Thế giới

Vaccine ngừa COVID-19 của Cuba – “hy vọng tốt nhất” cho các nước nghèo

ClockThứ Sáu, 14/01/2022 18:08
TTH.VN - Theo kênh CNBC, Cuba có tỷ lệ dân số đã tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cao hơn hầu hết tất cả các quốc lớn nhất và giàu nhất thế giới. Trên thực tế, chỉ có Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) mới có tỷ lệ tiêm chủng cao hơn Cuba.

Cuba chuẩn bị ra mắt vaccine Mambisa phòng COVID-19 dạng xịtChuyên cơ Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đang chở vắc xin Abdala về Việt NamViệt Nam ký hợp đồng mua 10 triệu liều vắc xin của CubaCuba là quốc gia đầu tiên tiêm phòng COVID-19 đại trà cho trẻ emCuba cấp phép khẩn cấp 2 loại vắc xin nội địa để chống biến thể Delta

Một em bé 3 tuổi được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại La Habana, Cuba ngày 24/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Hòn đảo Caribe này đã đạt được cột mốc quan trọng trên bằng cách tự sản xuất vaccine ngừa COVID-19 của riêng mình, ngay cả khi đất nước phải vật lộn để có thể duy trì đủ hàng hoá cho các kệ hàng trong siêu thị.

“Đó là một kỳ tích đáng kinh ngạc”, bà Helen Yaffe, giảng viên lịch sử kinh tế và xã hội tại Đại học Glasgow, Scotland, nhận định. Bà cho rằng “đó là kết quả của một chính sách có ý thức của chính phủ về sự đầu tư của nhà nước vào lĩnh vực này, trong cả y tế công cộng và khoa học y tế”.

Cho đến nay, khoảng 86% dân số Cuba đã được tiêm đầy đủ 3 liều vaccine ngừa COVID-19 và 7% đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine để chống lại căn bệnh này, theo số liệu thống kê chính thức do Our World in Data tổng hợp.

Tỷ lệ này bao gồm cả trẻ em từ 2 tuổi trở lên, nhóm tuổi đã bắt đầu được chủng ngừa vài tháng trước. Các cơ quan y tế Cuba đang triển khai việc tiêm các mũi  tăng cường cho toàn bộ người dân trong tháng này, nhằm hạn chế sự lây lan của biến thể Omicron.

Tính đến hiện tại, đất nước có khoảng 11 triệu dân này vẫn là quốc gia duy nhất ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe tự phát triển và sản xuất các loại vaccine nội địa ngừa COVID-19.

Niềm hy vọng cho các nước nghèo

Lĩnh vực công nghệ sinh học uy tín của Cuba đã phát triển 5 loại vaccine COVID-19 khác nhau, trong đó có Abdala, Soberana 02 và Soberana Plus. Cuba cho biết, tất cả các loại vaccine này đều có hiệu quả đến 90% trong việc bảo vệ chống lại COVID-19 khi tiêm 3 liều.

Dữ liệu thử nghiệm lâm sàng các vaccine của Cuba vẫn chưa được thẩm định khoa học bởi các chuyên gia quốc tế, mặc dù nước này đã tham gia vào hai cuộc trao đổi thông tin trực tuyến với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để bắt đầu quy trình Lập danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL) cho các vaccine nói trên.

Không giống như những gã khổng lồ dược phẩm của Mỹ là Pfizer và Moderna sử dụng công nghệ mRNA, tất cả các loại vaccine của Cuba đều là vaccine tiểu đơn vị protein - như vaccine của Novavax. Điều quan trọng là đối với các nước thu nhập thấp, các loại vaccine này có chi phí thấp, có thể được sản xuất ở quy mô lớn và không yêu cầu phải bảo quản âm sâu.

Abdala là một tỏng những vaccine ngừa COVID-19 của Cuba. Ảnh: Getty

Đây được xem là những ưu điểm khiến giới chức y tế quốc tế kỳ vọng rằng các vaccine của Cuba sẽ là “một nguồn hy vọng tiềm năng” cho “miền Nam toàn cầu”, nhất là khi tỷ lệ chủng ngừa COVID-19 ở khu vực này vẫn còn thấp. Ví dụ, trong khi khoảng 70% người dân ở Liên minh Châu Âu đã được tiêm chủng đầy đủ, thì con số này ở châu Phi là chưa đến 10%.

Tuy nhiên, để hy vọng này trở thành hiện thực, WHO sẽ phải phê duyệt vaccine của Cuba. Quá trình kiểm tra của WHO bao gồm việc đánh giá các cơ sở sản xuất vaccine, một điểm mà các quan chức y tế Cuba cho rằng đã làm chậm tiến độ.

Vicente Verez, người đứng đầu Viện vaccine Finlay của Cuba, nói rằng các tài liệu và dữ liệu cần thiết sẽ được đệ trình cho WHO trong quý I năm nay. Sự chấp thuận của WHO sẽ là một bước quan trọng để phân phối các vaccine của Cuba ra toàn thế giới.

Ý nghĩa to lớn

Phân tích về ý nghĩa của các loại vaccine này đối với các nước nghèo nếu được WHO phê duyệt, bà Yaffe cho rằng rõ ràng “nhiều nước và người dân ở phía Nam toàn cầu sẽ coi vaccine Cuba là hy vọng tốt nhất của họ để có thể được tiêm chủng vào năm 2025”. “Và trên thực tế, điều này tác động đến tất cả chúng ta vì như những gì đang diễn ra với Omicron: đột biến xuất hiện ở những nơi mà phần lớn dân số không được tiêm chủng. Khi nhiều biến chủng mới xuất hiện, chúng sau đó có thể tấn công lại những nước tiên tiến đã bao phủ vaccine trên diện rộng”, bà Yaffe nói thêm.

Giáo sư John Kirk cũng đồng ý rằng sự phê chuẩn của WHO đối với các vaccine ngừa COVID-19 do Cuba sản xuất trong nước sẽ mang “ý nghĩa to lớn” đối với các nước đang phát triển.

“Một điều quan trọng cần lưu ý là vaccine của Cuba không yêu cầu phải bảo quản ở nhiệt độ cực thấp như vaccine của Pfizer và Moderna, vì vậy, chúng sẽ rất thích hợp với những nơi như châu Phi – vốn có cơ sở hạ tầng hạn chế để có thể bảo quản vaccine”, ông Kirk nhấn mạnh.

Ông cũng chỉ ra rằng Cuba, không giống như các quốc gia hoặc các công ty dược phẩm khác, đã đề nghị tham gia chuyển giao công nghệ để chia sẻ quy trình sản xuất vaccine của mình với các nước có thu nhập thấp.

“Mục tiêu của Cuba không phải là kiếm tiền nhanh chóng, mà là giữ cho hành tinh khỏe mạnh”, chuyên gia Kirk nói thêm.

Tháng trước, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo về một “cơn sóng thần” của các ca nhiễm COVID-19 do biến thể Omicron gây ra, làm quá tải các hệ thống y tế trên toàn thế giới.

Thống kê cho thấy số lượng ca nhiễm Omicron vẫn đang gia tăng trên khắp các quốc gia và vùng lãnh thổ ở khu vực châu Mỹ. Tổ chức Y tế Liên Mỹ (PAHO) lo ngại rằng sự bùng phát mạnh số ca bệnh có thể dẫn đến gia tăng số ca nhập viện và tử vong trong những tuần tới.

Theo đó, PAHO kêu gọi các quốc gia tăng tốc độ bao phủ tiêm chủng để giảm sự lây nhiễm và lặp lại khuyến nghị về các biện pháp y tế công cộng như đeo khẩu trang – vốn là một yêu cầu bắt buộc ở Cuba.

Tố Quyên (Lược dịch từ CNBC)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nigeria trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai vaccine mới chống viêm màng não

Trong một động thái lịch sử, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới đây cho biết, Nigeria đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai loại vaccine 5 trong 1 mới “mang tính cách mạng” chống viêm màng não, nhằm bảo vệ con người, chống lại 5 chủng vi khuẩn não mô cầu chính là A, C, W, Y và X.

Nigeria trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai vaccine mới chống viêm màng não
COVID-19 khiến tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm 1,6 năm

Một nghiên cứu quy mô lớn vừa công bố sáng nay (12/3) cho biết đại dịch COVID-19 đã khiến tuổi thọ trung bình của người dân trên toàn thế giới giảm 1,6 năm trong 2 năm đầu tiên của đại dịch, một mức giảm nghiêm trọng hơn so với trước đây.

COVID-19 khiến tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm 1,6 năm
Return to top