ClockThứ Ba, 15/04/2014 05:41

Áo dài hội nhập thế giới

TTH - Không sen, không nước, không rặng tre... nhưng Lễ hội Áo dài vẫn để lại trong khán giả ấn tượng khó phai về vẻ đẹp giản dị, thanh thoát mà kiêu sa của tà áo. “Thế giới trong tà áo dài Việt Nam” – chủ đề của lễ hội năm nay - còn là minh chứng về sự năng động, giao thoa với văn hóa thế giới của áo dài Việt.
Đúng như mong đợi, tối qua (14/4), Lễ hội Áo dài đã mãn nhãn người xem khi mang đến những mẫu thiết kế phong phú, mới lạ và hấp dẫn. Mang trên mình biểu tượng văn hóa của bạn bè năm châu, 600 mẫu áo dài của 18 nhà thiết kế được lấy cảm hứng từ 18 quốc gia trên thế giới tiếp tục là điểm nhấn đặc biệt của Festival Huế 2014.
 Bộ sưu tập của nhà thiết kế Ngọc Thanh - Công Huân.
 
Xuất hiện tại sân khấu Kỳ Đài, Lễ hội Áo dài thêm một lần nữa đem đến cho người xem một không gian cổ kính và đẹp lung linh. Trên sân khấu “tím rịm” với những cổng thành, hoa văn cung đình Huế xưa, lễ hội đã đưa người xem lãng du qua nhiều xứ sở trên thế giới với những sáng tạo không giới hạn về màu sắc, hình khối và kiểu dáng.
 Bộ sưu tập của nhà thiết kế Chu La.
 
Trong không gian mênh mang màu tím Huế, qua ánh đèn huyền ảo “e ấp” núp dưới cổng thành, những tà áo dài lộng lẫy sắc màu như càng thêm lung linh, quyến rũ. Mỗi thiết kế mang một phong cách khác nhau, không chỉ thể hiện vẻ đẹp vĩnh cửu của chiếc áo dài mà còn là “tiếng nói” đại diện cho mỗi đất nước. Nhật Bản cổ kính mà sang trọng với những hoa văn cổ. Hà Lan dịu dàng với hoa tulip. Nam Phi nóng bỏng và cuồng nhiệt. Nga nguy nga, tráng lệ với hình ảnh cung điện Kremlin. Pháp lãng mạn qua vẻ đẹp của những công trình kiến trúc trứ danh. Achentina với vũ điệu Tango cháy bỏng. Còn Thái Lan thì duyên dáng trong màu sắc và chất liệu taffeta. Việt Nam lại sâu lắng, nhẹ nhàng với gốm men lam...
Khác với những lần trước, áo dài được trình diễn trên nền nhạc du dương, trữ tình với tiếng sáo, tiếng đàn tranh, đàn nhị... lần này, trên nền âm nhạc, điệu múa đặc trưng của từng xứ sở, hình ảnh 18 quốc gia lần lượt hiện diện qua những sắc màu, họa tiết, chất liệu của từng mẫu thiết kế. Giai điệu Pháp nhẹ nhàng, trữ tình. Tiết tấu nhạc Ấn Độ sôi động, rộn rã. Việt Nam mênh mang, da diết... Thế nên, người xem ngạc nhiên khi người mẫu không chỉ trình diễn áo dài bằng những bước đi thướt tha quen thuộc mà còn là những bước chân năng động, mạnh mẽ, những điệu múa uyển chuyển, táo bạo, thậm chí là “phăng” với những bước nhún nhảy, những cái vỗ tay rộn rã. Đây là điểm nhấn thể hiện áo dài Việt Nam trong xu thế hội nhập, năng động và giao thoa với văn hóa thế giới. Hòa quyện cùng là phông màn hình LED khắc họa hình ảnh về đất nước, con người của từng vùng đất.
Cứ như vậy, văn hóa của bạn bè năm châu đến với khán giả một cách nhẹ nhàng, tự nhiên qua ngôn ngữ của âm nhạc, của thời trang và khán giả như được “sống” trong hơi thở của thời đại mới.
Tiếp nối những biến tấu của tà áo dài Việt, Lễ hội Áo dài tại Festival Huế 2014 đã đi xa hơn, mở rộng hơn và gửi thông điệp đến bạn bè thế giới cùng nhìn về một tương lai của sự thân thiện, bền vững như mong muốn của các nhà thiết kế. Sự biến tấu này phù hợp với xu thế phát triển, hội nhập nhưng vẫn giữ được đường nét, sắc thái cổ điển của áo dài truyền thống.
Trở thành “thương hiệu” của festival, Lễ hội Áo dài thu hút lượng lớn khán giả. Từ chiều tối, hàng nghìn người đổ dồn về chật kín sân khấu để tận mắt thưởng thức những bộ sưu tập áo dài qua màn trình diễn tuyệt vời của 100 người mẫu. Đắm say ngắm từng mẫu thiết kế, chị Lan Thanh, một du khách đến từ TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Kỳ festival nào tôi cũng về Huế để thưởng thức không khí lễ hội. Lễ hội Áo dài thì không thể bỏ qua. Năm nay, chủ đề áo dài được mở rộng đến tầm thế giới và đã được các nhà thiết kế bộc lộ ý tưởng rất độc đáo, thể hiện đầy phá cách. Các mẫu thiết kế sang trọng, quý phái mà vẫn gần gũi, thân quen”.
Lễ hội kết thúc bằng màn bắn pháo hoa tuyệt đẹp với những bông hoa nở rộ lung linh trên bầu trời của nghệ sĩ Alain Hurbert...

Một số hình ảnh tại Lễ hội Áo dài Festival Huế 2014:












Minh Hiền - Ảnh: Võ Nhân
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Giáo dục di sản”- học mà chơi, chơi mà học

Vui vẻ, hào hứng, bổ ích là những cảm nhận của những “du khách học trò” sau khi tham gia chương trình “Giáo dục di sản” (GDDS) do Bảo tàng Cổ vật cung đình (CVCĐ) Huế tổ chức.

“Giáo dục di sản”- học mà chơi, chơi mà học
Xe không chỉ để đi

Nghe chồng bảo sắm ô tô, chị ngơ ngác, mồm mắt tròn xoe, giọng như hụt hơi: “Đi đâu mà mua xe?”. Anh cười, cái đầu húi cua lắc nhẹ, vẻ khó hiểu cùng lời nghi vấn cao ngạo: “Sao hỏi ngớ ngẩn thế?”. Nói rồi, anh đưa mắt nhìn con đường trước nhà, với dãy ô tô nối dài, tít đến đằng xa.

Xe không chỉ để đi
Tự hào quốc hiệu Việt Nam

“Quốc hiệu Việt Nam là tài sản tinh thần vô giá và linh thiêng của dân tộc Việt Nam, là niềm tự hào của mỗi người dân nước Việt. Từ trong sâu thẳm tâm thức của mình, tôi tự hào là người Việt Nam”, nhà nghiên cứu Huế Dương Phước Thu đã chia sẻ như thế nhân kỷ niệm 220 năm quốc hiệu Việt Nam.

Tự hào quốc hiệu Việt Nam
Phát động ủng hộ Quỹ Bảo tồn Di sản

Ngày 4/5, Trường Cao đẳng (CĐ) Huế tổ chức Hội nghị quán triệt Chỉ thị 42-CT/TU của Tỉnh ủy, thông tin về “Định hướng xây dựng, phát triển Thừa Thiên Huế đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và phát động ủng hộ Quỹ Bảo tồn Di sản Huế.

Phát động ủng hộ Quỹ Bảo tồn Di sản
Khai mạc Trại sáng tác Văn học “Vinh Xuân – Mùa biển gọi”

Chiều 3/5 tại UBND xã Vinh Xuân (Phú Vang) diễn ra lễ khai mạc Trại sáng tác Văn học “Vinh Xuân – Mùa biển gọi” năm 2024 do Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế (thuộc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế) phối hợp UBND xã Vinh Xuân tổ chức.

Khai mạc Trại sáng tác Văn học “Vinh Xuân – Mùa biển gọi”

TIN MỚI

Return to top