ClockChủ Nhật, 30/12/2012 00:10

Thương quá cồn ơi!

TTH - Cồn đất nổi lên giữa dòng sông Hương đi qua xã Hương Vinh (Hương Trà) hình thành nên những bãi bồi xanh tốt. Những năm trở lại đây do tác động của dòng chảy và nạn khai thác cát sạn, nhiều diện tích đất tại cồn lớn bị sạt lở nghiêm trọng.

Người dân mất đất sản xuất

 

Xã Hương Vinh có hai cồn nổi lên giữa sông tạo nên vùng có cảnh quang đẹp thuận lợi để trồng các loại hoa màu, có nhiều tiềm năng phát triển các loại hình dịch vụ. Trong đó, cồn bé có diện tích khoảng 5 ha, cồn lớn có chừng 22 ha. Đặc biệt, cồn có độ cao gần 1,5m đến 2m so với mặt nước nên có thể canh tác quanh năm.

 

Sạt lở tại cồn lớn

 

Những năm trở lại đây, tình trạng khai thác cát sạn gần khu vực cồn gia tăng gây sạt lở nhiều diện tích cồn đất. Dẫn chúng tôi ra thăm cồn lớn, nhìn từng miếng đất rơi xuống sông, ông Đỗ Nhật, người dân thôn Triều Sơn Nam không giấu được sự bất bình: Nhờ hai cồn đất này mà người dân quê chúng tôi mới có đất canh tác. Những năm trở lại đây hơn 5 ha đất bị hà bá nuốt mất mà nguyên nhân là do tình trạng khai thác cát sạn. Vừa nói anh vừa đưa tay chỉ cho chúng tôi thấy đám lục bình cách thuyền chừng 200m: “Đó là điểm mà trước đây đặt một miếu thờ nhưng giờ cái miếu đó đã bị cuốn trôi mất”. Rồi ông đưa tay chỉ về phía ngôi nhà bằng tôn cách khoảng 250m: “Ngày xưa đó là điểm bắt đầu của cồn, nhưng mấy năm nay sạt lở cuốn mất gần 250m chiều dài và 200 mét chiều ngang”.

 

Nhiều hộ dân sống gần khu vực cồn này cho biết: Gần đây, số lượng ghe khai thác cát sạn tập trung ở khu vực này rất đông. Hầu như thời gian nào cũng thấy tàu khai thác cát sạn hoạt động. Đặc biệt, vào các thời điểm từ 23h đến 4h sáng số lượng tàu thuyền khai thác càng tập trung đông hơn, lúc đông nhất có đến 7 thuyền cùng khai thác. Đêm nào cũng nghe tiếng máy nổ inh tai. Hầu hết những tàu khai thác cát này sử dụng tàu hút có sức chứa hàng trăm m3 với vòi hút vươn xa. Những vòi hút này cắm sâu trực tiếp xuống phía dưới cồn đất nên khi máy hút cát hoạt động sẽ làm sạt lở một khối lượng đất cát tương đương với số lượng cát khai thác. Chỉ sau một đêm mảnh đất canh tác của nhiều người dân bị “hà bá” nuốt mất.

 

Chính quyền cũng bó tay

 

Để đối phó với tình hình khai thác cát sạn chính quyền xã Hương Vinh thành lập đội tự quản thuộc thôn Triều Sơn Nam với 10 thành viên, được trang bị ghe nhôm và xuồng máy. Nhưng chỉ sau 20 ngày đi vào hoạt động lực lượng tự quản này phải giải tán do không đủ sức đối phó với “sa tặc”.

 

Anh Đỗ Nhật, đội trưởng đội tự quản tâm sự: Những ngày đầu mới thành lập anh em hăng hái lắm, ngày nào cũng xuất quân vài lần để trấn áp bọn khai thác cát sạn, bắt và xử lý vi phạm một số tàu thuyền. Được vài hôm, bọn “sa tặc” bắt đầu có những hành động chống trả nên nhiều anh em thấy nản không còn muốn tham gia. Điều quan trọng những đối tượng khai thác cát sạn thường sử dụng xuồng máy có công suất lớn nên rất khó trong vấn đề truy đuổi. Bên cạnh đó, do hầu hết anh em trong đội đều có nhà ở sát mép sông nên sợ bị trả thù, không còn mặn mà với công tác chống lại sa tặc. Trước đó, gia đình anh Nhật có 5 sào đất nông nghiệp tại cồn lớn, nhưng do tình trạng khai thác cát làm sạt lở mảnh đất của gia đình anh. Nguồn thu nhập 25 triệu đồng mỗi năm từ 5 sào ruộng của anh vì vậy cũng biến mất.

 

Chính quyền địa phương cũng tỏ ra khá bất lực trước tình trạng khai thác cát sạn diễn ra trên địa bàn. Ông Nguyễn Văn Bổn, Chủ tịch UBND xã Hương Vinh, cho biết: Thời gian qua, tình trạng khai thác cát sạn có những diễn biến phức tạp gây sạt lở nhiều diện tích canh tác nông nghiệp tại cồn lớn. Để đối phó với tình trạng trên, chính quyền xã có quyết định thành lập đội tự quản nhằm chấn chỉnh lại tình trạng trên, đồng thời phối hợp với công an xã, công an thị xã và cảnh sát môi trường công an tỉnh tiến hành nhiều đợt truy quét nhưng sau khi lực lượng này đi các đối tượng khai thác lại tiếp tục công việc. Đặc biệt, các thuyền khai thác cát sạn thường tiến hành khai thác vào thời điểm đêm tối nên rất khó khăn trong công tác chỉ huy truy quét. Chưa kể các đối tượng này rất manh động sẵn sàng chống trả khi bị truy quét.

 

Không chỉ vào thời điểm đêm tối mà nhiều thời điểm khác vẫn có khá nhiều tàu thuyền khai thác ở gần khu vực cồn. Để ngăn chặn tình trạng khai thác cát sạn chính quyền địa phương cần có sự phối hợp với lực lượng liên quan nhằm ngăn chặn và xử lý nặng những đối tượng vi phạm và cố tình chống trả. Đồng thời, cần có những chính sách hỗ trợ đội lực lượng tự quản về nhân lực, vật lực để lực lượng này có thể làm hết sức mình chống lại “sa tặc”.

Bài, ảnh: Hoàng Loan
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

Chiều 25/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa
“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ
Return to top