa gạo bên đường
Ngay hàng thẳng lối mà “vô pháp”

Chuyện nghe như ngược đời mà hiện ra trước mắt chúng ta ở khắp mọi nơi, kể cả những vị trí có đính bảng cơ quan hoặc danh hiệu mẫu mực như “con đường văn minh” chẳng hạn.

Ngay hàng thẳng lối mà “vô pháp”
Chuyện nhỏ bên đường không nên bỏ qua

Huế đang nỗ lực chỉnh trang đô thị trước thềm Festival, trong đó có việc rải thảm nhựa một số tuyến đường trọng yếu mà khách du lịch qua lại nhiều. Trong điều kiện kinh phí có hạn, người dân hoan nghênh những cố gắng của thành phố làm cho Huế đẹp thêm và Nhân dân cũng được hưởng lợi.

Chuyện nhỏ bên đường không nên bỏ qua
Sớm có phương án xử lý khu đất bên đường Lê Hoàn, phường Tứ Hạ

Khu nhà kho và đất rộng hàng ngàn m2, nằm bên đường Lê Hoàn, phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà bị bỏ hoang, rất lãng phí. Các hạng mục công trình đã xuống cấp trông nhếch nhác, phản cảm, rất nguy hiểm vào mùa mưa bão… Đó là ý kiến của người dân phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà gửi đến Báo Thừa Thiên Huế.

Sớm có phương án xử lý khu đất bên đường Lê Hoàn, phường Tứ Hạ

TIN MỚI

Return to top