ClockThứ Tư, 13/07/2016 05:56

Trả nợ đọng nông thôn mới

TTH - “Nợ đọng nông thôn mới (NTM) toàn tỉnh chỉ 83 tỷ đồng, thấp nhất cả nước. Con số này hoàn toàn nằm trong khả năng kiểm soát và xử lý của các địa phương”, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh (CTMTQGXDNTM) -Phạm Quyền khẳng định.

Giải quyết việc làm là một trong những tiêu chí mà nông thôn mới hướng đến

Vì sao nợ?

Từ khi triển khai CTMTQGXDNTM, các huyện có chủ trương, tạo cơ chế, chính sách cho các địa phương tạm ứng xi măng, vật liệu để bê tông hóa, mở rộng các tuyến đường. Riêng những công trình lớn, Nhà nước hỗ trợ kinh phí, người dân đóng góp công sức xây dựng. Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn được tỉnh ứng kinh phí mua xi măng, vật liệu, các địa phương huy động sức dân xây dựng công trình.

Cơ chế tạm ứng kinh phí, vật liệu đã tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương, nhưng cũng là nguyên nhân dẫn đến công nợ. Có địa phương nợ 4-6 tỷ đồng như các xã: Quảng Thọ, Quảng An, Quảng Vinh, Quảng Phú, Quảng Thành (Quảng Điền), Lộc Điền, Vinh Hưng (Phú Lộc)… Các địa phương nợ trên dưới một tỷ đồng khá phổ biến, như Quảng Lợi, Quảng Phước, Quảng Thái (Quảng Điền), Phú Mậu, Phú Thanh, Phú Thượng, Phú Mỹ (Phú Vang)…

 Ông Nguyễn Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Vinh Hiền (Phú Lộc) cho rằng, công nợ chủ yếu là 30% vốn đối ứng xây dựng các tuyến đường, thủy lợi, nhà văn hóa, trụ sở làm việc. Nguồn vốn xây dựng các công trình NTM trên địa bàn xã trong 5 năm qua khoảng 20 tỷ đồng, như vậy vốn đối ứng phải trên 5 tỷ đồng. Trong khi đó, nguồn vốn huy động trong dân rất khó, ngân sách của xã lại hạn hẹp nên không có cách nào khác phải nợ Nhà nước, hoặc các nhà thầu.

Trường THCS bán trú Long Quảng (Nam Đông) được nâng cấp

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Lộc-Nguyễn Văn Thông nhận định, nguồn vốn đối ứng đến 30% là quá cao so với khả năng của các địa phương thuần nông. Bình quân mỗi năm xây dựng NTM, nhiều địa phương phải “gánh nợ” khoảng 1 tỷ đồng, trong khi thu ngân sách khá thấp. Ngoài nợ vốn đối ứng, các địa phương phải tự bỏ kinh phí nâng cấp, giải phóng mặt bằng, kinh phí ước tính từ 10-30% tổng mức đầu tư các công trình… Chính vì vậy, việc nợ đọng trong xây dựng NTM tại các địa phương là không khó giải thích.

Xử lý nợ

Nguồn vốn huy động XDNTM trong 5 năm qua lên đến gần 5.000 tỷ đồng, trong khi số nợ đọng chỉ 83 tỷ đồng là không đáng kể. Sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM, các địa phương tập trung xử lý nợ đọng. Đến nay, phần lớn các địa phương cơ bản trả xong nợ, nhiều nơi nợ đến 5-6 tỷ đồng, nay chỉ còn vài trăm triệu đến 1 tỷ đồng.

Phó Chánh Văn phòng Điều phối CTMTQGXDNTM –Phạm Quyền cho rằng, chủ trương Nhà nước và Nhân dân cùng làm được bà con đồng tình, ủng hộ. Hầu hết các công trình trước khi xây dựng, các địa phương đều tổ chức họp, thông báo cho dân biết. Từ đó, người dân hưởng ứng, vào cuộc tham gia bàn bạc, chia sẻ ý kiến để cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Với những công trình vừa và nhỏ, huy động kinh phí, sức dân tham gia xây dựng.

Ông Phạm Hữu Sanh, cán bộ văn phòng UBND xã Phú Thanh thông tin, thực hiện chủ trương xã hội hóa trong XDNTM, đảng ủy, chính quyền địa phương tập trung huy động nguồn lực trong dân để hoàn trả nợ. Trong các nguồn lực được huy động, nguồn vốn từ bán đấu giá quyền sử dụng đất là chính. Đến nay, xã Phú Thanh đã hoàn thành việc trả nợ đọng XDNTM.

Ông Đào Trọng Thành, Chủ tịch UBND xã Quảng Thành cho biết, với số nợ ban đầu lên đến 4,5 tỷ đồng, chỉ sau hơn một năm chỉ còn khoảng 1 tỷ đồng. Đây là số nợ xây dựng nhà văn hóa xã, được xác định khó trả trong điều kiện địa phương đang tập trung xây dựng hoàn thiện các công trình trên địa bàn. Tuy nhiên theo ông Thành, chỉ cần Nhà nước hỗ trợ một phần, địa phương huy động thêm Nhân dân sẽ sớm xử lý dứt điểm công nợ.

Sau khi đạt chuẩn NTM, xã Phú Thượng tập trung huy động mọi nguồn lực để hoàn trả nợ XDNTM. Giáp ranh với TP Huế, giá đất trên địa bàn khá cao so với mặt bằng chung các vùng nông thôn, là một lợi thế đối với Phú Thượng trong việc bán đấu giá quyền sử dụng đất. Đến nay, xã Phú Thượng đã trả xong nợ XDNTM với tổng kinh phí khoảng 1,1 tỷ đồng.

Phó Chánh Văn phòng Điều phối CTMTQGXDNTM cho biết, trong tổng nợ 83 tỷ đồng, nguồn ngân sách từ CTMTQGXDNTM tỉnh hỗ trợ các địa phương 30%, tương ứng khoảng 26 tỷ đồng để xử lý. Từ đầu năm 2016, tỉnh đã bố trí 16 tỷ đồng cho các địa phương, 10 tỷ đồng còn lại sẽ bố trí trong năm nay. Số nợ 57 tỷ đồng còn lại, theo chủ trương, các huyện, xã huy động sức dân, các doanh nghiệp để hoàn trả.

Bài, ảnh: HOÀNG TRIỀU

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới

Đây là cảm nhận không chỉ riêng chúng tôi vừa trở lại xã Phong Sơn - địa phương cuối cùng của huyện Phong Điền vừa được tỉnh công nhận xã nông thôn mới (NTM).

Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới
Giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm bền vững

Ngày 15/3, UBND tỉnh phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Cục Việc làm, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Trung tâm Lao động ngoài nước, thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), cùng các sở, ban, ngành, đơn vị, doanh nghiệp... liên quan trên địa bàn tổ chức hội nghị "Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và giải quyết việc làm bền vững".

Giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm bền vững
Hướng đến xã nông thôn mới thông minh

Xã Quảng Thọ (huyện Quảng Điền) là 1 trong 6 xã của cả nước và là xã duy nhất của tỉnh Thừa Thiên Huế được chọn tham gia mô hình thí điểm “Xã nông thôn mới thông minh” của toàn quốc trong Chương trình Chuyển đổi số hướng tới nông thôn mới (NTM) thông minh.

Hướng đến xã nông thôn mới thông minh
Return to top