ClockThứ Bảy, 05/09/2020 06:45
ẢNH HƯỞNG MỎ ĐÁ VÔI PHONG XUÂN:

Tiếp tục giải pháp ổn định cuộc sống người dân

TTH - Ngoài chính sách hỗ trợ hộ dân lân cận khu vực mỏ đá vôi Phong Xuân (Phong Điền), Công ty CP Xi măng Đồng Lâm (Công ty Đồng Lâm) đang triển khai hàng loạt giải pháp giảm thiểu tác động.

Phong Xuân: Khai thác mỏ đá ảnh hưởng đời sống người dânPhải có phương án cụ thể, đảm bảo an toàn và quyền lợi cho người dânSớm có giải pháp ổn định cuộc sống người dân

Công ty Đồng Lâm đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng tới người dân

8,5 tỷ đồng hỗ trợ 

Theo UBND xã Phong Xuân, hàng năm, Công ty Đồng Lâm đều phối hợp với địa phương hỗ trợ người dân ảnh hưởng trong quá trình khai thác mỏ đá vôi Phong Xuân.

Khi nhận được tin nhà dân có hiện tượng rạn nứt, Công ty Đồng Lâm kịp thời khảo sát, có phương án hỗ trợ kinh phí, xi măng để người dân tự khắc phục sửa chữa hoặc nếu người dân muốn, công ty sẽ tự bỏ kinh phí, thuê đơn vị thi công khắc phục.  Theo đó, số kinh phí để hỗ trợ sửa chữa rạn nứt nhà dân từ năm 2017 đến nay gần 3 tỷ đồng.

Ông Phạm Phước Hiền Hòa, Phó Tổng giám đốc sản xuất Công ty xi măng Đồng Lâm cho biết, công ty luôn kiểm soát và tuân thủ nghiêm túc các quy định nổ mìn, quy định môi trường. Các kết quả đo đạc rung chấn đều thấp hơn nhiều so với quy chuẩn Việt Nam. Tuy vậy, quan điểm của Công ty Đồng Lâm cho rằng ít nhiều quá trình nổ mìn cũng có gây rung chấn dù nhỏ, có ảnh hưởng.

Vì vậy, Đồng Lâm đã có các chính sách hỗ trợ cho người dân lân cận khu mỏ đá vôi; có giải pháp giảm thiểu tối đa ảnh hưởng khói bụi. Đơn vị này đã phối hợp với địa phương tiến hành hỗ trợ các hộ dân đang sinh sống trong phạm vi 300m (tính từ đê bao mỏ) tiền mua BHYT năm 2020 với mức hỗ trợ 805.000 đồng/người. Tổng chi phí mua thẻ bảo hiểm hỗ trợ năm 2020 là 161 triệu đồng.

Công ty cũng đã hỗ trợ ảnh hưởng khói, bụi, tiếng ồn cho các hộ dân lân cận khu mỏ đá vôi phía cầu Cây Mưng, trong phạm vi bán kính 300m với mức hỗ trợ 400.000 đồng/người/tháng.

Công ty cũng đang tiến hành hỗ trợ đối với các hộ ngưng sản xuất có diện tích đất nông nghiệp bị ảnh hưởng trong phạm vi 200m từ đê bao, mức hỗ trợ 2 triệu đồng/sào/năm với diện tích trồng lúa và hoa màu (so với thu nhập mùa vụ cao nhất của người dân chỉ khoảng 1.00.000 đồng/sào/năm); 400.000 đồng/sào/năm đối với diện tích đất trồng cây lâu năm và keo tràm.

Tổng cộng chi phí hỗ trợ người dân từ 2014 đến nay là hơn 8,5 tỷ đồng.

Giảm thiểu ảnh hưởng

Đối với công tác nổ mìn, Công ty Đồng Lâm đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng tới người dân như: giảm lượng thuốc nổ tại các khu vực giáp đê bao xuống chỉ còn 1,5 tấn/bãi (giảm 50% so với quy định cho phép); áp dụng kỹ thuật tiên tiến trong khoan nổ mìn, sử dụng phương pháp nổ mìn vi sai phi điện-phương án nổ mìn tiên tiến nhất hiện nay, tuyệt đối không sử dụng phương pháp nổ mìn tức thời; không tiến hành nổ mìn xử lý đá quá cỡ và tẩy mô đầu đá phía gần đê bao để giảm tiếng nổ, giảm rung chấn; để lại các lớp đệm (lớp đất phủ) trên bề mặt để giảm thiếu đá văng; tăng cường chiều cao bua mìn, giảm chiều cao thuốc nổ để không xảy ra đá văng ra đê và đang xin điều chỉnh thời gian nổ mìn, lựa chọn hướng gió để nổ mìn đảm bảo không bay bụi ra khỏi đê bao...

Đối với việc sụt lún khu vực lân cận mỏ đá vôi Phong Xuân, thời điểm cuối năm 2014, theo thống kê có 35 hố sụt lún lớn, nhỏ xuất hiện tại khu vực đồng Mỏm Lang, lượng nước chảy vào mỏ rất lớn. Công ty đã mời chuyên gia địa chất thủy văn hàng đầu Việt Nam khảo sát, đánh giá, đưa ra giải pháp xử lý. Trong đó giải pháp xử lý quan trọng nhất là bồi, lấp nhét, bịt kín các khe nứt.

Ông Phạm Văn Bằng, Giám đốc điều hành mỏ đá vôi Đồng Lâm cho biết, để giảm thiểu hiện tượng sụt lún, Công ty Đồng Lâm đã chấp nhận dời bỏ tuyến đường vận chuyển chính dưới mỏ (trị giá khoảng 35 tỷ đồng) và xây dựng tuyến đường mới (lùi vào bên trong mỏ thêm khoảng 50m và có cao độ cao hơn tuyến đường cũ khoảng 15m), đồng thời tiến hành đổ đất sét toàn bộ tuyến đường cũ để lấp nhét, bịt kín các khe nứt, chặn mạch nước chảy từ đồng ruộng bên ngoài vào mỏ và xử lý lấp các hố sụt lún ngoài đồng ruộng.

Sau khi thực hiện song song các giải pháp vào cuối năm 2015, toàn bộ cánh đồng Mỏm Lang thôn Cổ Xuân không còn tình trạng tái sụt lún, mặt bằng khu vực đồng ruộng từ đó đến nay đã bằng phẳng, có thể canh tác bình thường, nước ngoài khu đồng ruộng không còn chảy vào phía bên trong mỏ.

Từ cuối năm 2015 đến nay, thực tế hiện tượng sụt lún chỉ xảy ra ở một vài điểm quanh mỏ đá vôi Đồng Lâm- tại những chỗ sụt lún mạnh trước đây. Trong thời tiết khô hạn như hiện nay, các ruộng lúa, ao sen vẫn có nước và phát triển bình thường.

Hội Kỹ thuật nổ mìn Việt Nam tiến hành đo giám sát mức độ rung chấn nổ mìn khai thác đá ở mỏ đá vôi Phong Xuân trong 2 đợt, vào tháng 3/2017 và tháng 3/2020, có sự giám sát trực tiếp của các ban ngành, chính quyền địa phương. Các kết quả đo rung chấn cho thấy mức độ rung chấn, sóng chấn động đều trong giới hạn cho phép theo Quy chuẩn Việt Nam QCVN 02:2008/BCT. Giá trị rung chấn cao nhất đo đạc được chỉ bằng 1/2 so với Quy chuẩn Việt Nam.

“Mặc dù đến nay hiện tượng sụt lún đất đã cơ bản được giảm tối đa, nhưng với quan điểm phát triển bền vững, công ty rất ủng hộ đề tài nghiên cứu khoa học để đánh giá nguyên nhân, đưa ra các giải pháp phòng tránh nguy cơ sụt lún đất tại khu vực xã Phong Xuân do UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện”, ông Bằng nói thêm.

Giải pháp lâu dài

Ông Nguyễn Văn Bình, Quyền Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho hay, về giải pháp lâu dài, UBND huyện đã đề xuất UBND tỉnh cho chủ trương lập đề án. Trước mắt cho di dời các hộ dân trong phạm vi 300m (tính từ đê bao mỏ) là 8 hộ dân đang sinh sống gần tuyến đường băng tải và trạm đặt đá vôi. Đối với diện tích đất nông nghiệp trong phạm vi 200m (tính từ đê bao mỏ) xung quanh khu mỏ đá vôi với diện tích 25,76 ha, đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương lập đề án đền bù, thu hồi đất. Đối với diện tích đất nông nghiệp trong phạm vi 200-300m xung quanh mỏ đá vôi với diện tích 34ha, đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương lập đề án chuyển đổi cây trồng phù hợp.

Về phía Công ty Đồng Lâm, nhà máy cũng đã có kế hoạch ngưng khai thác ở khu vực nằm gần khu vực dân cư trong năm nay, chuyển đến khu vực khác xa khu dân cư hơn để giảm ảnh hưởng đến người dân. Đồng thời, phối hợp, hợp tác chặt chẽ với UBND huyện Phong Điền trong các đề án nêu trên.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điều phối toàn diện chính sách an sinh xã hội

Công tác an sinh xã hội trên địa bàn thời gian qua đã có nhiều khởi sắc. Từ những chính sách, các chương trình, dự án, hoạt động trợ giúp, nhiều hoàn cảnh được tiếp cận các nguồn hỗ trợ, các dịch vụ xã hội để cải thiện chất lượng cuộc sống, được nâng cao kỹ năng để giải quyết khó khăn về vật chất và tinh thần.

Điều phối toàn diện chính sách an sinh xã hội
Thoát nghèo nhờ nguồn vốn chính sách

Nhờ có nguồn vốn tín dụng chính sách, thời gian qua, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) huyện Nam Đông đã mạnh dạn phát triển kinh tế hộ gia đình, không ngừng vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Thoát nghèo nhờ nguồn vốn chính sách
Return to top