ClockThứ Năm, 16/06/2022 06:30

Tránh lãng phí sách giáo khoa

TTH - Kể từ khi áp dụng một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa (SGK), mỗi năm, mỗi địa phương chọn một bộ, và cùng một nơi có thể năm sau cũng không giống năm trước. Điều này khiến cho SGK khó tái sử dụng và hàng chục nghìn cuốn sách phải bỏ chỉ sau một năm học.

Nhiều ý kiến ĐBQH về trách nhiệm kiểm soát giá sách giáo khoaCông bố danh mục sách giáo khoa lớp 3, 7 và 10 năm học 2022-2023Sách số - đó mới là chuyện đáng bàn của sách giáo khoaGiá sách giáo khoa tăng vọt

Chọn sách giáo khoa ở Nhà sách Lạc Việt

Nhớ bao năm, xóm tôi toàn là dân lao động nghèo nên không ai bảo ai, cứ kết thúc năm học lại lan tỏa phong trào đem sách cũ tặng nhau. Tôi vẫn nhớ niềm hạnh phúc của Giang, người mẹ nghèo tần tảo với gánh hàng la gim mỗi khi con gái tôi tặng sách. Cũng phải thôi, nhà Giang có hai đứa con đang tuổi ăn tuổi học, không phải bỏ tiền ra mua SGK cũng bớt được nỗi lo. Hơn nữa, mỗi lần tặng sách, cả người cho và người nhận đều cười tít mắt, dặn nhau có ý thức giữ gìn để SGK có giá trị lan tỏa cho học trò nghèo.

Bắt đầu từ năm 2002, sách giáo khoa được chỉnh sửa qua từng năm, nhưng cơ bản không thay đổi đáng kể. Do đó, giai đoạn 2002 - 2019, chương trình giáo dục phổ thông chỉ có một bộ SGK cho từng lớp nên học sinh có thể dùng lại sách của khóa trên.

Phụ huynh bắt đầu lo kể từ khi biết thông tin Chương trình giáo dục phổ thông mới và Luật Giáo dục 2019, lần đầu tiên, Việt Nam triển khai "một chương trình, nhiều bộ sách". Bộ GD&ĐT từng giải thích, đây là cách làm của các nước có nền giáo dục phát triển, đa dạng hóa cách tiếp cận chương trình, thu hút nhiều người tài tham gia viết sách, khuyến khích chủ động, sáng tạo trong dạy học. Thế nhưng, những phụ huynh nghèo như Giang lại trăn trở liệu không biết còn đi xin SGK về cho con học dễ dàng như trước.

Đúng như âu lo, năm 2020, sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu áp dụng cho lớp 1. Trong năm đầu triển khai, thẩm quyền chọn sách thuộc về các trường. Dựa vào danh mục sách trong số 5 bộ đạt chuẩn do Bộ GD&ĐT công nhận, các trường thành lập hội đồng, mỗi môn chọn một đầu sách. Vấn đề nằm ở chỗ, sách được chọn không bắt buộc thuộc cùng một bộ. Nghĩa là, SGK được dùng ở mỗi trường một khác. Thế nên, gia đình nào chuyển trường cho con giữa chừng hoặc có hai con học khác trường sẽ phải mua mới hoàn toàn, hoặc mua mới một số cuốn, thay vì kế thừa trọn bộ sách cũ như giai đoạn 2019 về trước. Chị Nguyễn Thị Mỹ, có con học tiểu học cho biết, cuối năm học các con đem sách từ trường về, nhiều quyển còn mới nguyên, muốn gửi về quê cho các cháu nhưng không phải trường nào cũng học sách giáo khoa giống con tôi nên đành cất vào kho.

Còn nhớ trước đây, một bộ SGK có thể chuyền tay nhau, vì sách hầu như không có chỗ trống để điền sẵn vào khi làm bài tập. Còn bây giờ, SGK mới học sinh làm bài tập ngay trong sách. Nhớ có lần lên huyện miền núi, cô hiệu trưởng của một trường tiểu học tiếc rẻ kể, sách giáo khoa cũ nhà trường vẫn nhận thường xuyên nhưng các em không sử dụng được, bởi tất cả các sách đều bị ghi vào chỗ trống trong sách. Chỉ mong học sinh dưới xuôi khi làm bài tập đừng ghi trực tiếp vào sách. SGK lớp 1, lớp 2, đều có thể tái sử dụng cho năm học sau được, nếu các em học năm nay có ý thức giữ gìn, không viết, vẽ bậy vào sách. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, khuyên học sinh không nên viết vào SGK có ô trống là rất khó thực hiện. Nên chăng, Bộ GD&ĐT cần quy định chỉ chấp nhận những bộ SGK không chừa chỗ cho học sinh viết vào để có thể tiết kiệm được sách cũ sau khi sử dụng?

Có thể thấy thời gian qua việc đổi mới SGK gây không ít bức xúc bởi còn nhiều điểm chưa phù hợp, nhất là vấn đề SGK chỉ sử dụng được 1 lần lãng phí hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm. Thế nên, thông tin SGK giáo dục phổ thông vừa được dự kiến đưa vào chương trình giám sát tối cao trong năm 2023 của Quốc hội nhận được sự đồng tình của dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, cần tìm ra giải pháp cho vấn đề này, chẳng hạn, cần khuyến khích hoạt động cho mượn sách, vận động các bộ sách cũ. Phía Nhà nước cần hỗ trợ nguồn kinh phí xây dựng thư viện ở các trường để học sinh có cơ hội tiếp cận với tri thức. Để làm được, các bộ sách phải được sử dụng, chọn lựa nhiều năm, một thời gian dài.

Việc đổi mới SGK trong việc dạy và học là nhu cầu tất yếu của sự phát triển khi ngành giáo dục đang hướng tới mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Tuy nhiên, cũng cần tính đến tính thực tiễn nhằm tránh sự lãng phí, nhất là trong điều kiện nền kinh tế đất nước vẫn còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay.

Bài, ảnh: Huế Thu 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Lùi lại” để sống bên con

Mùa thi cận kề, nhưng không ít phụ huynh đã bắt đầu thay đổi quan điểm, không còn quá kỳ vọng vào thành tích của con. Điểm cao cũng tốt, không cao cũng không sao miễn con vui khỏe là được. Tôi hiểu điều này khi mình cũng đang có hai con đang ở tuổi đến trường và cũng ở chung tâm trạng lo lắng khi tình trạng học sinh trầm cảm dẫn đến tự tử như một cách để giải thoát… đang lan truyền. Câu chuyện tưởng chừng đã cũ nhưng hệ lụy để lại đầy xót xa.

“Lùi lại” để sống bên con
Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

Ngày 14/4, tại Công viên Tứ Tượng (TP. Huế), Quỹ Giáo dục Huế hiếu học (Quỹ) tổ chức trao học bổng học kỳ 2 năm học 2023 – 2024 cho các sinh viên, học sinh nghèo, vượt khó vươn lên trong học tập. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân.

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó
Giúp người dân hình thành các hành vi sức khoẻ

Sáng 10/4, tại Trạm Y tế phường Thuỷ Biều, TP. Huế, Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế phối hợp với Tổ chức Arpan Global, Hoa Kỳ tổ chức ngày hội sức khoẻ (Health Fair) năm 2024.

Giúp người dân hình thành các hành vi sức khoẻ

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top