ClockThứ Tư, 02/08/2017 08:17

Góc cà phê nhỏ

TTH - Quán cà phê nằm ở một góc ngã ba, quay mặt ra hai con đường, nơi có sông An Cựu chảy qua.

Đường nào cũng yên tĩnh với những ngôi nhà không lớn nhưng khang trang, đẹp với những giàn hoa đủ loại, đủ màu làm cho con đường sinh động. Quán không lớn lắm, tường sơn màu nâu giản dị, bàn ghế bằng gỗ được bài trí cho khách những khoảng riêng vừa đủ. Giới trẻ thường gọi là quán này là “mộc” cũ. Chính vẻ cũ, “mộc” ấy lại tạo cho quán sự gần gũi, thân tình. Có lẽ vậy nên khách đến đây đa số đều quen.

Tôi thường ghé quán vào chiều thứ bảy hoặc sáng chủ nhật hàng tuần. Đó là dịp nhóm bạn “mặc định” ngồi chuyện trò sau một tuần làm việc. Quán ra đời khá lâu rồi. Ban đầu mới mở khách đến chưa nhiều, nhưng bây giờ lượng có tăng dần, nhất là vào sáng sớm hoặc chiều tan tầm. Chỗ ngồi tôi thích ở quán là nhìn ra được hai con đường, nơi có tán lá xanh rậm rì của những cây bàng và phượng vĩ bên vệ đường. Nhìn nó, tôi có thể nghĩ ra đủ thứ. Đây là con đường hơn 20 năm trước, sáng chiều tôi đi học vào mỗi dịp hè. Tôi không nhớ ngày đó có cây bàng này chưa nhưng với gốc cây to lớn, sù sì, với tán lá cao xum xuê như bây giờ thì có lẽ nó đã bằng tuổi tôi hoặc sinh ra trước đó. Tôi quen chốn này đã lâu nên nhìn cây bàng thay lá là biết từng mùa đã đi qua. Những chiếc lá bàng màu xanh đậm, rộng bản, có khi lỗ chỗ mấy chỗ bị sâu ăn làm tôi nhớ những ngày đi học, gói xôi ăn sáng của mình được gói bằng lá bàng mua bên lề chợ An Cựu. Ngồi ở chỗ này tôi còn được nhìn con hẻm nằm bên kia sông An Cựu như một con đường tắt mà hồi đó nhóm bạn phổ thông vào ra vì ở đó có nhà cô bạn gái. Con hẻm sau 20 năm không rộng hơn được chút nào dù đã được bê tông hóa, hai bên có nhà cao tầng đẹp mắt.

Uống cà phê ở quán, với tôi chỉ là một cách thư giãn, chuyện trò với đồng nghiệp, bạn bè. Tôi không rành lắm về hương vị cà phê. Thấy uống được là được. Đắng một chút, ngọt một chút, ngụm cà phê mát lạnh cũng dễ chịu, nhất là buổi sáng trôi đi với những điệu nhạc dịu êm, thấy lòng nhẹ nhàng, lắng đọng. Mỗi khi đến quán, bao lần cũng thấy có những người khách tâm trạng giống mình. Họ tìm ngồi chỗ quen, cũng cà phê sữa rồi toát ra vẻ an nhiên tự tại. Nhưng cũng có nhóm vào quán này, mỗi người một chiếc điện thoại, không ai nhìn ai, đôi khi quên ly cà phê đá tan nhạt thếch. Cũng có các cô, các bà vào quán này như đi chơi, mặc áo váy đẹp, trang điểm phấn son, chọn bàn rồi chuyện trò rôm rả át luôn tiếng nhạc, phá tan vẻ tĩnh lặng.

Bây giờ có nhiều người vào quán cà phê nhưng không uống cà phê. Họ đến chỉ là một cái cớ như là một cách dung dưỡng tinh thần. Tôi vẫn chọn quán cà phê nhỏ, đơn sơ ấy cho những dịp cuối tuần. Bình thường thôi, nhưng vui là được.

Khánh Quan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tự hào “Chiến sĩ nhỏ Điện Biên”

Chiều 10/4, Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh phối hợp với Trường THCS Phạm Văn Đồng (TP. Huế) tổ chức Liên hoan “Chiến sĩ nhỏ Điện Biên”.

Tự hào “Chiến sĩ nhỏ Điện Biên”
Bernard chọn quán cà phê trong Đại Nội để ngồi viết sách

Trong không gian Viện Pháp Huế, số 1 Lê Hồng Phong, nhà văn viễn tưởng nổi tiếng người Pháp Bernard Werber đã có buổi giao lưu, trò chuyện cùng khán giả cố đô và giới thiệu hai tác phẩm tâm đắc của ông: “Bộ Ba Kiến" và "Chiếc hộp Pandora".

Bernard chọn quán cà phê trong Đại Nội để ngồi viết sách
Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn.

Những hoạt động của chiến dịch “Hãy làm sạch biển” không chỉ góp phần lan tỏa ý thức, trách nhiệm của đoàn viên, thanh niên trong công tác bảo vệ môi trường biển mà còn truyền thông điệp về tình yêu với biển, với Tổ quốc.

Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn
Cà phê khởi nghiệp

Định kỳ giữa tháng, Câu lạc bộ Khởi nghiệp Huế lại tổ chức chương trình talkshow với chủ đề “Thấu hiểu để kết nối” tại địa điểm quen thuộc là Drone Coffee (19 Lê Quang Đạo, TP. Huế). Với một khoản chi phí nhỏ (50.000 đồng), các thành viên CLB và khán giả quan tâm sẽ được phục vụ một thức uống miễn phí và lắng nghe những câu chuyện và kiến thức kinh doanh từ hai vị khách mời.

Cà phê khởi nghiệp

TIN MỚI

Return to top